Thứ Sáu, 20/10/2017 11:07

Thêm một động thái lạ của CTP: Giá liên tục nằm sàn, giao dịch đột biến!

Một tuần trở lại đây, giá cổ phiếu CTCP Cà phê Thương Phú (HNX: CTP) liên tục lau sàn với khối lượng giao dịch tăng đột biến, từ mức vài chục ngàn lên gần hai triệu cổ phiếu/phiên.

Những động thái bất thường

Trải qua hai đợt sóng tăng mà không có thông tin rõ ràng hỗ trợ, một lần nữa cổ phiếu CTP có động thái lạ khi giá liên tục nằm sàn, lượng giao dịch thì tăng đột biến. Theo đó, chỉ sau 3 tháng thị giá cổ phiếu đã giảm gần 56%, từ mức đỉnh 32,142 đồng/cp (06/07) về mức 14,300 đồng/cp (chốt phiên 13/10). Chưa kể từ phiên 05/10, lượng giao dịch đột ngột tăng mạnh 26 lần lên hơn 1 triệu cổ phiếu/phiên. Thậm chí phiên 10/10, lượng sang tay xấp xỉ đến 2 triệu cổ phiếu, nâng tổng giá trị giao dịch đạt hơn 273 tỷ đồng.

Cũng trong đợt giảm sàn này, ngày 04/10, Chủ tịch Võ Văn Thắng đã đăng ký mua vào 500,000 cổ phiếu nhằm nâng sở hữu lên mức 10.9% vốn.

Giao dịch cổ phiếu CTP từ đầu năm đến nay

Trở lại hai con sóng tăng giá hồi đầu năm, cổ phiếu CTP đã liên tục leo dốc mà gần như không có thông tin gì nổi bật. Trong đó, con sóng đầu tiên bắt đầu vào ngày 08/03 với mức tăng hơn 97% lên chạm đỉnh 23,009 đồng/cp (17/03); khối lượng giao dịch đồng thời được cải thiện song cũng chỉ dừng ở mức 500,000 đơn vị/phiên. Được biết, trong thời gian này cổ đông Công ty vừa thông qua quyết định lần đầu tiên chi cổ tức với tỷ lệ 15%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Đến giữa tháng 6, cổ phiếu CTP rục rịch đi lên trở lại để tạo ra một kỳ tích mới, khi thị giá tăng đột ngột hơn 175% sau chưa đầy một tháng, chạm đỉnh 32,142 đồng/cp (06/07), lượng giao dịch nhìn chung có tăng nhưng không đáng kể.

Như vậy, nếu đợt tăng đầu tiên thông tin hỗ trợ duy nhất là việc chia cổ tức, thì đợt thứ hai có khả năng đà tăng giá xuất phát từ việc HĐQT Công ty thay đổi hình thức trả cổ tức 10% năm 2016 bằng cổ phiếu sang bằng tiền.

Còn với đà lao dốc thời gian gần đây, nguyên nhân tác động thực sự vẫn còn là dấu chấm hỏi khi kết quả kinh doanh 9 tháng tăng đột biến, song thị giá vẫn đổ đèo không ngừng!

Những bài toán nan giải

Lũy kế 9 tháng đầu năm, CTP đạt 183 tỷ doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 17.9 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 210% so với cùng kỳ. Riêng quý 3/2017, Công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 50 tỷ đồng, gấp 2.7 lần so với cùng kỳ năm 2016. Lãi ròng tương ứng đạt 4.5 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng mạnh so với con số 896 triệu đồng cùng kỳ 2016.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là dù kết quả tăng trưởng nhưng khoản phải thu khách hàng của CTP thời điểm cuối tháng 9/2017 cũng tăng và ở mức khá cao. Tính đến ngày 30/09/2017, tổng phải thu khách hàng hơn 40 tỷ đồng, tăng 14% so với số đầu năm.

Được biết năm 2017, CTP đặt mục tiêu doanh thu dự kiến đạt 230 tỷ, lãi ròng đạt 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 76% so với 2016. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2017 Công ty đã thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và gần 90% kế hoạch lãi ròng.

Nhìn vào bức tranh kinh doanh của CTP nhiều năm liền, có thể thấy được bài toán nan giải đầu tiên Công ty đang mắc phải – chi phí đầu vào. 3 năm liền doanh thu tăng trưởng tương đối tốt, song lợi nhuận sau thuế thu về măc dù tăng nhưng không đáng kể. Biên lãi ròng theo đó trồi sụt thất thường, trung bình chỉ dưới 7%. 9 tháng đầu năm nay nhờ ghi nhận lãi đột biến mới đạt mức cao nhất tại 9.8%.

