Có nên dừng cho vay ngoại tệ?
Trước việc Thông tư 31/2016/TT-NHNN sắp hết hiệu lực đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ hết cơ hội được hưởng chính sách vay ưu đãi ngoại tệ, nhiều ý kiến cho rằng không nên dừng cho DN vay ngoại tệ bởi điều đó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Không nên dừng cho vay ngoại tệ
|
DN không muốn dừng cho vay
Thông tư số 31/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2017. Cụ thể, tổ chức tín dụng được phép cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng giải ngân, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp vốn vay được thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định phải bằng ngoại tệ.
Như vậy, nếu cơ quan chức năng không tiếp tục gia hạn, DN xuất khẩu sẽ không có cơ hội vay ngoại tệ.
Trong cuộc hội thảo “Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng và doanh nghiệp” tại TP HCM do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định đã nhiều lần NHNN muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ nhưng do yêu cầu thực tế nên quy định này đã nhiều lần phải nới thời hạn cho đến nay. Bởi đúng là có những DN thuộc đối tượng ưu tiên, cần phải cho vay bằng ngoại tệ. Song cũng có một số DN thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm DN cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, điều này cho thấy cuộc chơi đang diễn ra theo cách không bình đẳng giữa những người kinh doanh. Do đó, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại chứ không phải để như bây giờ.
Là một DN xuất khẩu mặt hàng dệt may lớn trong nước, ông Thân Đức Việt - Phó TGĐ Tổng Cty May 10 cho biết “chủ trương chống đô la hóa của NHNN là không sai, tuy nhiên khi áp dụng chính sách này thì nên phân loại các DN, đối với các DN đang có hoạt động xuất nhập khẩu công cụ thanh toán của họ là bằng ngoại tệ. Cho nên việc dừng cho vay ngoại tệ sẽ không thuận lợi cho DN. Kiến nghị của tôi là đối với DN xuất nhập khẩu không nên áp dụng dừng cho vay ngoại tệ”.
Việc dừng cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng DN mất thời gian trong việc quy đổi ngoại tệ sang nội tệ và ngược lại, trong khi đó DN lại phải chi trả cho nhà cung cấp bằng ngoại tệ. Việc quy đổi qua lại chắc chắn sẽ bị tác động bởi biến động tỷ giá điều này sẽ làm DN gia tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh trên thị trường. “Khó khăn ở đây là DN không thể chủ động về thời gian thanh quyết toán, chi phí vốn sẽ tăng lên tùy thuộc vào biến động của tỷ giá” - ông Việt cho biết.
TS.Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đồng quan điểm và cho rằng chính sách hiện nay về ưu đãi cho vay đối với DN xuất khẩu giúp giảm chi phí vốn và từ đó giảm giá thành sản phẩm, mang tính cạnh tranh hơn. “Với các DN xuất khẩu việc vay vốn ngoại tệ là rất quan trọng giúp họ giảm chi phí sản xuất” - ông nói.
Gây nhiều khó khăn cho DN chân chính
Xét tình hình hiện nay, lãi suất ngoại tệ đang thấp hơn lãi suất VNĐ, cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với tiền đồng Việt Nam dao động trong khoảng 7-9%/năm, trong khi lãi cho vay đối với đồng USD chỉ 2,5%-4%/ năm. Tức là chi phí lãi vay bằng tiền đồng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với việc được vay bằng ngoại tệ.
Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: ”Với lãi suất tiền gửi bằng đô-la trong nước hiện nay là 0%, nhiều DN có ngoại tệ sẽ dùng số tiền đó để gửi ra nước ngoài nhằm hưởng chênh lệch lãi suất”.
Ông cho biết thêm: “Việc NHNN dừng cho vay ngoại tệ đối với các DN sẽ tạo rất nhiều khó khăn cho các DN. Với mục đích chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ là hợp lý tuy nhiên cần có chính sách phù hợp để tạo điều kiện dễ dàng cho DN, tránh việc tăng chi phí”.
TS Lê Đăng Doanh lấy ví dụ với DN xuất khẩu ngành dệt may, khi ngày trước đối tác yêu cầu DN giao hàng trong 30 ngày nhưng nay thời hạn chỉ còn 15 ngày, với thời gian giảm trong khi việc vay mượn lại khó khăn sẽ khiến DN không đảm bảo được thời hạn giao hàng trong hợp đồng.
"Và vấn đề tạo môi trường công bằng cho các DN, theo tôi vẫn sẽ tạo được trên một số khía cạnh nào đó, tuy nhiên khó khăn cho DN vẫn nhiều hơn" - ông nói.
“Xét trên phương diện cung - cầu, khi có DN cần vay vốn ngoại tệ sẽ có cầu, cầu ở đây chính là tín dụng chợ đen. Khi DN có nhu cầu họ sẽ lựa chọn nhiều cách để có thể có được nguồn vốn tín dụng và tín dụng chợ đen là một trong những lựa chọn” - TS Lê Đăng Doanh lo lắng.
Thay vì dừng cho vay vốn ngoại tệ, NHNN nên có những chính sách siết chặt hợp lý và cụ thể hơn thay vì dừng cho vay ngoại tệ. Nên xem xét và phê duyệt cho các DN thực sự có nhu cầu vay vốn ngoại tệ, loại trừ các DN không thực sự có nhu cầu nhưng vẫn được hưởng ưu đãi cho vay ngoại tệ. Không nên vì một số DN không trung thực mà ảnh hưởng đến DN kinh doanh chân chính.
Đồng quan điểm với TS.Lê Đăng Doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất giải pháp để tránh trường hợp các DN lạm dụng chương trình cho vay ưu đãi ngoại tệ đó là: “NHNN cần đưa ra những quy định những DN xuất khẩu phải có doanh thu bao nhiêu phần trăm là xuất khẩu thì mới xứng đáng tham gia chương trình này. NHNN phải quy định chẳng hạn như tối thiểu là 51% chi phí doanh thu đến từ xuất khẩu mới đáp ứng điều kiện để tham gia chương trình này. Các ngân hàng sẽ lãnh nhiệm vụ kiểm tra điều kiện này của các DN”.
Nguyễn Long
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|