Thị trường Trung Quốc thay đổi, nhiều DN Việt lao đao
Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách làm ăn với Trung Quốc nếu không muốn đánh mất thị trường rộng lớn vào tay các nước khác.
Hơn một năm trước, anh Nguyễn Quang, chủ trang trại nuôi heo tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai, làm ăn khấm khá nhờ xuất khẩu heo sang Trung Quốc (TQ) theo đường tiểu ngạch rất thuận lợi. Nhưng đùng một cái, kể từ tháng 10-2016 TQ dừng nhập khẩu heo theo đường tiểu ngạch khiến cho giá heo ở Việt Nam (VN) tụt dốc không phanh.
“Trước đây TQ mua heo rất dễ dãi với số lượng nhiều, bao nhiêu cũng mua. Nhưng từ khi TQ giảm mua tôi thua lỗ tiền tỉ rồi!” - anh Quang than thở.
Thay đổi lớn
Anh Quang chỉ là một trong hàng chục ngàn chủ trang trại khác thất bại cay đắng vì không hiểu sự thay đổi lớn đang diễn ra tại thị trường TQ. Từ một thị trường dễ dãi, nhập khẩu “thượng vàng hạ cám”, xem nhẹ chất lượng nay TQ đã thắt chặt và hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch, chuyển sang nhập chính ngạch, không chỉ với heo mà còn hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN.
Là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo sang TQ từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng, nói trước đây TQ chủ yếu nhập gạo cấp thấp với lượng tấm cao (15%-25% tấm). Thậm chí một số nhà máy còn trộn gạo vụ đông xuân chất lượng tốt hơn với gạo hè thu hạt xấu hơn để kiếm lời. Thế nhưng thương lái TQ rất dễ dãi, mua mà không quan tâm nhiều đến chất lượng và còn trả giá cao hơn thương lái trong nước.
“Bây giờ tình hình đã khác. Nhiều đối tác TQ nói họ chỉ muốn nhập gạo thơm, nếp. Đối tác TQ còn cho biết người tiêu dùng TQ đã có sự thay đổi rất lớn khi chê gạo cấp thấp giá rẻ và thích gạo chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Thế nên từ đầu năm 2017 đến nay, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu các loại gạo thơm và nếp với giá xuất khẩu ở mức cao”.
Tuy vậy, ông Đôn cũng cho hay hiện nay có rất nhiều loại gạo từ Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Bangladesh, Mỹ… cạnh tranh khốc liệt tại TQ. Do vậy nếu ngành gạo không kịp thời quy hoạch lại vùng nguyên liệu, khuyến khích nông dân trồng lúa thơm, lúa đặc sản, chất lượng cao thì có thể mất thị trường lớn này.
Tán đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết trước đây hầu hết DN VN cho rằng chất lượng “không thành vấn đề” nhưng hiện nay TQ đòi hỏi các DN phải vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa yêu cầu gạo chất lượng cao. “Nhu cầu thị trường thay đổi kéo theo định hướng cơ cấu sản xuất gạo cũng phải thay đổi” - ông Huệ nhấn mạnh.
Nhu cầu sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, giá trị gia tăng của TQ là rất lớn. Trong ảnh: Đóng gói trái cây để xuất khẩu sang TQ tại một DN VN. Ảnh: QUANG HUY
|
Chưa hiểu thị trường TQ
Lâu nay nhiều người đều cho rằng thị trường như TQ rủi ro cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex Group, nhận xét: “Bản thân DN VN lại không hiểu rõ về thị trường này dù là nước láng giềng và đã xuất khẩu nhiều năm”.
Hậu quả là có khi DN xuất khẩu VN rơi vào nghịch cảnh. Ví dụ khi TQ ăn nhiều gạo cấp cao, gạo nếp, gạo thơm thì DN nước ta lại không có hàng để bán, dù bao nhiêu họ cũng mua. Trong khi gạo cấp thấp thì DN tồn kho lớn, bán không ai mua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T, cho biết TQ là thị trường đang nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất của VN, trong đó đáng chú ý là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Chẳng hạn đối với rau quả, lượng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường TQ tăng trưởng ở mức 60% so với cùng kỳ năm trước trong chín tháng đầu năm 2017, đồng thời hơn 70% lượng xuất khẩu rau quả của VN trong thời gian qua đều hướng đến thị trường TQ.
“Việc thị trường TQ ngày càng phát triển và yêu cầu cao hơn bằng các biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản của VN đòi hỏi DN phải thay đổi để đáp ứng. Đó là nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu để đảm bảo những điều kiện kiểm soát của các nhà nhập khẩu” - ông Tùng góp ý.
Hàng Việt phải đi thẳng vào siêu thị TQ
Đến thời điểm hiện nay, đa số hàng hóa nông sản, thủy sản VN xuất khẩu sang TQ đều xuất dạng thô, giá trị thấp do DN VN thường chọn cách dễ làm nhất để bán và bán được với khối lượng lớn. Trong khi đó nhu cầu sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng của TQ là rất lớn.
“Người tiêu dùng TQ sẵn sàng trả giá cao hơn 20%-30% nếu sản phẩm chất lượng, mức độ an toàn cũng như sự tiện lợi của sản phẩm. Trong đó, thương hiệu sản phẩm là yếu tố quan trọng để họ lựa chọn sản phẩm” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhấn mạnh.
Thế nhưng đáng tiếc là DN VN lâu nay làm ăn hời hợt với đối tác TQ; chỉ dừng ở mối quan hệ hàng qua cửa khẩu là xong việc, không tiếp cận được với hệ thống phân phối bán lẻ, không tiếp cận được với người tiêu dùng nước này.
“Muốn thắng lớn, DN VN cần kết nối được với nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị TQ, bán hàng trực tiếp, giảm xuất khẩu qua trung gian. Có như vậy mới tăng được đầu ra cho sản phẩm chế biến sâu, thu lợi nhuận cao hơn. Nếu không thay đổi, thị trường này sẽ vào tay các đối thủ xuất khẩu trong khu vực ASEAN có cùng lợi thế” - ông Hòe cảnh báo.
Những thay đổi lớn
Không ít nhà xuất khẩu thủy sản nước ta bất ngờ trước các quy định mới của TQ về nhập khẩu hàng hóa từ VN. Cụ thể, để xuất khẩu được vào thị trường TQ, DN buộc phải đáp ứng ba điều kiện: DN phải nằm trong danh mục những nhà sản xuất thủy sản được cơ quan có thẩm quyền TQ công nhận; hàng hóa xuất khẩu vào TQ phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng; sản phẩm phải nằm trong danh mục sản phẩm thủy sản được nước này công nhận.
Tương tự, xuất khẩu trái cây tiểu ngạch đang bị siết chặt, do TQ đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch. Theo đó, hàng Việt phải thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại, gửi kết quả, nếu chấp nhận mới được xuất khẩu. Với gạo, TQ có quy định muốn xuất khẩu gạo sang TQ, DN Việt phải tuân thủ đúng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật...
Trước các quy định mới này, hiện một số DN xuất khẩu cá hồi, cá đổng cờ, thủy sản hai mảnh vỏ... của nước ta không xuất khẩu được vào TQ.
|
Quang Huy
Pháp luật TPHCM
|