Thứ Hai, 16/10/2017 15:18

Thu thuế xe hơi như con bò sữa vắt hoài không hết

Thu thuế xe hơi như con bò sữa vắt hoài không hết. Vấn đề là muốn bò có sữa phải cho sống, cho mập mới có nhiều sữa chứ bây giờ bò chưa có mà vẫn cứ muốn vắt.

Một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô ở VN - Ảnh: HẢI PHẠM.

Làm gì để thực sự có xe hơi Việt với giá cạnh tranh vẫn là câu hỏi lớn. Nhưng nếu chỉ trông đợi doanh nghiệp FDI, chắc chắn Việt Nam sẽ không có ngành công nghiệp này.

Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển ngành xe hơi chưa thành công. Thời điểm này có thể coi là cơ hội cuối cùng. Và đừng để cách làm cũ, câu chuyện cũ lặp lại, người dân cứ phải dùng xe hơi với giá đắt bậc nhất thế giới...

Thái Lan đang đi, Việt Nam vẫn ngồi uống trà đá

Xe hơi không phải là sản phẩm bình thường mà nó chứng tỏ mức sống của xã hội. Thực tế, giá xe tại Việt Nam vẫn cao gấp 2 - 2,5 lần so với giá tại nước thiết kế ra sản phẩm.

Trong khi đó, tiêu hao nhiên liệu lại cao hơn đến 25%, độ an toàn cho người tiêu dùng của một số loại xe hiện nay cũng thấp hơn so với tiêu chuẩn nơi xe hơi được thiết kế.

Về kỹ thuật xe hơi, tôi cho rằng Việt Nam đang thua Thái Lan tối thiểu 15-20 năm.

Nhưng bối cảnh chính sách hiện nay, cảm giác Thái Lan đang đi, còn Việt Nam đang "ngồi uống trà đá" trong ngành xe hơi.

Trước mắt, cần "cởi mở" hơn trong vấn đề thuế để các doanh nghiệp có thể nhập công nghệ hiện đại, rút ngắn khoảng cách.

Việt Nam đã có doanh nghiệp lớn quyết làm xe hơi, đã có doanh nghiệp chiếm được thị phần cao.

Tôi tin rằng xe hơi như con bò sữa vắt hoài không hết, tạo công ăn việc làm và tạo cơ hội thu thuế rất nhiều. Chúng ta muốn nó là một con bò có sữa phải cho nó sống, mập mạnh thì mới có nhiều sữa để vắt. Bây giờ con bò chưa hình thành, chưa có sữa mà đòi vắt thì có gì đâu mà vắt. Do đó, ngành công nghệ xe hơi Việt Nam nếu biết phát triển tốt, hiện đại thì chúng ta không lỗ về vấn đề thu thuế sau này.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng

Nhưng để phát triển, hãy nhìn lại môi trường cho ngành này. Tôi không thấy có quốc gia nào muốn xây dựng ngành xe hơi mà đánh thuế rất cao loại xe này.

Họ có thể yêu cầu đóng thuế cầu đường, bảo hiểm, thuế môi trường... nhưng phân biệt rất rõ, xe nào ô nhiễm hơn thì đóng thuế gấp đôi, gấp ba. Có như vậy công nghệ mới phát triển đem lại lợi ích cho người dùng và xã hội.

Đừng biến chính sách xe hơi thành "nồi xúp"

Muốn làm được xe hơi phải có chính sách tổng thể chứ không thể mỗi bộ làm một kiểu bởi vì kiến thức về ngành xe hơi không phải bộ nào cũng giỏi.

Nếu để nhiều bộ ngành cùng tham gia hoạch định và thực thi chính sách, gần như sẽ không bao giờ thành công.

Ngành công nghiệp xe hơi mà để nhiều bộ nhúng vào sẽ giống như nồi xúp lúc mặn lúc ngọt. Nồi xúp nên để một đầu bếp chịu trách nhiệm thôi.

Bây giờ chính sách thuế chưa rõ ràng, doanh nghiệp bỏ ra hàng tỉ USD nhưng chỉ cần sau một nhiệm kỳ, Nhà nước ra quy định hạn chế, tăng thuế xe hơi, vậy là doanh nghiệp có thể mất trắng.

Do đó, hơn lúc nào hết chúng ta trông chờ Chính phủ đưa ra cam kết dài hạn. Việt Nam cũng cần thống nhất một đầu mối về cơ chế chính sách ngành xe hơi để doanh nghiệp dễ thở hơn trong xây dựng chiến lược đầu tư.

Doanh nghiệp sẽ rất khó để đạt tỉ lệ nội địa hóa cao trong thời gian ngắn. Họ phải tăng cường hợp tác công nghệ với các nhà sản xuất xe trên thế giới để sản xuất linh kiện.

Vì thế, khi xuất hiện những sản phẩm nào của Việt Nam đạt tiêu chuẩn, có thể bán cho nhà sản xuất xe hơi trên thế giới, cần phải có ưu đãi đặc biệt, thậm chí là miễn giảm thuế từ 15-20 năm. Có vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn mở rộng đầu tư.

Nếu Việt Nam chỉ có doanh nghiệp FDI sản xuất xe hơi, dù họ có hứa gì, chúng ta cũng sẽ không bao giờ có được ngành công nghiệp ôtô thực sự.

Trong khi xây dựng thành công ngành công nghệ xe hơi, Việt Nam sẽ có nền tảng để phát triển rất nhiều ngành quan trọng, từ cơ khí chính xác, robot đến các công đoạn làm máy bay...

Tất cả với ngành xe hơi Việt Nam mới là bước đầu. Việt Nam phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ mình trong phạm vi WTO, ASEAN cho phép.

Muốn biến cơ hội và ý chí của doanh nghiệp thành hiện thực, cái khó hàng đầu vẫn là vấn đề chính sách.

Nhưng nếu đủ quyết tâm của cả doanh nghiệp và Nhà nước, Việt Nam sẽ có được ngành công nghiệp xe hơi với tỉ lệ nội địa hóa cao, giá xe lúc đó sẽ phù hợp hơn và người dân sẽ được hưởng lợi.

NGUYỄN MINH ĐỒNG (cựu chuyên gia thiết kế của Hãng Volkswagen) CÔNG TRUNG ghi

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Hà Nội công khai 126 đơn vị nợ thuế, phí tiền thuê đất tháng 10 (16/10/2017)

>   Ngành thuế: Thời gian thanh tra chống chuyển giá bằng 1/10 các nước (14/10/2017)

>   Thuế chuyển nhượng vốn và M&A (09/10/2017)

>   VCCI lo tăng thuế giá trị gia tăng tác động tiêu cực tới nền kinh tế (07/10/2017)

>   Điểm mặt doanh nghiệp nợ nghìn tỷ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (06/10/2017)

>   Cục thuế muốn cưỡng chế Uber để truy thu 66,68 tỉ (06/10/2017)

>   Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (02/10/2017)

>   Chỉ mong tính thuế công bằng (01/10/2017)

>   Lợi - hại thuế chuyển nhượng vốn (01/10/2017)

>   Tăng thuế VAT là tăng giá nhà (01/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật