Chủ tịch APEC CEO Summit 2017: Phát triển hạ tầng kinh tế số là ưu tiên số 1
Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi thì mỗi nền kinh tế phải coi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên đặc biệt. Khi tập trung vào những hoạt động chính yếu, APEC sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng một cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng, một tương lai chung mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) họp phiên thứ 4 để chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao, và từ ngày 6/11 đến ngày 11/11 tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Trao đổi với báo giới về các nội dung thảo luận trong Tuần lễ cấp cao, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) cho biết, trong các cuộc đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn.
Thứ nhất, là đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực
Mặc dù các quan điểm chống lại toàn cầu hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng doanh nghiệp APEC vẫn coi hội nhập về thương mại và đầu tư là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế và khẳng định WTO vẫn là nền tảng của thương mại và sự thịnh vượng toàn cầu. Cho nên, ủng hộ và hỗ trợ Tổ chức Thương mại Thế giới trong các mục tiêu toàn cầu hóa, đẩy mạnh tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực để đạt được các mục tiêu Bogor, hình thành khu vực thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP), theo đuổi chương trình nghị sự mới về dịch vụ… là những hướng đi quan trọng của APEC.
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường cam kết của các nền kinh tế APEC chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư như tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ (TiSA), Hiệp định Hàng hóa Môi trường (EGA), đề ra lộ trình cạnh tranh về dịch vụ của APEC (ASCR)... Doanh nghiệp cũng kiến nghị thúc đẩy các nỗ lực dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan có thể làm tăng chi phí kinh doanh, hạn chế đầu tư và tăng trưởng thông qua thúc đẩy công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Để có thể đạt được những thỏa thuận thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập, các nền kinh tế thành viên cần có quyết tâm cao nhằm vượt qua những lợi ích cục bộ, ngắn hạn, những xung đột về địa chính trị, cũng như những khác biệt về văn hóa để tiến tới những lợi ích chung, bền vững theo nguyên tắc tất cả cùng có lợi.
Bên cạnh việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới trên khắp khu vực cũng được cho là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số được lan tỏa đến rất cả các nền kinh tế số. Những nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh (ABAC) về đầu tư cho ICT và tiềm năng tương lai cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế đi tiên phong và các nền kinh tế đi sau là do sự chênh lệch về năng lực cạnh tranh. Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi thì mỗi nền kinh tế phải coi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên đặc biệt.
Để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các nền kinh tế APEC cần tạo ra các môi trường pháp lý xoá bỏ những rào cản không cần thiết và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm hợp tác trong những nỗ lực quốc tế để truyền dữ liệu hiệu quả và an toàn khắp khu vực và cải cách pháp luật trong nước.
Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)
MSMEs được coi là huyết mạch của mọi nền kinh tế trong khu vực. MSME chiếm trên 90% doanh nghiệp, sử dụng trên 60% lực lượng lao động. Tuy nhiên, MSMEs chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu.
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, các MSMEs có thể trực tiếp tham gia vào thương mại xuyên biên giới với chi phí thấp thông qua kinh tế số và các nền tảng thương mại điện tử.
Viễn cảnh một nông dân ở Việt Nam có thể trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu hay ở bất kỳ quốc gia nào là không còn quá xa vời, nếu giải quyết được những vấn đề liên quan đến thanh toán, hậu cần vận chuyển hàng hóa hoặc giao nhận dịch vụ, và quan trọng hơn là vấn đề xác lập thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy cũng như vấn đề an ninh và bảo vệ dữ liệu.
Mặc dù vậy, các chi phí giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thể rất tốn kém nên việc kết hợp với các doanh nghiệp lớn trong các chuỗi giá trị rất có ý nghĩa đối với các MSMEs. Bên cạnh đó, để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho các MSMEs thì cần phải vượt qua được các rào cản về các quy định pháp lý. Các đề xuất xoay quanh việc xây dựng hệ thống thông tin về tài chính, việc định giá, các giao dịch bảo đảm hay phát triển fintech… cùng nhiều sáng kiến thành lập Mạng lưới Khởi nghiệp APEC và Thị trường doanh nghiệp MSMEs APEC cũng được VCCI và ABAC nêu ra như các nền tảng thúc đẩy sự phát triển và quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ưu tiên thứ ba là vấn đề phát triển sáng tạo và bao trùm
Vấn đề này được đặt ra tại Hội nghị APEC lần này vì những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đã không được phân bổ đồng đều, một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa nhận được đầy đủ những lợi ích của tự do thương mại.
Sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật số cũng góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm vì đem đến lợi ích cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế. ABAC và VCCI khuyến nghị tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, bởi họ phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm việc huy động vốn, tiếp cận thị trường, phát triển kỹ năng và năng lực, cũng như xây dựng các mối quan hệ kinh doanh.
Thêm vào đó, cần quan tâm thúc đẩy đầu tư cho việc chăm sóc sức khoẻ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy hình thành lực lượng lao động có thể lực tốt cũng là vấn đề quan trọng. Theo một số tính toán được đưa ra, nếu không có các khoản đầu tư bổ sung, mô hình kinh doanh thông thường hiện nay dự kiến sẽ làm giảm GDP khu vực APEC tới 8.5% do các vấn đề sức khoẻ. Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ họ tham gia vào thị trường toàn cầu, VCCI và ABAC đã đề xuất sáng kiến về thành lập Mạng lưới Doanh nhân Nữ APEC.
Vấn đề ưu tiên thứ tư là phát triển bền vững
Hiện nay, các hàng rào phi thuế quan (yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh và kiểm dịch động thực vật không thỏa đáng về mặt khoa học, các trở ngại trong thủ tục thông quan và các thủ tục hành chính rườm rà khác) đang cản trở, làm tắc nghẽn dòng chảy lương thực và nông nghiệp một cách không cần thiết, đặc biệt là đối với nguồn hàng nông sản từ các nền kinh tế đang phát triển. Bởi vậy, cần thiết phải hài hoà hoá, thừa nhận lẫn nhau và thống nhất các quy định. Doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về việc chưa có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu an ninh lương thực của APEC, đồng thời khuyến nghị cần có sự tham gia sâu hơn của khu vực tư nhân để bảo đảm an ninh lương thực bền vững.
Về an ninh năng lượng, sự sụt giảm của giá năng lượng được đánh giá là sẽ có những tác động nghiêm trọng tới cả đầu tư của khu vực nhà nước và tư nhân. ABAC cho rằng các chính sách cởi mở và tạo sự cạnh tranh công bằng trên một sân chơi bình đẳng với giá cả dựa trên thị trường, không bị ảnh hưởng bởi các chính sách trợ cấp, là những yêu cầu để thuận lợi hoá việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường hợp tác năng lượng đa phương. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu năng lượng Châu Á – Thái Bình Dương, nhiên liệu hoá thạch sẽ tiếp tục là nguồn năng lượng chính cho khu vực APEC đến năm 2040 trừ khi có các thay đổi đáng kể trong chính sách năng lượng. Đó là điều đáng quan ngại.
Với sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp APEC kiến nghị các nền kinh tế APEC nên thực hiện ngay các chính sách kinh tế phù hợp để duy trì sự hồi phục, đặc biệt bằng cách tập trung giải quyết các rủi ro và nắm bắt những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại. Đồng thời, cần có những nỗ lực để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng để tạo ra tính năng động mới trong khu vực và giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Các lĩnh vực hoạt động chính của APEC bao gồm thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, tăng cường liên kết khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hướng tới phát triển bao trùm, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi tập trung vào những hoạt động chính yếu nêu trên, APEC sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng một cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng, một tương lai chung mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Anh Đức
FiLi
|