Ai đã sang tay hơn 74 triệu cp ACB trong phiên chiều 17/10?
Đúng như dự đoán, hơn 74 triệu cổ phiếu ACB được sang tay thỏa thuận chiều ngày 17/10 là do Connaught Investors Limited bán ra. Quỹ này trước giao dịch nắm 7.26% vốn tại ACB.
Connaught Investors Limited đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 76.6 triệu cp ACB, tương đương 7.26% vốn cho hai quỹ con là First Burns Investments Limited và Asia Reach Investment Limited vào ngày 17/10.
|
Chiều ngày 17/10, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu xuất hiện đợt sang tay thỏa thuận khối lượng lớn lên tới hơn 74.6 triệu cp ở mức giá tham chiếu, tương đương giá trị hơn 2,440 tỷ đồng. Một lệnh khớp hơn 33.5 triệu cp với giá trị 1,096 tỷ đồng vào 14h49 và một lệnh hơn 41 triệu cp với giá trị gần 1,344 tỷ đồng khớp vào lúc 14h50.
Giao dịch bất thường này chiếm phần lớn trong tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên sàn HNX ngày 17/10, khiến thanh khoản tăng vọt và đẩy giá trị giao dịch trên HNX lên tới gần 2,500 tỷ đồng.
Vì giao dịch "khủng" này không được công bố thông tin trước khi thực hiện và trong số 4 cổ đông ngoại đang nắm trên 5% vốn ACB chỉ có Connaught Investors Limited là không có thành viên nằm trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng nên giới đầu tư thời điểm đó cho rằng, nhiều khả năng giao dịch trên chính là việc thoái vốn của Connaught Investors Limited.
Đúng như dự đoán, theo thông tin mới nhất về thay đổi sở hữu của nhóm cổ đông lớn tại ACB công bố ngày 25/10, Connaught Investors Limited đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 76.6 triệu cp ACB, tương đương 7.26% vốn cho hai quỹ con là First Burns Investments Limited và Asia Reach Investment Limited vào ngày 17/10.
Trong đó, First Burns Investments Limited nhận chuyển nhượng hơn 41 triệu cp ACB (4% vốn), còn Asia Reach Investment Limited nhận chuyển nhượng 33.5 triệu cp (3.26% vốn).
Được biết, Connaught Investors Limited là một thành viên của Tập đoàn Jardine Matheson. Jardine Matheson được thành lập vào năm 1832 tại Quảng Châu - Trung Quốc, là tập đoàn lớn hoạt động chính tại khu vực châu Á. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Tập đoàn khá đa dạng, từ dịch vụ tài chính, xây dựng - bất động sản, ô tô, thực phẩm, bán lẻ, vận tải…
Các công ty thành viên của Jardine Matheson như Hongkong Land đang sở hữu 2 tòa nhà văn phòng cho thuê tại Hà Nội là 63 Lý Thái Tổ đối diện Nhà Hát Lớn và tòa nhà Central Building nằm ở giao cắt phố Hai Bà Trưng – Bà Triệu. Hongkong Land cũng từng tham gia phát triển khu đất vàng rộng 9,700 mét vuông tại 164 Đồng Khởi, Quận 1, TPHCM và đầu tư vào Pizza Hut, KFC Việt Nam.
Một thành viên khác thuộc Jardine Matheson là Jardine Cycle & Carriage Ltd tính đến cuối quý 2/2016 còn nắm giữ hơn 25% vốn Ô tô Trường Hải (THA). Platinum Victory Pte. Ltd., một công ty thành viên thuộc sở hữu 100% của Jardine Cycle & Carriage tính đến cuối năm 2016 cũng đang sở hữu 22% vốn REE sau khi chuyển đổi trái phiếu vào năm 2012.
Năm 2016, tổng doanh thu của Tập đoàn Jardine Matheson bao gồm cả công ty liên doanh liên kết ghi nhận 72,437 triệu USD, tăng 11% so với năm 2015. Tổng doanh thu của riêng Tập đoàn đạt 37,051 triệu USD.
Kết quả kinh doanh của Jardine Matheson giai đoạn 5 năm (2012-2016)
Nguồn: Jardine Matheson Anual Report 2016
|
Thời gian mà Connaught Investors Limited thoái vốn tại ACB (17/10) cũng là lúc cổ phiếu này cán mốc 32,700 đồng/cp, rồi tăng tiếp lên 33,200 đồng/cp vào phiên tiếp theo - mức đỉnh trong 8 năm qua. Nếu so với thời điểm năm 2017, cổ phiếu ACB đã tăng 75% giá trị, cùng với MBB là hai ngân hàng bật tăng mạnh nhất về giá trong ngành. Thị giá hiện tại của ACB cũng chỉ xếp sau "ông lớn" Vietcombank và VPBank mới lên sàn.
Về kết quả kinh doanh, dù chưa công bố BCTC quý 3/2017, nhưng Ngân hàng đã thực hiện được 58% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm (lợi nhuận trước thuế đạt 980 tỷ đồng).
Trong một Báo cáo phân tích công bố đầu tháng 9/2017 của CTCK MB (MBS), Công ty này ước tính lợi nhuận trước thuế của ACB cả năm 2017 sẽ đạt 2,291 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện năm 2016. Năm 2018, khi gánh nặng từ nợ nhóm 6 công ty không còn, lợi nhuận trước thuế của ACB được kỳ vọng ở mức 4,579 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. ROE năm 2017 và năm 2018 lần lượt đạt 11.9% và 20.5%.
Diễn biến giá cổ phiếu ACB trong vòng 8 năm qua
Trong một diễn biến liên quan đến khối ngoại thoái vốn tại ACB, hai cổ đông chiến lược ngoại của Ngân hàng này là Standard Chartered APR Limited và Dragon Financial Holdings Limited đã bán thành công lần lượt 626,343 cp và 328,837 cp của Ngân hàng vào nửa cuối tháng 7/2017. Standard Chartered APR Limited bán ra cổ phần nhằm mục đích đầu tư, còn Dragon Financial Holdings Limited thoái vốn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.
Được biết, Standard Chartered trở thành cổ đông chiến lược của ACB từ giữa năm 2005. Còn Dragon Financial Holdings trở thành đối tác chiến lược ACB vào năm 1997, đại diện là ông Dominic Timothy Charles Scriven tham gia vào HĐQT Ngân hàng từ tháng 4/2015. Ông Dominic hiện đồng thời là Giám đốc Dragon Financial Holdings Limited và Ủy viên HĐQT tại ACB.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, đại diện Standard Chartered cho biết đã có thảo luận về việc bán cổ phần các ngân hàng ở châu Á, trong đó có ACB. Cổ đông ngoại này đã hỗ trợ cho ACB rất nhiều về nhân sự cũng như kỹ thuật và nhận ra rằng đến giai đoạn này sự hỗ trợ là không còn cần thiết nữa. Hiện Ban lãnh đạo ACB đã đủ năng lực và chủ động hơn, mối quan hệ giữa Standard Chartered và ACB cũng đã chuyển sang hợp tác song phương và không còn đơn thuần một phía nhận hỗ trợ từ Standard Chartered.
Cơ cấu cổ đông ACB cuối năm 2016 cho thấy tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài đã kín (30%). Bốn cổ đông lớn của ACB đều là các nhà đầu tư nước ngoài gồm Standard Chartered APR Ltd (8.77%), Connaught Investors Ltd (7.26%); Dragon Financial Holdings (6.81%) và Standard Chartered (Hong Kong) (6.23%).
Thu Phạm
FiLi
|