Thứ Năm, 26/10/2017 14:10

Xử lý nợ xấu vẫn sẽ gian nan!

Bộ Tài chính vừa thông qua Quyết định 2071/QĐ-BTC về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Trong quyết định này có một số điểm đáng chú ý, liên quan đến tiến trình và kết quả xử lý nợ xấu.

Việc xử lý nợ xấu đang là việc “nước sôi lửa bỏng”. Ảnh: THÀNH HOA

Đã có sự bóc tách cụ thể hơn về nợ xấu

Từ trước cho đến nay, người ta hầu như vẫn chỉ hiểu, và được làm cho hiểu rằng nợ xấu chủ yếu là vấn đề của ngành ngân hàng, do các ngân hàng chịu trách nhiệm (và gánh tổn thất) là chính. Hầu như không có một văn bản pháp luật chính thức nào đề cập đến phần nợ xấu bị gây ra bởi sự liên quan, dính líu của các cấp đảng, chính quyền và các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, Quyết định 2071 đã đề cập (một cách gián tiếp) đến những khoản nợ xấu theo dạng này.

Cụ thể, Bộ Tài chính có các trách nhiệm sau:

“Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ quy định của pháp luật nghiên cứu xây dựng phương án và lộ trình bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương, trình cấp có thẩm quyền quyết định để tổ chức thực hiện”.

“Căn cứ quy định của pháp luật, nghiên cứu, xây dựng lộ trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án, nguồn xử lý các khoản nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam”.

“Căn cứ quy định của pháp luật, đánh giá, nghiên cứu phương án, lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến khoản nợ Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh”.

Và “chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức tín dụng liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước”.

Như vậy, một phần trong khối nợ xấu hiện nay của ngành ngân hàng đã được thừa nhận một cách gián tiếp là do Nhà nước gây ra và/hoặc có trách nhiệm xử lý.

Vi phạm hay không vi phạm Nghị quyết Quốc hội?

Theo Quyết định 2071, Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí nguồn (lực) xử lý các khoản nợ xấu thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Điều này liệu có mâu thuẫn với Nghị quyết 42 của Quốc hội đã nêu rõ là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Sự bóc tách nợ xấu như trên về mặt nào đó có thể nói là một bước tiến đáng khích lệ trong công cuộc xử lý nợ xấu, với sự “vào cuộc” thông qua những nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể của Nhà nước, của chính quyền các cấp, chứ không còn bị bỏ mặc cho ngành ngân hàng loay hoay tự xử lý như trước nữa. Tuy nhiên, đến đây lại phát sinh vấn đề liên quan.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua hồi tháng 6 có nêu rõ không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Trong khi đó, theo Quyết định 2071 nói trên, Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí nguồn (lực) xử lý các khoản nợ xấu thuộc trách nhiệm của Chính phủ. 

Ở đây chỉ có hai khả năng. Một là Chính phủ buộc phải dùng ngân sách nhà nước để thực hiện các nghĩa vụ của mình liên quan đến các khoản nợ xấu nói trên. Và điều này rõ ràng là vi phạm Nghị quyết 42. Phải chăng, Chính phủ biết rằng Quốc hội sẽ buộc phải châm chước, bỏ qua sự vi phạm này, hoặc Quốc hội sẽ sớm ra một nghị quyết sửa đổi để gỡ vướng cho Chính phủ (và bản thân Quốc hội cũng đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận vấn đề này)?

Khả năng thứ hai là Chính phủ sẽ phải tìm một nguồn lực, nguồn kinh phí nào đó không thuộc ngân sách. Về danh nghĩa, nguồn lực như vậy chỉ có thể đến từ một bên thứ ba, nhưng thường chỉ có được khi có sự liên đới về trách nhiệm của Chính phủ, ví dụ bảo lãnh, cam kết... Mà như vậy thì cũng vẫn là dùng ngân sách nhà nước vì không thể có khả năng là những khoản tài chính được sự bảo lãnh, cam kết của Chính phủ sẽ được thu hồi hoàn toàn.

Trên hết, dù khả năng nào xảy ra chăng nữa, vẫn thấy rõ một điều rằng việc thu xếp các nguồn tài chính để xử lý các khoản nợ xấu thuộc trách nhiệm của Chính phủ sẽ không hề dễ dàng, suôn sẻ. Một khi “danh” đã không “chính” thì “ngôn” sẽ chẳng “thuận”. Sẽ phải mất nhiều thời gian để giải quyết vướng mắc pháp lý giữa Quốc hội, Chính phủ, chủ nợ, các chủ thể liên quan và dư luận.

Gánh nặng tài chính ngày càng... quá nặng!

Một điểm đáng chú ý khác trong Quyết định 2071 là Bộ Tài chính có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II...”.

Trách nhiệm trên đồng nghĩa với áp lực thu chi ngân sách ngày càng lớn. Trước đây, Chính phủ còn trông vào cổ tức của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như một nguồn thu bổ sung cho ngân sách. Nhưng, với quy định này và những quy định liên quan khác, không những nguồn thu cổ tức này coi như không còn, ít nhất cho đến năm 2020, mà thậm chí ngược lại, Chính phủ phải trích ngân sách để bổ sung vốn cho các ngân hàng này.

Điều đáng nói thêm  ở đây là căng thẳng ngân sách đương nhiên sẽ càng làm khó tiến trình xử lý nợ xấu, chí ít vì những khoản xử lý nợ xấu cần chi trả từ ngân sách sẽ không được thực hiện hoặc không đúng thời hạn.

Lại nghiên cứu và nghiên cứu...

Việc xử lý nợ xấu đang là việc “nước sôi lửa bỏng” nhưng theo kế hoạch hành động nói trên, Bộ Tài chính chỉ mới bắt đầu nghiên cứu, hoàn thiện, xây dựng một số vấn đề về, ví dụ, hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, và cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu...

Lộ trình thực hiện cho những nghiên cứu với hoàn thiện nói trên, ngắn thì là đến năm 2018, dài thì đến tận năm 2020. Điều này có nghĩa là việc xử lý nợ xấu hiện tại sẽ tiếp tục là câu chuyện dài tập khi mà cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động và giải pháp xử lý liên quan nói trên, có những cái chỉ (hy vọng là) được hoàn thành, hoàn thiện vào năm 2020.

Phan Minh Ngọc

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận cao, nợ xấu cũng cao: Niềm vui của các ngân hàng có còn trọn vẹn? (26/10/2017)

>   Ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ được bồi thường 75 triệu? (26/10/2017)

>   5 phương án cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (26/10/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm 3 đồng, nhiều NHTM vẫn giữ nguyên giá USD (26/10/2017)

>   'Biệt phủ' Bình Chánh của con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (26/10/2017)

>   Dự phòng rủi ro tăng mạnh, BIDV báo lãi hợp nhất trước thuế 9 tháng giảm xuống 5,500 tỷ đồng (25/10/2017)

>   Ai đã sang tay hơn 74 triệu cp ACB trong phiên chiều 17/10? (25/10/2017)

>   NamABank – Hành trình ¼ thế kỷ “lớn mạnh cùng niềm tin” (25/10/2017)

>   BVSC: NHNN không nhất thiết phải thúc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá (25/10/2017)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ, NHNN hút ròng gần 6 ngàn tỷ đồng từ tín phiếu (25/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật