Chủ Nhật, 29/10/2017 09:25

Thâm hụt ngân sách giảm nhưng mừng ít hơn lo

Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố mới đây thì thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) trong chín tháng đầu năm 2017 chỉ ở mức 61.500 tỉ đồng, bằng 34,5% so với dự toán của cả năm 2017 và chỉ bằng 40,5% so với mức thâm hụt của cùng kỳ năm 2016.

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không vay nợ, tức là không sử dụng đòn bẩy tài chính để kích thích tăng trưởng, thì nguy cơ tụt hậu so với các nước là hiện hữu. Ảnh: Nguyễn Nam

Thâm hụt NSNN giảm mạnh

Mức thâm hụt ngân sách thấp hơn nhiều so với dự toán có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Chủ quan là theo quy định của Luật NSNN 2015 (chính thức có hiệu lực từ năm tài chính 2017), nợ gốc mà Chính phủ đi vay sẽ không tính vào cân đối ngân sách mà chỉ tính phần lãi vay phải trả cho các chủ nợ. Trong khi đó, khách quan là do tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản rất chậm, mới chỉ đạt 46,3% trong chín tháng đầu năm 2017, thấp hơn con số 53,9% của cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan khác là thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đã bất ngờ tăng trưởng tới 27,7% so với cùng kỳ của năm 2016.

Những con số trên nếu nhìn trong ngắn hạn thì dường như nó đang mang lại những tín hiệu tích cực khi mà tăng trưởng GDP trong quí 3 lên tới 7,46%. Xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh chứng tỏ cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng lên. Tuy nhiên, cầu tiêu dùng tăng mà lại chủ yếu dựa vào nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thì sẽ gây ra những tác động tiêu cực trong dài hạn. Cơ cấu ngân sách hiện nay đã và đang phần nào cho thấy những tác động đó.

Mừng ít lo nhiều

 

Về mặt lý thuyết, thâm hụt ngân sách ở mức thấp là tín hiệu vui cho nền kinh tế. Điều đó cho thấy nền kinh tế sẽ cần phải vay nợ ít hơn trong tương lai. Tuy nhiên, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu không vay nợ, tức là không sử dụng đòn bẩy tài chính để kích thích tăng trưởng, thì nguy cơ tụt hậu so với các nước là hiện hữu (tất nhiên, việc sử dụng vốn vay phải thật hiệu quả).

Phân tích sâu hơn về mức thâm hụt ngân sách trong chín tháng đầu năm 2017, có thể thấy còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại trong cơ cấu thu, chi ngân sách của chúng ta.

Thứ nhất, tổng thu ngân sách tăng trưởng 13,9% so với cùng kỳ 2016 (theo số liệu của Bộ Tài chính tại buổi họp báo thường kỳ hôm 11-10). Đây được xem là một con số rất đáng chú ý trong bối cảnh nguồn lực của đất nước có hạn, chúng ta lại đang phải đối mặt với việc cắt giảm nhiều loại thuế quan do tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, rất đáng quan ngại là tăng trưởng thu ngân sách phần lớn lại không phải đến từ các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tổng thu của khối này chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn con số 3,3% của khối doanh nghiệp FDI và thấp hơn nhiều so với con số 13,5% của khối doanh nghiệp tư nhân. Đóng góp phần lớn trong tổng mức tăng trưởng 11,4% của các khoản thu nội địa là các khoản thu phí và lệ phí (tăng 51,3%), từ nhà và đất (tăng 24,2%) và thu từ thuế thu nhập cá nhân (tăng 21,1%).

Thứ hai, số liệu cho thấy thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng trưởng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tổng số thu thực tế chỉ tăng 10,5%. Đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng 27,7% là tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa nhập khẩu đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Việc hoàn thuế VAT giảm ở thời điểm hiện tại đồng nghĩa với nghĩa vụ phải trả phát sinh trong tương lai.

Thứ ba, số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy tổng khối lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành tính đến ngày 20-10-2017 đạt khoảng 145.000 tỉ đồng, tương đương với việc hoàn thành 80% kế hoạch của năm 2017. Trong khi đó, đến thời điểm hết tháng 9-2017, thâm hụt ngân sách mới chỉ dừng ở con số 61.500 tỉ đồng. Cho nên, có thể ước rằng gần 84.000 tỉ đồng được Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động về nhưng chưa giải ngân ra nền kinh tế mà lại được đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Và, trong khi chi phí đi vay từ chính các NHTM lên tới 6-8%/năm thì lãi suất tiền gửi hiện chỉ dao động quanh mức 4,5-5,5%/năm. Tuy nhiên, việc nguồn vốn chạy lòng vòng mà không được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gây ra những hệ lụy còn lớn hơn nhiều so với việc phải bù lỗ do chênh lệch lãi suất ở trên.

Thứ tư, chi trả nợ gốc và lãi vay vẫn đang có xu hướng tăng lên. Trong khi nợ gốc chỉ tăng 2,4% thì chi phí lãi vay lại tăng tới 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này cho thấy cơ cấu nợ của chúng ta vẫn chưa thật sự tối ưu, khi mà chi phí vay vốn trên cả thị trường trong nước và quốc tế liên tục có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Cần minh bạch hơn nữa ngân sách quốc gia

Trên đây mới chỉ là những góc nhìn trực diện về cân đối ngân sách, còn rất nhiều khía cạnh khác nhau mà tác giả chưa thể đề cập được vì hạn chế thông tin. Nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời như cơ cấu nợ tiền đồng và ngoại tệ là bao nhiêu, hay mức lãi suất vay vốn bình quân là bao nhiêu... Thực trạng ngân sách phản ánh sức khỏe của cả một nền kinh tế. Do vậy, Bộ Tài chính cần phải công khai hơn nữa số liệu về NSNN. Hiện tại, cơ quan này mới chỉ công bố số liệu hàng quí kể từ năm 2017. Các số liệu năm trước vẫn chưa được công bố và mức độ thông tin cũng chưa chi tiết. Chỉ khi được công khai thì dư luận mới có cái nhìn chính xác về tổng thể, từ đó đưa ra các phản biện để các cơ quan quản lý sửa đổi nếu cần thiết. Ngoài ra, việc công khai sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn trong việc đánh giá các loại rủi ro khác nhau khi đầu tư vào Việt Nam.

Đông Hà

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Tổng cục Thuế yêu cầu báo cáo về nghĩa vụ thuế của Khaisilk (27/10/2017)

>   Cạn kiệt không gian tài khóa và hệ lụy vĩ mô (27/10/2017)

>   TPHCM kiến nghị áp mức thuế suất cao đối với căn nhà thứ 2 trong vòng 1 năm (26/10/2017)

>   Điều nghịch lý của ngân sách 2017 (25/10/2017)

>   Quốc hội họp kỳ thứ tư: Dân trực tiếp nghe bàn chuyện "tiêu tiền" (23/10/2017)

>   Phát hiện nhiều sai sót trong quản lý tài chính tại 13 tập đoàn (19/10/2017)

>   Người cho thuê nhà cả nước có thể ngồi nhà nộp thuế qua điện thoại (18/10/2017)

>   Lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tăng mạnh với dòng siêu xe (18/10/2017)

>   Thu thuế xe hơi như con bò sữa vắt hoài không hết (16/10/2017)

>   Hà Nội công khai 126 đơn vị nợ thuế, phí tiền thuê đất tháng 10 (16/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật