Thứ Sáu, 24/11/2017 13:08

Venezuela vỡ nợ và số phận khoản đầu tư của PetroVietnam

Sự kiện Venezuela vỡ nợ nhận được mối quan tâm sâu sắc của dư luận bởi tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) có khoản đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ ở đây. Số phận khoản đầu tư ấy cho đến giờ phút này ra sao?

* Venezuela chìm sâu vào khủng hoảng, lạm phát hơn 4,000%

Giá dầu giảm khiến những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn gặp khó. Ảnh: Internet

Venezuela giữa tháng này đã vỡ nợ khi không thể thanh toán khoản trái phiếu đáo hạn. Nằm trong số các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới, việc thừa nhận vỡ nợ khiến cho xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt dầu thô của Venezuela khó khăn hơn do khả năng bị các chủ nợ thu giữ. Với Việt Nam, người dân quan tâm đầu tiên đến khoản đầu tư của PetroVietnam tại nước này.

PetroVietnam bắt đầu nhắc đến cái tên Venezuela lần đầu tiên trong Báo cáo thường niên năm 2010 của tập đoàn. Tại trang 12 của báo cáo trên ghi: “Triển khai nhiệm vụ trong Nghị quyết số 386/QĐ-TTg ngày 9-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng và mục tiêu cơ bản của chiến lược đầu tư ra nước ngoài, năm 2010 PetroVietnam đã ký được hai hợp đồng dầu khí mới tại Uzbekistan (lô Kossor), Venezuela (lô Junin 2), nâng tổng số các dự án đã và đang triển khai thực hiện lên 18 dự án thăm dò khai thác tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ”.

Kế đó trang 25 chỉ ra: “Hoạt động thăm dò và phát triển mỏ ở nước ngoài năm 2010 của tập đoàn có những bước tiến vượt bậc. Tập đoàn ký được hợp đồng thành lập Công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu nặng tại Venezuela (mỏ Junin 2). Mỏ Junin 2 là dự án phát triển khai thác dầu khí khổng lồ với trữ lượng dầu khí rất lớn, khai thác trong vòng 25 năm và có thể được gia hạn thêm”.

Trong báo cáo thường niên năm sau đó, năm 2011, PetroVietnam đề cập chi tiết hơn về các khoản góp vốn liên doanh ở nước ngoài của tập đoàn tại ngày 31-12-2011: “Công ty liên doanh Petromacareo Venezuela, tỷ lệ vốn góp của Việt Nam 40%, hoạt động chính khai thác dầu thô” (trang 65). Phần thuyết minh trang 66 giải thích: “Công ty liên doanh Petromacareo thành lập tại Venezuela giữa Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Corporación Venezolana del Petroleo S.A. (CVP) để khai thác và nâng cấp dầu lô Junin 2, vành đai dầu Orinoco, Cộng hòa Bolivar Venezuela theo thỏa thuận ký ngày 1-7-2010. Thời gian hoạt động của liên doanh là 25 năm có thể gia hạn tối đa thêm 15 năm”.

Bảy năm đã qua, hàng trăm triệu đô la Mỹ tiền ngân sách (PetroVietnam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) đã được đầu tư vào Venezuela nhưng vẫn chưa có số liệu chính thức nào để đánh giá tính hiệu quả của khoản đầu tư này.

Đến Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2012, người đọc mới biết số tiền mà PetroVietnam đã đầu tư lần đầu ở Venezuela. Trang 32 có nêu: “Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí đã đầu tư 1.523,4 tỉ đồng vào Petromacareo. Tập đoàn đang phản ánh khoản đầu tư này trên báo cáo tài chính hợp nhất theo phương pháp giá gốc”.

Đến Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013 của PetroVietnam, ở trang 8, phần góp vốn liên doanh tăng vọt từ 18.600 tỉ đồng ngày 31-12-2012 lên 23.784 tỉ đồng ngày 31-12-2013, tức tăng 5.184 tỉ đồng.

Và đến báo cáo tài chính riêng công ty mẹ năm 2014 đã kiểm toán, ở trang 48, PetroVietnam mới “bật mí” như sau: “Trong năm 2014, PVEP đã thực hiện đánh giá hiệu quả các dự án dầu khí và đề xuất thực hiện phân bổ chi phí dự tính có thể không thu hồi được trong năm 2014 với số tiền 5.983,6 tỉ đồng (tương đương 298,32 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá bấy giờ) và đã trình tập đoàn Dầu khí phê duyệt. Ngày 8-1-2015 tập đoàn đã có Công văn số 15/DKVN-HDTV gửi Bộ Công Thương để xin ý kiến chỉ đạo phê duyệt việc phân bổ các khoản chi phí nêu trên và chưa nhận được văn bản chấp thuận chính thức”.

