Doanh nghiệp vận tải trong vòng xoáy phí
Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ tại TPHCM đang lao đao vì thiếu nguồn hàng, tình hình kinh doanh sụt giảm, trong khi đó, lại bị các loại phí bủa vây.
Kinh doanh vận tải giờ xuống thê thảm, doanh nghiệp phải xoay xở, được đến đâu hay đến đó. Ảnh: Lê Anh
|
Hơn một tháng qua, bà Phước, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở TPHCM, rao bán hơn 20 xe container nhưng chẳng có khách nào hỏi mua. Trao đổi với TBKTSG, bà nói với giọng buồn bã: “Trước đây, tôi bán một xe container giá khoảng 1 tỉ đồng, nay giảm chỉ còn 500 triệu đồng mà cũng không có người mua. Mấy chục xe đậu hoài ở bãi, tôi chịu sắp hết nổi rồi...”.
Hiện tại, đội xe của doanh nghiệp bà Phước một tháng chỉ chạy 15-20 ngày, những ngày còn lại nằm phơi mưa, phơi nắng ở bãi do không có hàng. Những ngày xe nằm bãi đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu. Trong khi đó, phí đường bộ vẫn phải đóng hàng tháng, hàng năm, rồi phí cầu đường BOT cứ ra đường là phải đóng, cộng với giá xăng dầu lên cao từ đầu năm đến nay đã khiến cho doanh nghiệp bà Phước hết sức lao đao.
Bà Phước cho biết kể từ khi siết tải trọng xe, nhiều chủ hàng đã tự sắm xe để chở hàng và không thuê xe bên ngoài nữa. Hơn nữa, trong vài năm qua, số lượng xe container chở hàng tăng nhiều khiến nguồn hàng bị chia sẻ. Rồi khi không có hàng, doanh nghiệp buộc phải cho tài xế nghỉ việc và bán xe để cắt lỗ. “Kinh doanh vận tải giờ xuống thê thảm, doanh nghiệp phải xoay xở, được đến đâu hay đến đó”, bà Phước nói.
Mà không chỉ doanh nghiệp bà Phước, nhiều doanh nghiệp vận tải ở TPHCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhận điện thoại của người viết bài này, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, nói trong nỗi buồn rầu: “Tình hình giờ căng lắm, hàng hóa không có để chở, giá cước xuống thấp do cạnh tranh. Dù lỗ mà vẫn phải làm, vì không làm thì không có tiền trả nợ ngân hàng”.
Ông Phú cho biết doanh nghiệp của ông đã phải cắt giảm số lượng xe, cắt giảm nhân sự và vẫn lao đao trong vòng xoáy các loại phí, trong đó, nặng nhất vẫn là phí bảo trì đường bộ và phí qua các trạm BOT. Ông cho biết bình thường, mỗi xe container hoạt động bình quân chỉ 9 tháng/năm, tức 275 ngày; 90 ngày còn lại, xe phải nghỉ do nhiều nguyên nhân như nghỉ lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật, nghỉ để bảo trì, bảo dưỡng hoặc đem xe “đi xét”. Nay còn thêm những ngày ngưng hoạt động do tình hình kinh doanh khó khăn. Xe không lăn bánh nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Đã vậy, khi xe hết thời hạn đăng kiểm, tạm dừng hoạt động thì khi đi đăng kiểm lại cũng bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe không lăn bánh.
Hiện tại, một xe container (cả đầu kéo) phải đóng phí bảo trì đường bộ tổng cộng là 17,16 triệu đồng/năm, trong khi phần lớn doanh nghiệp vận tải có chỉ ở quy mô nhỏ và vừa, vốn lưu động không nhiều, việc đầu tư xe chủ yếu là bằng vốn vay ngân hàng. Theo ông Phú, việc đóng phí bảo trì đường bộ như trên là quá sức đối với nhiều doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cũng xác nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội về việc thiếu nguồn hàng; giá cước giảm mạnh do cạnh tranh trong khi vẫn phải “gánh” các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT, phí thuê bãi đậu. Các loại phí này đang là gánh nặng khiến doanh nghiệp thua lỗ, phải bán rẻ xe.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, ngoài các loại phí cố định, giờ đây phí cầu đường BOT thậm chí còn cao hơn cả phí nhiên liệu cho quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí dày đặc. Ví dụ khi chở hàng từ các cảng ở quận 7, TPHCM đi Vũng Tàu, chi phí nhiên liệu cho chuyến hàng chỉ khoảng 750.000 đồng cho 60 lít dầu thì phí cầu đường cho cả lượt đi và về là 800.000 đồng. Hay quãng đường từ các cảng ở quận 7 xuống Biên Hòa - Đồng Nai, tiền phí qua các trạm BOT lên tới 560.000 đồng (cả đi và về), trong khi chi phí nhiên liệu chỉ hết 437.000 đồng cho 35 lít dầu. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng điều này là nghịch lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng khó khăn này, ông Phú của doanh nghiệp Minh Liên kiến nghị Nhà nước nên giảm phí bảo trì đường bộ đối với xe container, đồng thời, cho phép các xe không lăn bánh vì nhiều lý do (nghĩa là doanh nghiệp tạm thời không có nhu cầu sử dụng xe) thì không bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe tạm dừng hoạt động. “Doanh nghiệp vận tải giờ đã yếu mà vẫn bắt gánh nhiều loại phí thì e rằng khó khỏe mạnh được”, ông Phú than phiền.
Lê Anh
THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
|