Nhịp đập Thị trường 19/10: Nước ngoài lại xả HPG và KBC
VN-Index và các chỉ số cổ phiếu trên cả 2 sàn niêm yết (trừ UPCoM) đều suy giảm trong phiên chiều, điều này đã từng xảy ra khá nhiều lần gần đây. Khối ngoại tham gia tích cực, nhất là bên bán ở 1 số mã vốn hóa lớn, thậm chí còn khiến giá những cổ phiếu đó giảm khá mạnh.
HPG có lẽ là cổ phiếu được chú ý nhiều nhất trong phiên chiều, nhất là đợt ATC bởi đây là 1 trong những Bluechip hàng đầu Việt Nam, lại vừa công bố BCTC quý 3 tích cực. Đến 14h30, lệnh ATC với khối lượng hơn 1 triệu cp đột ngột xuất hiện ở bên bán, khiến giá dự kiến khớp giảm mạnh về 36,500 đ/cp. Sau đó bên mua mới đổ lệnh bắt đáy, và giá phục hồi dần về lại mức “cũ” 37,800 đ/cp, giảm 1.6%. Đến thời điểm đóng cửa, có thể xác định phần lớn lệnh bán ATC là đến từ khối ngoại. Như vậy trong vòng 5 phiên tính cả hôm nay, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên với tổng lượng trên 2.3 triệu cp.
Vốn hóa nhỏ hơn, thị giá thấp hơn, nhưng khối ngoại bán ròng rất mạnh ở KBC, với lượng bán ròng lên đến hơn 4.5 triệu cp. Tính cả hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 10 phiên liên tiếp ở mã này. Lưu ý, KBC chưa công bố BCTC quý 3.
Khối ngoại không chỉ bán ròng nhiều trên HPG và KBC, mà còn bán ròng đáng kể ở VCB, MSN, SSI, ITA, HT1... Ngược lại, họ dường như yêu thích BID, VIC, PVD, NLG, PLX… và cả chứng chỉ quỹ E1VFVN30.
ROS giữ vững được giá trần suốt phiên chiều với hàng triệu lệnh chất đầy 3 bước giá bên mua. Đến đợt ATC, có thể tạm tính tổng số tiền ký quỹ cho 3 lệnh mua lên đến hơn 400 tỷ đồng. Có lẽ ROS là cổ phiếu duy nhất có mức giá rất cao nhưng lượng đặt mua và khớp lệnh rất lớn. Những mã hàng đầu có thị giá trên 100,000 đ/cp như VNM, VCS, CTD hay MWG cũng chưa bao giờ được chất lệnh nhiều đến như vậy.
Một cổ phiếu khác mà dân gian vẫn gọi là có họ với ROS là HAI, cũng được chất lệnh mua “hàng đống” giúp thị giá bám cứng mức trần 11,900 đ/cp.
Nhóm BĐS dân dụng và dầu khí là 2 nhóm ngành lớn (xét theo tỷ trọng vốn hóa) có nhiều cổ phiếu tăng giá hơn số giảm giá. Đặc biệt nhóm dầu khí, hầu hết các mã cổ phiếu thuộc nhóm công ty cấp 2 và 3 dưới PVN đều tăng giá trong phiên chiều. Lưu ý rằng giá dầu thế giới gần đây đang hồi phục nhẹ trên 50 USD/thùng, còn đa số cổ phiếu dầu khí thì lại chưa công bố BCTC quý 3, trừ số ít GAS, PGS…
Nhóm ngân hàng phân hóa theo hướng đại gia giảm giá (VCB, ACB, VPB, MBB, BID) và bình dân tăng (EIB, KLB, VIB). MBB càng về cuối phiên càng giảm nhiều hơn. VPB phiên sáng tăng giá tích cực, nhưng đến phiên chiều đột ngột giảm, điều này lại lặp lại giống phiên hôm qua. Rõ ràng đây là dấu hiệu mà người mua cổ phiếu này cần lưu ý.
Giống ngân hàng là chứng khoán, SSI, HCM, VND, MBS, SHS là các công ty top đầu về thị phần giảm giá, chỉ có mỗi đại gia VCI và các mã mới nổi như VDS, BVS, FTS tăng giá.
Phiên sáng: VN-Index tăng nhờ Large Cap hay ROS?
VN-Index sau khi giảm xuống dưới tham chiếu trong vòng 30 phút trước và sau 10h thì quay trở lại và tăng mạnh lên 831.26 điểm (+0.43%). Tuy nhiên quan sát giao dịch thì có thể thấy 2 yếu tố tác động đến chỉ số là sự hồi giá trong phiên của 1 số Large Cap như GAS, FPT, BVH, VIC… và riêng mã ROS tăng trần. Vấn đề là mức độ ảnh hưởng nào lớn hơn, giữa ROS (thứ hạng vốn hóa khoảng 10-12 trên sàn HOSE trước khi tăng trần) so với các cổ phiếu kia lên chỉ số chính sàn HOSE.
Tình hình trên sàn HNX vẫn khá bi quan. Dù diễn biến chỉ số HNX-Index cho thấy có chịu sự tác động lan tỏa từ VN-Index, nhưng mức hồi vẫn chưa đủ để đưa HNX-Index lên trên tham chiếu. Thậm chí chỉ số phụ của nhóm Large Cap sàn này vẫn giảm đến 0.3% cuối phiên sáng nay.
Nhóm ngân hàng diễn biến tốt hơn về cuối phiên sáng. BID, MBB và ACB tuy vẫn giảm giá, nhưng mức độ giảm thấp hơn so với giữa phiên. Chỉ riêng LPB là vẫn giảm giá mạnh 3.7% suốt phiên.
Nhóm BĐS tăng giá “rộng” nhất khi so với các nhóm ngành khác.
Trong nhóm Large Cap, thất vọng nhất có lẽ là HPG khi giảm gần 0.8% suốt 2/3 phiên sáng. Ngay cả đối thủ HSG cũng còn tăng giá nhẹ 0.55%. Khối ngoại có thể là 1 yếu tố khiến giá cổ phiếu giảm, với lượng bán ròng hơn 200,000 cp (chiếm tỷ trọng 1/5 tổng lượng bán). Trong 5 phiên gần đây tính cả sáng nay, khối ngoại bán ròng 4 phiên.
VNM cũng là 1 trường hợp gây thất vọng sáng nay, với mức giảm giá 0.2%, dù đợt thoái vốn đang gần kề. Có lẽ thông tin về mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn trong quý 3 cũng là yếu tố kìm chân cổ phiếu này.
DHA tăng trần lên 36,200 đ/cp với thông tin kết quả kinh doanh quý 3, theo đó doanh thu đạt gần 67 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận ròng đạt 15.9 tỷ đồng, tăng trưởng đến 117% so với cùng kỳ năm trước. So sánh với những phiên giao dịch gần đây, rõ ràng kết quả quý 3 chưa “phản ánh vào giá”.
Kết quả tăng trưởng thấp trong quý 3 không giúp ngăn được đà giảm của cổ phiếu PMC. Cụ thể, doanh thu chỉ tăng 6.5% so với cùng kỳ năm trước, còn lợi nhuận sau thuế chỉ tăng rất ít, chưa đến 1%. Giá cổ phiếu này đã giảm 1 mạch từ 101,000 đ/cp về hiện tại 71,700 đ/cp, riêng sáng nay giảm 3.1%.
10h45: VN-Index bất ngờ đỏ chỉ vì vài mã lớn
VN-Index bất ngờ sập, có lẽ vì MSN, VIC và SAB chuyển từ xanh sang đỏ. Trong nhóm VN30, số mã tăng giá vẫn nhiều hơn so với số mã giảm, tuy nhiên chỉ số này cũng rớt xuống dưới tham chiếu. Sự áp đảo về tỷ trọng vốn hóa của 1 vài mã như SAB, VIC… so với các Large Cap khác đã dẫn tới khả năng “thao túng” chỉ số.
Tình hình trên sàn HNX có vẻ tồi tệ hơn sàn HOSE. Chỉ số HNX-Index hiện đang giảm 0.1% dù HNX30-Index vẫn xanh. Lý do chính cũng là vì 1 số Large Cap của sàn này như PHP, NTP, ACB, PVS…
Về nhóm ngành, tích cực nhất đến giờ có lẽ vẫn là BĐS dân dụng. Dù số lượng mã giảm giá đang nhiều hơn so với đầu phiên sáng, nhưng các mã tăng giá vẫn chiếm đa số.
Nhóm ngân hàng có lẽ đang tác động… tiêu cực lên VN-Index khi BID, MBB và VCB giảm giá. Đối với VCB, có thể coi diễn biến giá là hệ quả của việc chốt lời, tuy nhiên đối với BID và MBB thì khó dự báo hơn. Tuy vậy, VPB vẫn đang tiếp đà tăng khởi đầu cách đây 10 phiên. Thông tin về lợi nhuận quý 3 có lẽ đang hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu này.