Phải qua năm năm, với năm báo cáo tài chính, người ta mới nhận ra số tiền mà PetroVietnam đã đầu tư có thể không thu hồi được lên tới gần 6.000 tỉ đồng. Liệu đây đã phải là con số chính xác cuối cùng?  

Thông tin về dự án đầu tư ở Venezuela được thể hiện đầy đủ và lộ ra những “mảnh ghép còn lại” trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và 2016 của PetroVietnam.

Ở trang 47, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, PetroVietnam đề cập đến chi phí phát triển mỏ, cụ thể: “Chi phí phát triển mỏ tại ngày 31-12-2015 bao gồm khoản phí tham gia trả lần đầu và lần thứ hai với tổng số tiền 442 triệu đô la Mỹ, PVEP đã chuyển cho nước Cộng hòa Bolivar Venezuela để được tham gia đầu tư khai thác tại lô Junin 2”.

Như vậy chỉ riêng khoản phí trả hai lần để được tham gia đầu tư khai thác dự án ở Venezuela đã lên tới 442 triệu đô la Mỹ. Trong phần Báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty Kiểm toán Deloitte đi kèm với báo cáo tài chính năm 2015 của PetroVietnam, Deloitte cho biết: “Tập đoàn đang ghi nhận khoản đầu tư vào công ty liên doanh Petromacareo và khoản phí tham gia trả lần đầu và lần thứ hai để được tham gia đầu tư khai thác tại lô Junin 2 theo giá gốc trên bảng cân đối kế toán. Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của các khoản đầu tư này tại ngày 31-12-2015”.

Rõ ràng ở đây có sự phân biệt giữa khoản phí trả hai lần cho Chính phủ Venezuela và khoản đầu tư vào Petromacareo. Phải chăng số tiền 298,32 triệu đô la Mỹ mà PVEP dự tính có thể không thu hồi được trong năm 2014 chính là khoản đầu tư vào Petromacareo?

Khoản phí trả riêng hai lần cho Chính phủ Venezuela vẫn là chưa hết. Trang 64 báo cáo tài chính năm 2016 ghi: “Theo hợp đồng thành lập và quản lý công ty liên doanh Petromacareo S.A. và thoả thuận phí tham gia lần đầu ký ngày 29-6-2010, khoản phí tham gia phải trả Chính phủ Venezuela lần cuối cùng (lần 3) là 142 triệu đô la Mỹ. PVEP đã xin gia hạn khoản phải thanh toán này cho đến khi hoàn thành các hoạt động thẩm định và đánh giá đầy đủ trữ lượng của lô Junin 2”.

PVEP đã tạm ngưng trả khoản phí trả riêng lần ba. Câu hỏi mà người đọc quan tâm là vì sao phải trả khoản phí riêng? Lần ba chưa trả thì PetroVietnam có được bảo lưu quyền tham gia đầu tư khai thác lô Junin2 nữa không? 

Chúng tôi chưa thể tìm thấy báo cáo tài chính bán niên 2017 của PetroVietnam hoặc bất cứ báo cáo tài chính nào của PVEP để tìm hiểu số phận dự án của tập đoàn ở Venezuela hiện nay trong bối cảnh quốc gia này vỡ nợ. Bảy năm đã qua, hàng trăm triệu đô la Mỹ tiền ngân sách (PetroVietnam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) đã được đầu tư vào Venezuela nhưng vẫn chưa có số liệu chính thức nào để đánh giá tính hiệu quả của khoản đầu tư này.

Hải Lý

tbktvsg

Các tin tức khác

>   Samsung lên tiếng về thông tin đối xử tệ với công nhân (24/11/2017)

>   Trạm thu phí không dừng: Có tăng thời gian thu phí BOT? (24/11/2017)

>   Luật An ninh mạng: Có nên thêm khoá nhưng đưa người khác giữ? (24/11/2017)

>   Đề xuất một “đặc khu ảo” cho doanh nghiệp nội dung số Việt Nam (24/11/2017)

>   Thể chế “hết sức táo bạo” của luật đặc khu (23/11/2017)

>   Tập đoàn Canada muốn làm đường sắt đô thị nối Nội Bài - Hồ Tây (23/11/2017)

>   Vì sao TPHCM xin hủy dự án chống ngập 400 triệu USD? (23/11/2017)

>   Cá tra tăng giá, người nuôi hết hàng (23/11/2017)

>   Nên dịch CPTPP như thế nào? (23/11/2017)

>   Bộ Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh không vì thành tích (22/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật