Các ngân hàng Anh vẫn chống chọi được kịch bản nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Kết quả của bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) định kỳ về hệ thống tài chính Anh cho thấy các ngân hàng lớn của nước này vẫn có khả năng chống chọi trước kịch bản “hard Brexit”, trường hợp Anh rời khỏi EU mà không có quyền tiếp cận tới liên minh thuế quan hay thị trường chung châu Âu.
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố vào ngày thứ Ba, BoE nhận thấy ngân hàng lớn thứ 7 của Anh vẫn có thể tiếp tục hoạt động cho vay, ngay cả khi Anh đột ngột rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019.
Bài kiểm tra sức chịu đựng – do BoE thực hiện – phát hiện ra rằng các ngân hàng lớn của Anh đều có thể chống chọi trước một kịch bản nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong bài kiểm tra mới nhất về hệ thống ngân hàng, BoE giả lập một tình huống: GDP Anh giảm 4.7%, GDP thế giới tụt 2.4%, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức 9.5%, giá nhà ở tụt dốc 1/3 và lãi suất leo lên mức 4%.
Sở dĩ, BoE thiết kế trường hợp như trên là để đảm bảo rằng các ngân hàng có trụ sở ở Anh vẫn có đủ vốn và đủ thanh khoản để vượt qua tình trạng sụp đổ kinh tế.
BoE cho rằng, ngay cả khi Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận thương mại hay một giai đoạn chuyển giao (để các tổ chức có thể thích ứng với điều kiện sau Brexit) thì các ngân hàng Anh vẫn có đủ vốn để đương đầu với các rủi ro kinh tế tiềm tàng.
Không có ngân hàng nào cần phải cải thiện tình hình vốn
Lần đầu tiên kể từ khi BoE thực hiện bài kiểm tra sức chịu đựng trong năm 2014, không có ngân hàng nào cần phải củng cố tình hình vốn theo tình huống BoE đưa ra.
Kết quả của bài kiểm tra mới nhất cho thấy các ngân hàng có thể chịu một khoản thua lỗ 50 tỷ Bảng Anh (tương ứng 66.6 tỷ USD) trong 2 năm.
Ông Carney cho hay: “Cư dân Anh vẫn có thể tin rằng họ có khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tài chính mà họ cần để tận dụng các cơ hội trong tương lai”.
Bên cạnh đó, BoE cũng thông báo rằng họ sẽ yêu cầu các ngân hàng Anh nắm giữ thêm một lượng vốn là 6 tỷ Bảng Anh để phòng ngừa các rủi ro trong thời kỳ hậu Brexit. BoE cho biết điều này sẽ nâng tấm đệm vốn an toàn đặc biệt thêm 0.5% lên 1%.
Hy vọng của BoE là các ngân hàng sẽ có vị thế tốt hơn để chống lại bất kỳ hậu quả về kinh tế vĩ mô có thể xảy ra sau Brexit. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương còn lên tiếng cảnh báo rằng tấm đệm vốn an toàn có thể được nâng thêm một lần nữa vào năm tới.
Tuy nhiên, bài kiểm tra sức chịu đựng của BoE lại không cho thấy là theo quan điểm của BoE, điều gì sẽ xảy ra với người dân Anh và nền kinh tế thế giới dưới áp lực kinh tế khắc nghiệt. Thay vào đó, bài kiểm tra được thực hiện nhằm hiểu được kịch bản tồi tệ nhất sẽ là như thế nào.
7 ngân hàng tham gia bài kiểm tra sức chịu đựng gồm có Royal Bank of Scotland, HSBC, Barclays, Standard Chartered, Lloyds, Nationwide Building Society và Santander.
Kịch bản thăm dò
Để xem xét thêm khả năng chịu đựng trước các cú sốc kinh tế, các ngân hàng được kiểm tra dưới các điều kiện thăm dò lần đầu tiên. Kịch bản này xem xét khả năng chịu đựng của ngân hàng trong giai đoạn 7 năm có tăng trưởng toàn cầu ảm đạm, lãi suất thấp và chi phí pháp lý cao.
Năm ngoái, dưới các điều kiện của kịch bản thăm dò, RBS, Barclays và Standard Chartered bị phát hiện là có các khuyết điểm cần phải khắc phục. Trong đó, RBS bị buộc phải nộp các kế hoạch để giải thích cho nhà điều hành về cách thức nâng vốn nhằm đối phó với bất kỳ cú sốc tài chính nào.
Các bài kiểm tra sức chịu đựng ngày càng trở nên phổ biến hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm về trước, khi đó nhiều ngân hàng trên thế giới rơi vào tình trạng sụp đổ hoặc được Chính phủ cứu vớt. Tại thời điểm đó, Anh đã bơm hàng tỷ Bảng Anh vào RBS và Lloyds để giữ 2 ngân hàng này tồn tại.
Tuấn Kiệt (Theo CNBC)
FiLi
|