Góc nhìn 29/11: Có thể bước vào nhịp điều chỉnh?
Mặc dù tăng điểm nhưng nhiều CTCK vẫn có góc nhìn khá thận trọng về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch tới. Theo đó, thị trường có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn và dòng tiền có thể chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Hướng đến đỉnh cũ 947 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Trên góc nhìn vốn hóa, nhóm Mid Cap (-0.15%) và Small Cap (-1.34%) đồng loạt giảm đã phản ánh đúng tâm lý chốt lời T+3 trong phiên hôm nay. Mặc khác, nhóm Large Cap (+0.15%) có sự phân hóa nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự bứt phá vào cuối phiên của SAB (+5.6%).
Trên góc nhìn kỹ thuật, các chỉ số chính VN-Index và VN30 vẫn giữ được tín hiệu ngắn hạn ở mức tích cực với các ngưỡng hỗ trợ gần nhất tương ứng với đường MA5 ngày lần lượt tại 936 điểm và 928 điểm. Việc các ngưỡng hỗ trợ đang ở khá gần sẽ giúp kích hoạt dòng tiền bắt đáy trong trường hợp các chỉ số điều chỉnh.
Hiện tại, SHS vẫn nghiêng về kịch bản tích cực, trong phiên giao dịch 29/11, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến mức đỉnh cũ tại 947 điểm, vùng hỗ trợ cho chỉ số trong khoảng 917-936 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong phiên để tăng dần tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua đuổi đối với những cổ phiếu đã tăng nóng. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và tận dụng những phiên giảm điểm để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tích cực.
Dòng tiền có thể trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ
CTCK Bảo Việt (BVS): Sau nhịp tăng giá mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, áp lực chốt lời dự kiến sẽ gia tăng trong các phiên sắp tới khiến xu hướng tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu này khó có thể duy trì. Thay vào đó, dòng tiền nhiều khả năng sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng để tìm kiếm lợi nhuận, giúp kịch bản điều chỉnh sâu của thị trường ở mức thấp.
Có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn
CTCK KB Việt Nam (MSI): Nếu loại trừ khớp lệnh thỏa thuận của DIG và VNM, thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức cao 5 phiên liên tiếp và các chỉ số chính vẫn được nâng đỡ bởi sự phân hóa trong nhóm bluechips. Dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong hai phiên qua đang có dấu hiệu dừng lại.
Trạng thái rủi ro của thị trường chưa có gì thay đổi. Do đó, MSI cho rằng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc mạnh và có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Các nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường chờ đến khi các tín hiệu thị trường trở nên rõ ràng hơn.
Dòn tiền mới bắt đầu quay lại thị trường
CTCP CK Ngân Hàng ĐT & PT Việt Nam (BSI): Thị trường đã có những dấu hiệu chững lại sau đà tăng mạnh và tập trung tại một số cổ phiếu. Nổi bật trong ngày là mã cổ phiếu DIG khi tăng trần với giá trị khớp lệnh lên đến 2,468 tỷ đồng với thông tin thoái vốn của Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, một mã cổ phiếu khác cũng có diễn biến tương tự là SAB sau khi có thông tin chào bán cổ phần của Bộ Công Thương. Sau khi dao động quanh mức tham chiếu thì SAB đã tăng hơn 5% trong phiên ATC và đóng góp 2.9 điểm vào chỉ số thị trường.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên hôm nay (ngoại trừ VCB, các mã còn lại đều giảm điểm hoặc đóng cửa mức tham chiếu), tiếp đến là sự điều chỉnh của nhóm Dầu khí, trong khi sự phân hóa đang diễn ra trên diện rộng.
BSI nhận định, nếu loại bỏ đi 2 mã cổ phiếu đột biến là DIG và SAB thì thị trường đã có một phiên giao dịch khá ảm đạm, nhưng cũng là sự hợp lý khi giá của các mã cổ phiếu đã được đẩy lên khá cao. Nhìn chung, cơ hội của các nhà đầu tư vẫn còn nhiều khi dòng tiền mới chỉ đang bắt đầu quay trở lại với thị trường chứng khoán.
Phương Châu
FiLi
|