Các NHTW trên thế giới nghĩ gì về Bitcoin?
8 năm kể từ khi ra mắt Bitcoin, các ngân hàng trung ương trên thế giới nhận ra ngày càng nhiều khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của các đồng tiền kỹ thuật số.
Hiện nay, các ngân hàng trung ương (NHTW) có 2 vấn đề cần phải giải quyết. Đầu tiên là phải đối phó như thế nào trước sự nổi lên và phát triển của các đồng tiền kỹ thuật số. Câu hỏi thứ hai là liệu có nên phát hành một đồng tiền kỹ thuật số chính thức hay không.
* Bitcoin tăng hơn 1,000 USD trong 1 ngày, vượt ngưỡng 9,600 USD
* CME dự định tung ra hợp đồng tương lai về Bitcoin trong quý 4/2017"
* Cha đẻ" bí ẩn của Bitcoin có thể sở hữu tài sản hơn 6 tỷ USD
Các cột mốc đáng chú ý của Bitcoin
|
Sau đây, Bloomberg đưa ra cái nhìn tổng quan về cách tiếp cận của các NHTW trên thế giới đối với Bitcoin.
Mỹ: Nỗi lo về tính riêng tư
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành điều tra về tiền kỹ thuật số ngay từ những ngày đầu, và họ cũng không mấy phấn khích về ý tưởng phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Trước đó, trong năm 2017, Jerome Powell, thành viên của ban Thống đốc và là ứng cử viên được lựa chọn cho chức Chủ tịch Fed, cho biết vẫn còn tồn tại các vấn đề kỹ thuật về công nghệ Blockchain và việc quản trị và quản lý rủi ro cũng sẽ rất quan trọng.
Ngoài ra, ông Powell nhận định sẽ có nhiều thách thức đối với một đồng tiền kỹ thuật số do NHTW tạo ra và tính riêng tư có thể là vấn đề khó giải quyết.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu: Kiểu bong bóng hoa tulip
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục cảnh báo sự nguy hiểm của hoạt động đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số.
Hồi tháng 9/2017, Phó Chủ tịch ECB, Vitor Constancio, cho hay Bitcoin không phải tiền tệ mà là một dạng của hoa tulip – ý muốn nói về hiện tượng bong bóng hoa tulip hồi thế kỷ 17 ở Hà Lan.
Đồng nghiệp của ông Constancio là Benoit Coeure cũng lên tiếng cảnh báo tính không ổn định của Bitcoin, tình trạng trốn thuế và tội phạm sẽ tạo ra rủi ro rất lớn.
Trong tháng này, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho hay tác động của các đồng tiền kỹ thuật số đến nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là khá hạn chế, và chúng không phải là mối đe dọa đối với sự độc quyền về tiền của NHTW.
Trung Quốc: Các điều kiện đã chín muồi?
Ngân hàng trung ương nước này đã kiểm soát hoàn toàn các đồng tiền kỹ thuật số. Với việc thành lập một nhóm nghiên cứu trong năm 2014 để phát triển đồng tiền pháp định kỹ thuật số (digital fiat money), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tin rằng các điều kiện đã tới giai đoạn chín muồi để áp dụng công nghệ này.
Trước đó, các cơ quan chức trách Trung Quốc đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ những nhà phát hành tiền ảo tư nhân, đồng thời cấm các sàn giao dịch Bitcoin và những đồng tiền ảo khác. Dẫu vậy, các cơ quan chức trách cho biết việc kỹ thuật số hóa có thể giúp nâng cao tính hiệu quả của quá trình thanh toán, và cho phép kiểm soát tiền tệ một cách chính xác hơn.
Nhật Bản: “Bật” chế độ nghiên cứu
Trong một bài phát biểu hồi tháng 10/2017, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Haruhiko Kuroda, cho biết NHTW không có kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số trong thời gian tới, dù việc tìm hiểu sâu hơn về chúng vẫn rất quan trọng.
Ông Koruda nói thêm: “Việc phát hành tiền kỹ thuật số của NHTW chẳng khác nào mở rộng quyền tiếp cận tài khoản NHTW tới mọi người”.