Nhóm chứng khoán bắt đầu có phân hóa. Các mã lớn đa phần đứng yên hay giảm giá, nhưng nhóm “chiếu dưới” lại vùng lên như BSI, FTS, CTS, VIX hay AGR.
Nhóm nhiệt điện lại có tín hiệu tăng. NT2 đầu phiên đỏ, giờ lại xanh. Tương tự cho PPC. Ngược lại, nhóm thủy điện có lẽ đang chịu ảnh hưởng từ thông tin tạm ngưng thị trường phát điện cạnh tranh.
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả vào nước ta đạt trên 1.15 tỷ USD, tăng 78.4% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng tháng 9/2017 nhập khẩu rau quả đạt 136.92 triệu USD, giảm 16.7% so với tháng 8/2017. Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ 2 thị trường Thái Lan (680.73 triệu USD, +135%) và Trung Quốc (195.67 triệu USD, +33%). Ngoài ra, rau quả còn được nhập từ Hoa Kỳ (69.79 triệu USD, +23%) và Australia (50.81 triệu USD, +41.4%).
HAI bất ngờ đảo trần với dư mua trần hơn 8 triệu cp. Nói cách khác, những ai mua sàn cách đây vài chục phút đã có thể ghi nhận sổ sách mức lời gần 13%.
Nhóm cao su thiên nhiên đang có tín hiệu giảm giá, trong đó HRC giảm hơn 5%. Ngược lại nhóm săm lốp dường như đang có dấu hiệu bắt đáy với DRC, SRC tăng giá nhẹ.
MWG vẫn tăng giá, bất chấp thông tin cổ đông lớn CDH Electric Bee Limited đăng ký bán bớt gần 500,000 cp. Có lẽ việc họ bán qua phương thức thỏa thuận đã không ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nội địa. Thậm chí ngay cả khi bán khớp lệnh, vẫn có ý kiến rằng sẽ có quỹ ngoại khác “trám” vào chỗ trống room ngay trong ngày.
Mở cửa: VN-Index vẫn đang được đẩy bởi Large Cap
VN-Index mở cửa tăng hơn 1 điểm so với cuối ngày hôm qua, và còn tiếp tục tăng. Dù chưa có gì chắc chắn, nhưng có khả năng đợt giảm điểm bất ngờ chiều qua chỉ tạo ra 1 cây nến đỏ trong xu hướng tăng tiếp diễn của chỉ số này. Tuy nhiên, có lẽ tâm lý NĐT vẫn hơi e ngại trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đang dao động ngay ngưỡng tham chiếu.
Thị trường nhìn chung vẫn đang được các mã vốn hóa lớn làm trụ đỡ. MWG tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp. SAB, MSN, VJC đang tăng giá nhẹ. HPG và HSG đang có tín hiệu dò đáy. BHN tăng trở lại hơn 3% sau khi giảm tới gần 7% chiều qua. Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng chưa thấy dấu hiệu trụ đỡ chỉ số.
Nhóm chứng khoán đang có dấu hiệu tăng giá tốt trên diện rộng, nhất là VCI, FTS, BSI. Tương tự là bất động sản (BĐS) dân dụng. Sau ngân hàng, nhóm BĐS đang được quan tâm nhiều vì còn rất nhiều mã chưa công bố kết quả quý 3.
HAI giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp sau khi đã tăng trần không nghỉ 6 phiên trước đó.
Giá dầu thô tăng hôm thứ 4 trước thông tin trữ lượng dầu thô Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Giá dầu WTI đang tăng lên hơn 52 USD/thùng. Tuy nhiên sáng nay nhóm dầu khí vẫn đang đứng yên.
BID thông báo sẽ bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của CTCP Đầu tư Y tế Việt Nam và CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 với tài sản thế chấp là Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên. Gần đây thông tin về xử lý nợ xấu đang là dấu hiệu tốt cho thị trường nói chung và các ngân hàng có liên quan.
NTP đã thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, đồng thời sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường về việc nới room ngoại lên 100% và thay đổi cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Gần đây có tin NTP được NĐT ngoại khác “nhảy vào” thế chân cổ đông cũ Thái Lan, giúp cổ phiếu này tăng giá nhẹ mấy phiên vừa qua. Sáng nay NTP tăng giá khoảng 0.3%.
Hoàng Nam
FiLi
|