CTP cho biết, chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm đến 90-95% giá thành xuất khẩu; không những vậy, BCTC cũng thể hiện tỷ trọng chi phí giá vốn trên doanh thu luôn ở mức khá cao, xấp xỉ 90%. Bước sang năm 2017, dự báo cà phê tại tỉnh Sơn La được mùa nên Công ty đã phải xây dựng và đào tạo đội ngũ kỹ thuật, kinh doanh ngay từ đầu, sẵn sàng đi thu mua cà phê khi vào mùa, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí từ việc mua trung gian. Hơn nữa, Công ty kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến cà phê quả tươi tại tỉnh này, công suất 200 tấn/ngày đêm và hệ thống kho nhà xưởng sức chứa 2,000 tấn cà phê thóc; từ đó đẩy mạnh mua hàng tại Sơn La phục vụ công tác xuất khẩu của Công ty. Tuy nhiên, sau 9 tháng kết quả chưa thực sự rõ ràng, chi phí giá vốn vẫn chiếm hơn 86% doanh thu, việc đầu tư nhà máy còn nằm trong kế hoạch!

Một bài toán thứ hai cũng không kém phần hóc búa liên quan đến dòng tiền, nguồn vốn huy động. CTP phân trần, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng trong những năm trở lại đây vẫn còn khó khăn, do phía nhà băng chưa có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, cả năm 2016, Công ty chỉ được giải ngân gần 10 tỷ đồng, khiến nguồn vốn lưu động hạn hẹp, khó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CTP liên tục bị âm trong những năm gần đây cũng là một áp lực lớn. Mặc dù CTP đang trong quá trình mở rộng kinh doanh, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, khoản phải thu, phải trả… khiến dòng tiền bị âm; nhưng rõ ràng tình trạng diễn ra liên tục không phải là một dấu hiệu tốt, nhất là khi nguồn vốn hoạt động của CTP giai đoạn này chủ yếu từ vay ngân hàng đang hạn hẹp.

CTP hiện đang vay ngắn hạn Ngân hàng LienVietPostBank với hạn mức tín dụng tối đa là 10 tỷ đồng, lãi suất 7.5% và ngày đáo hạn là 31/05/2018; vay ngắn hạn Ngân hàng BIDV – chi nhánh Thanh Trì với hạn mức tối đa 25 tỷ đồng, đáo hạn ngày 19/12/2017; vay ngắn hạn Ngân hàng MaritimeBank với hạn mức 8.3 tỷ đồng và hạn mức 3 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank.

Mặt khác, với quy mô doanh nghiệp chưa phải lớn, kênh phân phối cũng là một trong những thách thức không chỉ riêng với CTP. Để khắc phục khó khăn này, năm 2015 CTP đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với việc sở hữu 96.7% vốn CTCP Nasan Việt Nam, tương đương giá trị vốn góp 58 tỷ đồng. Bằng thương vụ này, CTP sẽ được hưởng lợi từ kênh xuất khẩu rộng lớn Nasan đang sở hữu, khi mà 99% sản phẩm của đơn vị này hiện được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Đức, Nhật, Bỉ…

Theo đó, thành tích hoạt động kinh doanh sau khi chuyển đổi mô hình đã tăng gấp đôi so với năm trước với doanh thu năm 2015 đạt hơn 107 tỷ đồng (công ty mẹ đạt 87 tỷ đồng), tăng 134% so với năm 2014.

Tri Túc

FiLi

Các tin tức khác

>   20/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (20/10/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 20/10 (20/10/2017)

>   Biến cố tại ATA-VNH và “dấu ấn” Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn (20/10/2017)

>   PNC: Lãnh đạo thoái hàng loạt - chốt lời hay buông tay cho cổ đông lớn? (19/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 19/10: Nước ngoài lại xả HPG và KBC (19/10/2017)

>   19/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (19/10/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 19/10 (19/10/2017)

>   FID: Tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản (18/10/2017)

>   Đạm Hà Bắc: 9 tháng tiếp tục lỗ, cổ phiếu lên sàn gần 3 tháng chưa có giao dịch (18/10/2017)

>   Vietstock Daily 19/10: Cơ hội “gom hàng” mùa KQKD quý 3/2017? (18/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật