Thuế chuyển nhượng vốn và M&A
Đánh thuế chuyển nhượng vốn dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Tài chính trong việc thu thuế. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thuận lợi cho người thu thuế cũng đồng nghĩa sẽ đẩy phần bất lợi cho người nộp thuế.
* Sửa đổi thuế chuyển nhượng vốn: Thị trường M&A Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?
* Tranh luận về đề xuất đánh thuế chuyển nhượng
Chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn TCC của Thái Lan. Ảnh: MAI LƯƠNG.
|
Đề xuất mức thuế 1% giá trị thương vụ
Trong báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn, Bộ Tài chính cho biết: Luật Thuế TNDN hiện hành quy định Chính phủ quyết định việc tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam (tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu). Tuy nhiên, trong văn bản quy phạm pháp luật hiện có ở lĩnh vực này là Nghị định số 12/2015/NĐ-CP thì Chính phủ chưa quy định tỷ lệ phần trăm cụ thể. Do vậy, Bộ Tài chính hiện đang tạm hướng dẫn thu theo mức 20% trên thu nhập.
Mặc dù vậy, trong thực tế triển khai, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã gặp phải một số khó khăn nhất định. Điển hình như việc đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài thường kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn (trong khi Việt Nam lại chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng), vì thế không phát sinh thu nhập nên Bộ Tài chính khó thu được khoản thuế này. Vì thực tế trên nên trong thời gian qua, trước nhiều thương vụ chuyển nhượng vốn “đình đám” của nhà đầu tư nước ngoài như thương vụ Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam từ nhà đầu tư Đức; Tập đoàn Central (Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Big C của nhà đầu tư Pháp, Tập đoàn Siam City Cement (Thái Lan) mua lại cổ phần từ tập đoàn Lafarge Holcim để nắm giữ Holcim Việt Nam... cơ quan thuế rất “vất vả” với nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra mới có thể thu được thuế. Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất, để đơn giản trong việc kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, Chính phủ quy định tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam luôn là 1% trên doanh thu. Riêng đối với chuyển nhượng hợp đồng dầu khí thì nghĩa vụ thuế từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
Liệu có ảnh hưởng đến các thương vụ M&A?
Việc thu thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Tài chính trong việc thực thi thu loại thuế này. Mỗi thương vụ phát sinh, Bộ Tài chính chắc chắn đều sẽ thu được thuế và cũng không mất thời gian và công sức phải xác minh về mức giá chuyển nhượng vốn liệu có hợp lý hay không. Tỷ lệ 1% trên doanh thu thấp hơn nhiều so với mức 20% chênh lệch trên giá chuyển nhượng nhưng đảm bảo sẽ thu được, vì vậy trong nhiều trường hợp sẽ hơn hẳn mức thuế 20% mà không thu được đồng thuế nào.
Nhìn chung, đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi mới này sẽ giúp Bộ Tài chính đỡ được gánh nặng kiểm định thu nhập của các doanh nghiệp trong thương vụ chuyển nhượng vốn, đồng thời giúp quá trình thu thuế thuận tiện, đơn giản và minh bạch hơn. Tuy vậy, việc tạo thuận lợi cho người thu thuế cũng đồng nghĩa sẽ đẩy phần bất lợi cho người nộp thuế. Bản chất của việc nộp thuế là phải có thu nhập mới phải nộp. Với đề xuất này, người bán trong thương vụ dù lãi hay lỗ cũng đều sẽ phải nộp thuế 1% doanh thu (sẽ đặc biệt thiệt thòi đối với những thương vụ lỗ).
Câu hỏi đặt ra là việc ấn định cách thu như trên liệu có ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung hay cụ thể hơn là thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nói riêng của Việt Nam hay không. Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, các thương vụ M&A có nhà đầu tư ngoại chiếm đến 77% tổng giá trị M&A tại thị trường trong nước. Do vậy, lo ngại về việc chỉnh sửa thuế chuyển nhượng vốn lần này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện M&A tại Việt Nam là có cơ sở. Theo một chuyên gia tài chính, nhìn sang các nước trong khu vực thì gần như không có một nguyên tắc cố định nào trong việc thu thuế chuyển nhượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Malaysia hay Singapore đều miễn thuế chuyển nhượng vốn để khuyến khích phát triển thị trường tài chính. Trong khi đó, Indonesia đánh thuế 5% trên doanh thu ròng và Trung Quốc tính thuế 10% trên lợi nhuận thuần.
Theo quan điểm của người viết, thay đổi cách tính thuế mới tuy có ảnh hưởng nhất định nhưng tác động sẽ không quá lớn đối với các thương vụ M&A của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bởi lẽ thuế chuyển nhượng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài xem xét có rót vốn vào Việt Nam hay không. Điều mà nhà đầu tư quan tâm hơn cả khi thực hiện M&A là chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp và các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai. Về chính sách thuế trong dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm và yêu cầu nhiều hơn về một chính sách thuế cụ thể, minh bạch, ổn định và có thể tiên liệu trước. Đây mới là một trong những điểm mấu chốt Chính phủ cần hướng đến nếu muốn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường M&A.
Đăng Linh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|