Đức: “Công cụ đầu cơ”
Trong một quốc gia có quá nhiều người dân thích thanh toán bằng tiền mặt, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) tỏ ra cực kỳ thận trọng trước diễn biến của đồng Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác.
Hồi tháng 9/2017, thành viên của ban Thống đốc, Carl-Ludwig Thiele, cho biết Bitcoin giống một công cụ để đầu cơ hơn là một phương thức thanh toán. Sự chuyển hướng từ hoạt động tiền gửi (deposit) sang Blockchain sẽ gây gián đoạn tới mô hình kinh doanh của các ngân hàng và có thể làm đảo lộn chính sách tiền tệ, ông Thiele cho hay. Dù vậy, Bundesbank cũng tích cực nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào hệ thống thanh toán.
Anh: “Cuộc cách mạng” tiềm năng
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney, xem các đồng tiền kỹ thuật số như là một phần của cuộc cách mạng tiềm năng trong lĩnh vực tài chính. Năm ngoái, BoE đã khởi đầu một chương trình vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp công nghệ tài chính (financial technology accelerator) nhằm khuyến khích các công ty non trẻ.
Ông Carney cho hay các công nghệ dựa trên Blockchain có thể giúp NHTW củng cố khả năng phòng ngừa trước các đợt tấn công mạng, thay đổi cách thức thanh toán giữa các tổ chức và người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cũng lên tiếng cảnh báo BoE vẫn còn một chặng đường khá xa để tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của đồng Bảng Anh.
Pháp: Cực kỳ thận trọng
Hồi tháng 6/2017, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF), Francois Villeroy de Galhau, cho hay các quan chức Pháp tỏ ra cực kỳ thận trọng trước Bitcoin vì không hề có tổ chức Nhà nước nào đứng sau để củng cố niềm tin về đồng tiền này.
Trong quá khứ, các đồng tiền tư nhân đều kết thúc một cách thảm hại. Thậm chí, Bitcoin còn có mặt tối của nó: Có khả năng bị tấn công về dữ liệu.
Ấn Độ: Không cho phép
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) phản đối các đồng tiền kỹ thuật số khi cho rằng chúng có thể là kênh rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, RBI đã thành lập một nhóm để nghiên cứu xem liệu những đồng tiền kỹ thuật số do các NHTW phát hành có thể được sử dụng như một đồng tiền hợp pháp hay không.
Hiện nay, việc sử dụng tiền kỹ thuật số đang vi phạm luật về ngoại hối.
Brazil: Hỗ trợ cho sự đổi mới
Ngân hàng Trung ương Brazil (Banco Central do Brasil) nhận thấy các đồng tiền kỹ thuật số không gây ra rủi ro tức thì đến hệ thống tài chính Brazil, nhưng vẫn cảnh giác trước tình trạng sử dụng những đồng tiền kỹ thuật số.
NHTW Brazil cam kết hỗ trợ sự đổi mới tài chính, bao gồm các công nghệ mới có thể giúp hệ thống tài chính trở nên an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Canada: Giống như 1 tài sản
Carolyn Wilkins, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và là người dẫn dắt nhóm nghiên cứu về các đồng tiền kỹ thuật số, cho biết các đồng tiền mã hóa không phải là một dạng của tiền tệ.
“Đây thực sự là một tài sản hoặc một chứng khoán, vì thế nó nên được đối xử theo cách đó”, bà Wilkins cho hay. Cũng như bao người khác, bà xem công nghệ sổ cái phân phối có thể giúp hệ thống tài chính trở nên hiệu quả hơn.
Hàn Quốc
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tập trung vào bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn việc sử dụng tiền kỹ thuật số như là một công cụ để phạm tội. Phó Thống đốc BoK, Shin Ho-soon, nhận định cần tìm hiểu và giám sát thêm về đồng tiền kỹ thuật số.
Nga: “Mô hình lừa đảo dạng kim tự tháp”
Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) bày tỏ lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn từ các đồng tiền kỹ thuật số. Trong đó Thống đốc Elvira Nabiullina cho rằng “chúng tôi sẽ không hợp thức hóa mô hình lừa đảo dạng kim tự tháp” và “chúng tôi hoàn toàn phản đối các dạng tiền tư nhân, cho dù nó ở dạng vật chất hay dạng ảo”. Tại thời điểm này, BoR muốn trì hoãn quyết định kiểm soát tiền ảo, trừ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đẩy nhanh động thái này.
Sergey Shvetsov, Phó Thống đốc của BoR, cho hay NHTW sẽ phối hợp với các công tố viên để ngăn chặn các trang web cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận với sàn giao dịch Bitcoin.
Australia: Giám sát chặt chẽ
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đang giám sát chặt chẽ đà tăng của các đồng tiền kỹ thuật số và nhận thấy rằng công nghệ Blockchain có khả năng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, Tony Richards, Trưởng Bộ phận Chính sách thanh toán của RBA, cho biết trong tháng 10.
Thổ Nhĩ Kỳ: Một yếu tố quan trọng
Các đồng tiền kỹ thuật số có thể góp phần tạo nên sự ổn định tài chính nếu được thiết kế hợp lý, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Murat Cetinkaya, cho biết vào đầu tháng này. Các đồng tiền mã hóa sẽ tạo ra các rủi ro mới cho các NHTW, như rủi ro trong việc kiểm soát cung tiền, ổn định giá cả, và kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, ông Cetinkaya cho hay.
Dẫu vậy, vị Thống đốc này nhận định các đồng tiền kỹ thuật số có thể là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế phi tiền mặt và công nghệ Blockchain có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý và giúp hệ thống thanh toán trở nên hiệu quả hơn.
Hà Lan: Quốc gia táo bạo nhất
Hà Lan là một trong những quốc gia có bước đi táo bạo nhất trong việc thử nghiệm các đồng tiền kỹ thuật số.
Hai năm về trước, ngân hàng trung ương nước này đã tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số có tên DNBcoin – chỉ lưu thông nội bộ – để hiểu thêm về cách thức hoạt động của chúng. Trình bày các kết quả hồi năm ngoái, ông Ron Berndsen – người phụ trách dự án – cho biết Blockchain có thể áp dụng được trong việc giải quyết các giao dịch tài chính phức tạp.
New Zealand: Xem xét tương lai
Hồi thứ Tư (22/11), Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) cho biết họ đang xem xét các kế hoạch tương lai cho việc phát hành tiền tệ và nghiên cứu cách thức để hòa hợp các đơn vị kỹ thuật số với những chiến lược đó.
“Hiện tổ chức đang tiến hành việc đánh giá nhu cầu tương lai đối với đồng tiền pháp định của New Zealand và để xem xét liệu có khả thi khi RBNZ thay thế tiền giấy bằng tiền kỹ thuật số hay không”, RBNZ cho biết.
Morocco: Vi phạm luật
Moroccco xem tất cả giao dịch liên quan đến tiền ảo là vi phạm quy định ngoại hối và sẽ bị trừng phạt theo luật. Các đồng tiền kỹ thuật số “góp phần” vào hệ thống thanh toán ẩn, không được hỗ trợ bởi bất kỳ tổ chức nào, và tạo ra các rủi ro lớn cho người sử dụng, các cơ quan chức trách cho biết trong tháng này.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế: Không thể làm lơ
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – được xem là Ngân hàng Trung ương của các NHTW trên thế giới – cho biết các nhà hoạch định chính sách không thể nào ngó lơ sự tăng trưởng của các đồng tiền kỹ thuật số và nhiều khả năng sẽ phải xem xét liệu có hợp lý khi phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Theo quan điểm của BIS, một phương án lựa chọn dành cho các NHTW có thể là một đồng tiền sẵn có tới công chúng, và chỉ NHTW mới có khả năng phát hành những đồng tiền có thể chuyển đổi trực tiếp với tiền mặt và dự trữ. Tuy nhiên, có thể xuất hiện một rủi ro lớn hơn về hoạt động điều hành ngân hàng và các nhà cho vay thương mại có khả năng đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền gửi. Và một câu hỏi khác cần phải giải quyết là về tính bảo mật.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|