VFM: Nhà đầu tư nước ngoài đã cởi mở hơn khi nói về đầu tư vào Việt Nam
Đại diện CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết các nhà đầu tư nước ngoài như châu Âu hay Mỹ đã thoải mái và dễ tiếp cận hơn khi nói về đầu tư vào Việt Nam.
Ông Steven Mantle – Giám đốc Khối huy động vốn ngoại của VFM cho biết mức độ quan tâm của nhà đầu tư vào Việt Nam là nhiều, các nhà đầu tư nước ngoài như châu Âu hay Mỹ đã thoải mái và dễ tiếp cận hơn khi nói về đầu tư vào Việt Nam. Một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định.
Hiện GDP quý 3/2017 đã tăng ở mức cao, đạt 7.4%, là mức cao nhất kể từ năm 2011. VFM cho rằng GDP quý 4 có thể đạt được mục tiêu đã đề ra mặc dù việc giảm lãi suất cũng sẽ có một số tác động nhất định.
Theo góc nhìn của bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc VFM, đầu năm GDP tăng thấp không hẳn là điều bi quan, và mức tăng cao hiện nay cũng không hẳn là điều lạc quan. Bởi mức tăng của GDP đóng góp tương đối nhiều từ các doanh nghiệp FDI và hầu hết phần giá trị gia tăng thêm sẽ được các doanh nghiệp này chuyển về nước.
Bà Hạnh cho rằng tăng trưởng GDP là hệ tham chiếu đo lường nền kinh tế nhưng không phải là tiêu chí quá quan trọng. Điều quan trọng hơn vẫn là sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô như GDP tăng trưởng, lạm phát trong mức dự báo, dòng vốn FDI đổ vào, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được tỷ giá (NHNN đã mua thêm ngoại tệ, nâng mức dự trữ ngoại hối lên 45 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Chính phủ đã nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% với dấu hiệu thông thoáng hơn cho các nhà băng nhưng VFM cho rằng các ngân hàng cũng sẽ không quá chạy theo chỉ báo này.
Ngoài ra, PMI trong 2 năm qua tại Việt Nam ở mức khá tốt và được hỗ trợ bởi thông tin dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng nên tỷ giá không bị áp lực, đồng thời kim ngạch xuất khẩu cũng cao giúp cán cân thương mại ổn định.
Hiện nợ công của Việt Nam ở mức khoảng 65% là khá cao nên Nhà nước có khả năng sẽ IPO để thoái vốn nhiều khoản đầu tư vào doanh nghiệp, và đây cũng là cơ hội tốt cho các quỹ đầu tư.
Về thị trường chứng khoán, Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh và đều trong 2 năm nay (trong khi Philipines và Thái Lan có trồi sụt theo từng năm). Mặc dù Việt Nam không được cho vào danh sách theo dõi (watchlist) của các thị trường sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, nhưng khối ngoại vẫn mua ròng trên thị trường Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 1.45 tỷ USD (trong đó 790 triệu USD trái phiếu, 660 triệu USD cổ phiếu), tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện VN-Index đang có đà đi lên và đã bứt phá nhiều điểm giới hạn. Theo thống kê của VFM, thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm tháng 11, 12 trong 10 năm qua thường có màu đỏ. Tuy nhiên với đà tăng này, VFM hy vọng đến cuối năm thị trường sẽ có xu hướng tăng trưởng nhiều hơn là giảm.
Để minh chứng cho sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, VFM cho biết có thể thấy rõ qua phiên chào sàn của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB). Và rất nhiều phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp Việt đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. VFM cho biết khi tiếp xúc với những nhà đầu tư nước ngoài đều rất muốn tham gia vào các thương vụ IPO trong thời gian sắp tới.
Minh Hằng
FiLi
|