Vì sao thịt heo Việt Nam không thể xuất khẩu?
Trong các ngành nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, chỉ có chăn nuôi heo hầu như chưa thể xuất khẩu, trừ một số ít đơn hàng heo sữa.
Khó xuất khẩu, nuôi heo đạt chuẩn VietGAP tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng liên tục thua lỗ thời gian qua do giá giảm, tiêu thụ khó khăn - Ảnh: A Lộc
|
Phải tăng chất lượng thịt heo để không chỉ xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng được lợi - đó là một trong những thông điệp được đưa ra tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn/heo" ngày 20/10 ở Hà Nội.
Cố gắng xuất khẩu
Đây là sự kiện được ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho là một trong những nội dung quan trọng nhất của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện tại.
Nhiều đại biểu tham gia diễn đàn cho rằng nếu tăng được xuất khẩu thịt heo, lợi nhuận sẽ không chỉ đến với doanh nghiệp mà người nông dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn.
Tiếp sau lô thịt gà đầu tiên xuất khẩu đi Nhật ngày 9/9 vừa qua, Bộ NN&PTNT cùng các công ty chăn nuôi rất quyết tâm để sớm đưa thịt heo của Việt Nam ra thế giới.
Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan), cho biết sau thành công trong liên kết chuỗi xuất khẩu thịt gà đi Nhật, De Heus và các đối tác rất tự tin trong việc xuất khẩu thịt heo.
"Không có lý do gì thịt gà đã xuất khẩu được vào Nhật mà thịt heo lại không" - ông Gabor thắc mắc.
Theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển, chi phí nhân công chế biến ở Việt Nam rất thuận lợi để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng và quản lý trang trại, giá thành chăn nuôi của Việt Nam đang giảm dần theo thời gian và hoàn toàn có thể cạnh tranh.
Quan trọng vẫn là... thịt sạch
Ông Lee Jong Beom, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Daewon (Hàn Quốc), nhấn mạnh đến yêu cầu thực phẩm sạch.
Cho hay nhập khẩu thịt heo của Hàn Quốc tăng nhanh, đạt trên 5,8 tỉ USD năm 2016 nhưng nguồn cung chủ yếu từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha..., ông Lee Jong Beom cho rằng tiềm năng cho các nhà xuất khẩu như Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên ông "gửi gắm": người Hàn Quốc rất quan tâm đến an toàn thực phẩm, chất lượng...
Ông Vũ Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước), cũng cho rằng quan trọng nhất với Việt Nam vẫn là vấn đề chất lượng do yêu cầu rất cao từ các nước nhập khẩu.
Khẳng định đối tác nước ngoài đều hỏi có truy xuất được thịt không, rủi ro có quản lý được không nên ông Hùng nhấn mạnh ngành chăn nuôi buộc phải tái cơ cấu và liên kết với nhau để tạo ra thịt sạch.
Quá trình này không chỉ vì mục tiêu xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng được hưởng lợi. Thị trường Việt Nam với 93 triệu dân là rất lớn nhưng người dân vẫn lo ngại về chất lượng.
Ảnh: T.Mạnh
|
Xóa bỏ "nghịch lý"
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, sau hơn 20 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển thần kỳ. Tuy nhiên, ông Cường công nhận cả nước có trên 2.000 lò mổ, chủ yếu là thủ công. Heo mổ xong đem ra chợ bán cho người tiêu dùng không có gì thay đổi từ hàng trăm năm nay.
Việt Nam đã có gần 200 loại nông sản xuất khẩu. Chăn nuôi heo có tốc độ phát triển nhanh nhưng đến nay Việt Nam hầu như chưa thể xuất khẩu.
Với sản lượng trên 4 triệu tấn thịt heo hơi/năm, giá trị của ngành nuôi heo, theo ông Cường, lớn hơn cả ngành lúa gạo, nhưng xuất khẩu mỗi năm chỉ được 20.000 tấn heo sữa.
Ông Cường nhấn mạnh cần phải tổ chức lại khâu giết mổ và phân phối, tái cơ cấu ngành nuôi heo theo mô hình liên kết chuỗi.
Đầu tiên là những chuỗi sản xuất trên quy mô lớn sẽ tập trung vào mục tiêu xuất khẩu. Ở quy mô vừa cũng phải nâng cao chất lượng cung ứng thịt sạch cho thị trường nội địa.
Dù xác định xuất khẩu thịt heo có phần khó hơn thịt gà vì dịch bệnh phức tạp, nhất là bệnh lở mồm long móng mà đến nay chưa có nước nào an toàn tuyệt đối, ông Cường yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phải tập trung làm đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy sớm xuất khẩu thịt heo.
"Các doanh nghiệp đã bắt đầu, vấn đề còn lại là hành động của các cơ quan chức năng trong đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý dịch bệnh" - ông Cường nói.
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng muốn tăng chất lượng thịt heo, cần giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô nuôi heo theo công nghệ cao. Đặc biệt, việc giết mổ phải tập trung, toàn bộ các khâu phải truy xuất được nguồn gốc.
Sản xuất nhiều, thị trường lớn, nhưng...
Sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2,75 triệu tấn, đứng thứ sáu trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Brazil và Nga. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới quá nhỏ, chủ yếu là heo sữa.
Trong khi đó, thị trường nhập khẩu thịt heo trên thế giới ngày càng lớn. Mỗi năm Trung Quốc nhập gần 2,2 triệu tấn, Nhật Bản nhập 1,36 triệu tấn, Philippines cũng nhập 195.000 tấn.
Đây đều là những thị trường gần với Việt Nam và Việt Nam có lợi thế để tiếp cận trong thời gian tới, thêm cơ hội cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề là phải đảm bảo chất lượng.
|
Trần Mạnh
TUỔI TRẺ
|