Chủ Nhật, 01/10/2017 10:26

Lợi - hại thuế chuyển nhượng vốn

Việc đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn sẽ góp phần tránh thất thu ngân sách Nhà nước, nhưng có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường M&A Việt Nam.

Trong dự thảo sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính đề xuất, Chính phủ quy định tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1% trên giá trị chuyển nhượng, thay cho mức 20% trên thu nhập như hiện tại.

Big C đã nộp toàn bộ số thuế chuyển nhượng vốn sau khi Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group mua chuỗi siêu thị Big C Việt Nam Ảnh: S.T

Cần tạo sự công bằng

Hiện tại, việc chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định tại Luật Thuế TNDN được tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu.

Tuy nhiên, Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế lại chưa quy định cụ thể tỷ lệ này đối với chuyển nhượng vốn.

Do đó, Bộ Tài chính hướng dẫn thu thuế chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài theo thuế suất 20% trên tổng thu nhập.

Trên thực tế, khi chuyển nhượng vốn, các DN nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng. Do đó, cơ quan thuế mới chỉ thu được thuế chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế chuyển nhượng vốn 1% trên giá trị chuyển nhượng vốn, ngoại trừ trường hợp chuyển nhượng hợp đồng dầu khí theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Đánh giá về đề xuất này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho rằng, để thống nhất chính sách thuế đối với các DN, gồm DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và DN trong nước thì nên tính thuế trên lợi nhuận của DN. Nếu áp dụng thuế trên lợi nhuận cho các DN trong nước thì cũng nên sử dụng cùng nguyên tắc đó với DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.

“Với các thương vụ M&A, bên cạnh thuế trên lợi nhuận, việc đánh thuế trên doanh thu cũng là điều hợp lý. Nên tính thuế suất 1% cho tất cả các vấn đề chuyển nhượng vốn của các DN nước ngoài và Việt Nam. Vấn đề là làm sao để công thức tính đơn giản nhất, vừa tạo sự công bằng, vừa dễ tính toán cho cả DN và cho cả cơ quan thuế của Việt Nam” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Nên hay không?

Có ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế, nhưng lại làm khó DN, bởi bản chất của việc nộp thuế là phải có thu nhập mới phải nộp. Với đề xuất này, người bán trong thương vụ dù lãi hay lỗ cũng đều sẽ phải nộp thuế 1% doanh thu.

Trên thực tế, thời gian qua, có rất nhiều thương vụ M&A diễn ra. Trong số này có thể kể đến thương vụ Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại chuỗi Metro Cash & Carry tại Việt Nam từ nhà đầu tư Đức; Tập đoàn Central mua lại chuỗi Big C của nhà đầu tư Pháp. Hay mới đây nhất, cũng là một tập đoàn của Thái Lan, Siam City Cement mua lại cổ phần từ Tập đoàn LafargeHolcim để nắm giữ Holcim Việt Nam,...

Ở các thương vụ này, sau nhiều nỗ lực, cơ quan thuế mới thu được hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế TNDN. Bởi lẽ, ngoài vấn đề giá chuyển nhượng thì vướng mắc lớn phải giải quyết là các DN chuyển nhượng nằm ngoài biên giới Việt Nam.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn là cần thiết. “Theo tôi, vấn đề thứ nhất là cần đồng bộ về mặt thuế để kiểm soát dòng vốn luân chuyển; thứ hai là cần tạo sự cân bằng cho các DN trong nước với nước ngoài; thứ ba là để kiểm soát vấn đề sáp nhập. Do đó, việc đánh thuế phù hợp với nhu cầu của Việt Nam hiện nay” - TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia tài chính chia sẻ.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại đề xuất nói trên của Bộ Tài chính có thể sẽ ảnh hưởng tới thị trường M&A Việt Nam. “Việc đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn của các DN nước ngoài sẽ có tác động không tích cực cho thị trường M&A. Tuy nhiên, chúng ta không thể có chính sách nào mà có lợi cho tất cả các bên được, chắc chắn sẽ có những tác dụng phụ ảnh hưởng tới tình hình hoạt động của thị trường M&A Việt Nam. Do đó, chúng ta phải chấp nhận một sự thiệt hại để tránh thất thu ngân sách. Nhưng mức độ thiệt hại là không đáng kể” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

BVSC cho rằng cách tính thuế mới tuy có ảnh hưởng nhất định nhưng tác động sẽ không quá lớn. Bởi lẽ, thuế chuyển nhượng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất để DN nước ngoài xem xét có rót vốn vào Việt Nam hay không. Điều mà họ quan tâm hơn cả khi thực hiện M&A là chiến lược phát triển lâu dài của DN và các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai.

“Về dài hạn, DN nước ngoài cần quan tâm và yêu cầu nhiều hơn về một chính sách thuế cụ thể, minh bạch, ổn định và có thể tiên liệu trước. Đây mới là một trong những điểm mấu chốt Chính phủ cần hướng đến nếu muốn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường M&A” - BVSC khuyến nghị.

http://enternews.vn/loi-hai-thue-chuyen-nhuong-von-117464.html

Các tin tức khác

>   Tăng thuế VAT là tăng giá nhà (01/10/2017)

>   Bội chi ngân sách 65.2 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng (29/09/2017)

>   Có nên đánh thuế đối với tiền lãi tiết kiệm? (28/09/2017)

>   Ngành thuế quyết truy thu hơn 66 tỉ của Uber (26/09/2017)

>   TPHCM: Mục tiêu vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2017 tối thiểu 8% (26/09/2017)

>   Sửa đổi thuế chuyển nhượng vốn: Thị trường M&A Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao? (24/09/2017)

>   Có thể nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy qua ngân hàng điện tử (23/09/2017)

>   Doanh nghiệp dệt may muốn Chính phủ giảm thuế sợi về 0% (18/09/2017)

>   121 doanh nghiệp nợ thuế, phí gần 60 tỷ đồng tại Hà Nội (16/09/2017)

>   Ma trận thuế (16/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật