Tích cực dòng vốn FII!
Tổng hợp cả hai kênh cổ phiếu và trái phiếu thì ước tính trong ba quí đầu năm nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chảy vào Việt Nam đạt hơn 33.500 tỉ đồng (tương đương 1,4 tỉ đô la Mỹ). Diễn biến này đã giúp tăng cung đô la Mỹ trên thị trường, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào ngoại tệ, cải thiện dự trữ ngoại hối.
Ngoài diễn biến khả quan của chỉ số VN-Index thì động thái mua ròng của khối ngoại cũng là điểm sáng của TTCK Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay. Ảnh: THÀNH HOA
|
Vn-Index chinh phục vùng đỉnh trên 800 điểm
Diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quí 3 có thể chia làm hai giai đoạn chính. Giai đoạn 1 kéo dài từ đầu quí cho đến trung tuần tháng 8, chỉ số VN-Index biến động trồi sụt với các nhịp tăng/giảm đan xen. Áp lực chốt lời tăng dần sau nhịp tăng điểm kéo dài trong hai quí đầu năm là nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh giằng co này. Giai đoạn 2 là phần còn lại của quí, chỉ số VN-Index quay lại xu hướng tăng điểm và bứt phá lên vùng đỉnh mới trên 800 điểm nhờ sự hỗ trợ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VIC, MSN, GAS... trước khi đi ngang trong nửa cuối tháng 9. Tính chung trong cả quí, chỉ số VN-Index tăng 3,6% về điểm số nhưng giảm 11,2% về giá trị giao dịch.
Xét về diễn biến các nhóm ngành, theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, sự phân hóa mạnh vẫn là đặc điểm nổi bật. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất thuộc về nhóm đồ uống (+28,8%) với hai mã đầu ngành là SAB và BHN đều tăng trưởng đột biến nhờ triển vọng tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và những kỳ vọng từ việc thoái vốn của Chính phủ trong các tháng cuối năm. Nhóm đầu tư đa ngành (+23%) tăng trưởng mạnh thứ hai, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực ở mã vốn hóa đầu ngành MSN, trong khi biến động ở các mã còn lại trong ngành là không quá đột biến. Tương tự, các nhóm ngành tiếp theo như công nghiệp đa ngành (+21,3%), du lịch (+18,5%) và xây dựng cơ sở hạ tầng (+15,5%)... tăng trưởng tốt đều nhờ diễn biến bứt phá ở các mã cổ phiếu đầu ngành như HPG, VJC, ROS...
Ở chiều ngược lại, các ngành cao su chế biến, đa tiện ích giảm điểm sâu nhất, lần lượt ở mức -24,5% và -15,6%. Trong đó, nhóm cổ phiếu cao su chế biến giảm điểm trên diện rộng ở cả ba mã trong ngành là DRC, CSM và SRC do kết quả kinh doanh quí 2 cũng như kỳ vọng kết quả kinh doanh quí 3 ở mức kém khả quan do diễn biến tăng của giá cao su tự nhiên cũng như mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt. Ngoài ra, đáng chú ý, hai nhóm ngành vốn hóa lớn là dược phẩm (-10,9%) và thực phẩm (-6,9%) cũng nằm trong tốp những ngành giảm điểm sâu nhất do áp lực điều chỉnh sau giai đoạn tăng điểm kéo dài trong hai quí đầu năm tại đa số các mã trong ngành.
Dòng vốn FII hỗ trợ cho tỷ giá
Ngoài diễn biến khả quan của chỉ số VN-Index thì động thái mua ròng của khối ngoại cũng là điểm sáng của TTCK Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay. Sau khi mua ròng mạnh trong hai quí đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong quí 3. Cụ thể, trên sàn HSX, khối này đã mua vào 28.600 tỉ đồng và bán ra 23.800 tỉ đồng, giá trị mua ròng đạt hơn 4.800 tỉ đồng.
Phân tích sâu hơn, có thể thấy khối ngoại mua ròng mạnh ở nhóm cổ phiếu mới lên sàn, với VPB, VCI và PLX được mua ròng lần lượt 1.500 tỉ đồng; 1.100 tỉ đồng và +462 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn truyền thống vẫn được mua ròng đều đặn từ đầu năm đến nay, điển hình như VNM (+4.678 tỉ đồng); HPG (+1.763 tỉ đồng); CTD (789 tỉ đồng)... Riêng đối với trường hợp của PGD, cổ phiếu này được mua ròng với giá trị đột biến, tuy nhiên chủ yếu qua phương pháp thỏa thuận và diễn ra trong một phiên duy nhất (25-7). Nhóm cổ phiếu bị bán ròng mạnh gồm có PVD (-710 tỉ đồng); MSN (-438 tỉ đồng), SSI (-460 tỉ đồng), VIC (-326 tỉ đồng) và VCB (-237 tỉ đồng)...
Về các nhóm ngành, khối ngoại đẩy mạnh mua vào các ngành tài chính (2.040 tỉ đồng), dịch vụ công cộng (1.180 tỉ đồng) và hàng tiêu dùng (742 tỉ đồng); trong khi chỉ bán ròng nhẹ duy nhất ở hai ngành bất động sản (49 tỉ đồng) và dịch vụ tiêu dùng (27 tỉ đồng).
Như vậy, tính chung chín tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 13.500 tỉ đồng trên cả hai sàn HSX và HNX trong khi cùng kỳ năm 2016, khối ngoại đã bán ròng hơn 5.247 tỉ đồng trên sàn HSX. Việc khối ngoại mua ròng mạnh là một trong những động lực giúp chỉ số VN-Index tăng trưởng vượt bậc.
Ngoài thị trường cổ phiếu thì nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng mạnh trên thị trường trái phiếu. Ước tính kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 18.000 tỉ đồng trên thị trường trái phiếu.
Theo thông tin mới nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 45 tỉ đô la Mỹ, tăng thêm 6 tỉ đô la Mỹ so với thời điểm cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối lớn nhất được công bố từ trước đến nay. Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thống đốc NHNN cho biết: trong sáu tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, từ cuối tháng 6 đến nay, NHNN đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn (khoảng 68.000 tỉ đồng) để mua ròng 3 tỉ đô la Mỹ.
Ở một diễn biến khác, cũng trong tuần qua, Sở Giao dịch NHNN đã có các phiên liên tiếp điều chỉnh giá mua vào đô la Mỹ (giảm 5 đồng/đô la Mỹ/phiên) sau ba lần tăng giá mua vào kể từ đầu năm. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, NHNN đẩy mạnh phát hành tín phiếu cũng như nới kỳ hạn của tín phiếu lên, một nghiệp vụ để từng bước trung hòa bớt lượng tiền đồng đưa ra để mua vào ngoại tệ, nhằm loại trừ rủi ro lạm phát. Mức kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối được đánh giá sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai.
Linh Trang
Thời báo kinh tế Sài Gòn
|