Thứ Ba, 14/11/2017 16:54

Đi xe máy tới Paris, Trần Đặng Đăng Khoa tiêu 10.000 USD

Chàng trai Gò Công đang trên hành trình vòng quanh thế giới tiết lộ anh rất bất ngờ khi đất nước khiến anh phải chi nhiều tiền nhất là Thái Lan.

* Chiếc wave 'ghẻ' và giấc mơ của 20 năm

Tối 13-11, Trần Đặng Đăng Khoa có buổi trao đổi trực tiếp trên trang mạng xã hội cá nhân để giải đáp thắc mắc của nhiều người về việc chuẩn bị giấy tờ, kỹ năng đảm bảo an toàn, chi phí hành trình đi xe máy qua 23 quốc gia của anh thời gian qua.

Đứng trước ống kính trong không gian thư viện Trường đại học Ứng dụng Hamburg (Đức), Khoa gầy hơn so với ngày mới rời quê hương. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh cho biết đã giảm 7kg.

Chia sẻ về việc lựa chọn cung đường Nam Á để tới Pháp (cung duy nhất không đi qua Trung Quốc) thay vì cung Trung Á hay Bắc Á, Khoa giải thích: "Mình rất thích tìm hiểu về tôn giáo. Đi theo cung đường này khá nguy hiểm, thời tiết không thuận lợi nhưng cũng rất thú vị, vì được đi qua các thánh địa tôn giáo lớn như Phật giáo, Hinđu giáo, Hồi giáo, Chính thống giáo…, đi qua những nền văn minh lớn của loài người như văn minh sông Ấn, sông Hằng, Lưỡng Hà hay Hi Lạp".

Trước đó, Khoa từng chia sẻ quyết định không chọn cung đi qua Trung Quốc để đảm bảo lịch trình, thời gian và giảm chi phí.

Về thủ tục, giấy tờ visa cho cả người và xe, Khoa khẳng định việc này không quá khó. Trước khi đi, anh chỉ xin 3 visa: Ấn Độ, Pakistan và visa Schengen (dành cho những nước thuộc Hiệp định Schengen tại châu Âu). Còn lại, anh xin "cuốn chiếu", hoặc xin visa online (e-visa) để đảm bảo lộ trình.

Giấy tờ cho xe máy cũng không hề phức tạp như nhiều người nghĩ. Chỉ cần có bằng lái xe quốc tế và giấy thông hành xe máy quốc tế là có thể đem xe tới nhiều nước mà không gặp trở ngại pháp lý.

Với mỗi chuyến du lịch, điều làm nhiều người thắc mắc nhất là chi phí. Chuyến đi "lịch sử" của Khoa cũng không ngoại lệ. Anh cho rằng để chuẩn bị cho chuyến đi này "không có cách nào khác ngoài bán sức lao động". 

Bức tranh do một người hâm mộ vẽ tặng, dựa trên một tấm ảnh Khoa chụp bản thân và chiếc xe máy biển 63 (Tiền Giang) tại Italy - Ảnh: Facebook nhân vật

Một thời gian dài trước khi đi, Khoa làm khá nhiều công việc cùng lúc để vừa có tiền tiết kiệm thực hiện ước mơ, vừa có tiền gửi về cho gia đình.

Tính từ lúc xuất phát ngày 1-6 đến ngày thứ 150 (tới Paris - Pháp), Khoa tiêu 10.000 đôla Mỹ. Tuy nhiên, trước khi đi anh cũng tốn 96 triệu đồng để chuẩn bị đồ đạc, xin visa, khám sức khỏe, chuẩn bị xe, phí liên hệ…

Tổng cộng 150 ngày từ Việt Nam tới Pháp, Khoa đã chi trả khoảng 235 triệu đồng.

Đăng Khoa giới thiệu về một góc phòng trọ dán chằng chịt bản đồ anh nghiên cứu - Ảnh chụp màn hình

Với một chuyến đi "trường kỳ", Khoa khá chi tiết về chuyện tiền bạc. Mỗi buổi tối, anh thống kê chi tiêu trong ngày theo các mục: tiền ăn uống, tiền xăng, chi phí cho xe, chi phí khác (phí ship xe, vé máy bay, vé tham quan, phí đổi tiền, visa, mua quà lưu niệm…).

Anh cơ cấu "ngân quỹ" rõ ràng cho từng mục. Trong đó, tiền lưu trú tốn 25% tổng chi phí, xăng xe chiếm 9%, bảo dưỡng xe cộ 6%, chi phí khác 40%, tiền ăn uống 20%.

Chàng trai Gò Công cho biết chi phí này có thể thấp hơn. Tuy nhiên, anh quan niệm đi để khám phá, trải nghiệm thì không nên quá tiết kiệm. Vì vấn đề an toàn cho bản thân, đồ đạc, Khoa cũng chọn ngủ phòng đơn khách sạn, nhà nghỉ thay vì giường dorm.

Nhìn lại, Trần Đặng Đăng Khoa khá bất ngờ khi đất nước ngốn nhiều tiền nhất của anh lại chính là Thái Lan (50 triệu đồng).

Anh lý giải: "Thái Lan chỉ cho phép đem xe máy vào thông qua công ty du lịch. Khoản này làm mình tốn 500 USD. Tiền vé máy bay và phí chuyển xe máy từ Bangkok (Thái Lan) qua Kathmandu (Nepal) cũng hết khá nhiều tiền".

Vì chiếc xe và hành trình quá đặc biệt, Khoa thường được sửa xe miễn phí. Trong hình, Khoa giao lưu cùng một số thợ sửa xe tại Hà Lan. Ảnh: FBNV.

Chia sẻ về lịch trình tiếp theo, Khoa cho biết anh sẽ chuyển xe máy từ Hamburg (Đức) qua Chile bằng tàu biển. Sau đó, anh ở lại thủ đô Santiago (Chile) để học tiếng Tây Ban Nha, phục vụ cho hành trình khám phá Nam Mỹ. Tại đây, Khoa đồng thời xin visa Peru và Ecuador.

Anh dự tính trở về Việt Nam sau một năm nữa.

Hạo Du

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Thẻ tín dụng sẽ không được rút quá 5 triệu đồng/ngày (13/11/2017)

>   Từ 1/7/2018 tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu (13/11/2017)

>   Lương hưu: Làm sao để bà bớt sốc? (09/11/2017)

>   Hàng trăm người khóc nghẹn vì chủ hụi biệt tăm (09/11/2017)

>   Sinh viên trong vòng xoay học phí tự chủ (09/11/2017)

>   CEO trẻ tiết lộ "bí quyết" giành 36 học bổng (03/11/2017)

>   Lương hưu 101 triệu đồng/tháng vì 'đóng nhiều, hưởng nhiều' (01/11/2017)

>   Tội phạm thẻ ngân hàng lại tung các chiêu nhử mới (20/10/2017)

>   Tập đoàn Bảo Việt tri ân khách hàng hơn 10 tỷ đồng (10/10/2017)

>   Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua USD (10/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật