Thứ Ba, 10/10/2017 09:43

TCM: Chuẩn bị cho đà tăng mới hay sẽ lại lao dốc?

Là đơn vị ngành dệt may lội ngược dòng khi 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi thị giá, đến nay cổ phiếu CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) đang bước vào nhịp điều chỉnh. Câu hỏi đặt ra lúc này cho TCM là liệu sẽ tiếp tục tăng điểm hay lại lao dốc như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Giá cổ phiếu TCM trong 6 tháng đầu năm 2017 liên tục gia tăng ấn tượng, từ mức 13,000 đồng/cp (03/01) tăng gần gấp đôi lên mức 27,350 đồng/cp (05/10). Như vậy, so với tỷ lệ lao dốc trong năm 2016, cổ phiếu TCM đã phục hồi đâu đó gần 100%, thị giá hiện tại tương đương con số phiên đầu năm 2016 là 27,300 đồng/cp. Mặt khác, lượng giao dịch tại TCM cũng sôi động hẳn, trung bình xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Điều đáng nói ở đây là đặt trong bối cảnh toàn ngành dệt may nói chung, TCM thực sự tỏa sáng khi mà hầu hết các đơn vị khác đều ngậm ngùi đi lùi, điển hình có SXKD & XNK Bình Thạnh (HOSE: GIL) ghi nhận giảm đến 50% giá trị kể từ mức đỉnh 65,810 đồng/cp vào cuối quý 3/2016. Hay như cổ phiếu Everpia (HOSE: EVE) ghi nhận giảm hơn 28%, từ mức 22,800 đồng/cp (03/01) về mức 16,400 đồng/cp (05/10), cổ phiếu Mirae (HOSE: KMR) giảm 18% về 4,060 đồng/cp, tương tự May Phú Thành (HNX: MPT) cũng đi lùi 31% về mức 3,800 đồng/cp… Có thể thấy rằng, với bước lội ngược dòng ngoạn mục, cổ phiếu TCM đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau bao nhiêu trái đắng một năm trở về trước.

* GIL: “Sao quả tạ” mang tên Dệt may Gia Định

* Đi tìm nguyên nhân tuột dốc của GIL dưới góc nhìn báo cáo tài chính

Tuy nhiên, trong mấy tuần giao dịch gần đây, cổ phiếu TCM liên tục điều chỉnh, giao dịch lình xình quanh mức 28,000-30,000 đồng/cp. Mới đây nhất, cổ phiếu TCM bỗng chốc quay đầu giảm hơn 5% sau thông tin cháy lớn tại nhà máy ngày 16/09. Thống kê sơ bộ ban đầu thì thiệt hại ước tính gồm 700,000 mét vải mộc và 2 máy hồ dệt. Thành Công cho biết toàn bộ tài sản bao gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị, hàng hóa đã được Công ty mua bảo hiểm.

* Cổ phiếu TCM bỗng chốc đỏ rực sau khi "bà hỏa" ghé thăm

Câu hỏi đặt ra là, liệu động lực tăng giá của TCM có còn, hay cổ phiếu sẽ lại lao dốc như đã từng?

Giao dịch cổ phiếu TCM từ đầu năm đến nay

Thông tin hỗ trợ đã phản ánh hết vào giá?

Có rất nhiều thông tin hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu TCM. Nguyên nhân thứ nhất có lẽ đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc. Kết thúc quý 1/2017, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt gấp đôi cùng kỳ năm trước, xấp xỉ 48 tỷ đồng. Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo TCM tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, lãi quý 1 tăng đột biến là nhờ nhà máy đã giảm lỗ từ 600,000 USD (quý 1/2016) xuống còn khoảng 300,000 USD, đồng thời mảng sợi tuy chưa tạo ra nhiều lợi nhuận nhưng có cải thiện và doanh thu mảng áo đạt mức cao nhất từ trước đến nay 10,000 USD.

Bước sang quý 2, nhờ thu 34 tỷ từ chuyển nhượng quyền thuê đất, TCM tiếp tục ghi nhận lãi ròng tăng mạnh 137%, đạt hơn 118 tỷ đồng. So với chỉ tiêu đặt ra, hiện TCM đã thực hiện được 66% kế hoạch lãi sau thuế.

* ĐHĐCĐ TCM: Mục tiêu thị trường Mỹ chiếm 15% doanh thu may mặc

Một nguyên nhân khác, Ban lãnh đạo TCM cũng kỳ vọng Nhà máy Thành Công – Vĩnh Long sau gần 2 năm đi vào hoạt động (từ tháng 7/2015) đã bắt đầu giảm lỗ và ngày càng có hiệu quả cao hơn. Trong đó, nút thắt là chi phí khấu hao đã và đang giảm dần sau giai đoạn đầu tư ban đầu của một nhà máy mới. Một thông tin nóng khác được cho là nhân tố không kém phần quan trọng đẩy giá cổ phiếu TCM là việc cổ đông Công ty đã thông qua phương án tăng room ngoại từ 49% lên 100% (cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2017). Với quy mô vốn khá lớn hơn 500 tỷ đồng, cùng nhiều yêu cầu mua cổ phiếu từ nhà đầu tư ngoại, việc nới room thực sự là động lực tăng giá không hề nhỏ cho TCM. Song, đến nay đã bước sang quý 4, phía TCM vẫn chưa có thông tin gì thêm về kế hoạch trên!

Nhìn chung, với mức phục hồi gần 100% từ đầu năm đến nay, có thể thấy rằng những thông tin trên thực sự đã phản ánh vào giá cổ phiếu TCM bất chấp bức tranh chung toàn ngành dệt may không mấy sáng sủa. Vấn đề đáng nói ở đây là, liệu câu chuyện giảm lỗ tại Nhà máy Vĩnh Long hay kỳ vọng nới room, có còn hỗ trợ thị giá cổ phiếu TCM thời gian tới?

Kỳ vọng gì khi chen chân vào lĩnh vực bất động sản?

Nếu như phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, Ban lãnh đạo TCM cho biết, năm 2017 Công ty vẫn chưa có kế hoạch gì liên quan đến lĩnh vực bất động sản, mặc dù nhận được rất nhiều sự quan tâm từ nhiều “ông lớn” bất động sản như Novaland, Đất Xanh,… về quỹ đất. Thì đến nay, mảng bất động sản đã dần lộ diện trên BCTC của TCM. Việc chuyển nhượng lại mảnh đất thuê của Khu Công nghiệp (KCN) Xuyên Á mang lại gần 27 tỷ đồng lợi nhuận trong tháng 7 năm nay, nâng lợi nhuận sau thuế TCM tháng 7 tăng 152% so với cùng kỳ năm 2016. Chưa hết, TCM còn dự định chuyển nhượng 7 ha đất Nhà máy sợi số 3 tại KCN Đức Hòa (Long An), trong đó chiếm 1.4 ha trong năm 2017. Ngoài ra, mảnh đất KCN Trảng Bàng cũng được dự tính bán trước 1 ha trong năm 2017 cho đối tác (tổng diện tích mảnh đất là 2.9 ha).

Mới đây, một CTCK lớn cũng đã đưa ra dự báo mảng bất động sản được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận đột biến cho TCM trong năm 2017. Cụ thể, CTCK Bảo Việt (BVS) đánh giá cao tiềm năng từ mảng bất động sản tại TCM trong tương lai, với dự án TC1 hiện đang được Công ty liên doanh với đối tác chiến lược là Eland thực hiện. Dự án có tổng chi phí đầu tư ban đầu (chưa tính tiền đất) khoảng 38 triệu USD; trong đó, TCM sở hữu 85% và Eland nắm 15% vốn, dự án dự kiến khởi công vào tháng 8/2018. TC1 được chia thành 4 block, block 1 sẽ được chào bán vào tháng 1/2019 gồm hơn 600 căn hộ và office, diện tích mỗi căn hộ từ 65-70 m2 có giá bán dao động trong khoảng 900-1,000 USD/m2.

BVS cho rằng mặc dù giá cổ phiếu TCM tăng hơn 106% phản ánh kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2017 đột biến, nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại khi còn rất nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho TCM trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, việc TCM thay đổi kế hoạch kinh doanh, cắt giảm mảng sợi với biên lợi nhuận thấp, tập trung vào mảng vải với biên lợi nhuận và sản lượng tăng cao cũng là yếu tố tích cực.

Nguyên Phương

Fili

Các tin tức khác

>   06/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (06/10/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 06/10 (06/10/2017)

>   Thị phần môi giới HOSE quý 3/2017: FPTS, ACBS vào, ART và VCBS rớt khỏi top 10 (05/10/2017)

>   HNX: Danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 4/2017 (05/10/2017)

>   Ông Hoàng Công Tuấn (MBS): Đầu tư ở thời điểm hiện tại và tương lai không giống quá khứ (06/10/2017)

>   IR Awards 2017: Chọn cổ phiếu hay, nhận ngay quà khủng (05/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 05/10: Lại sụp đổ vào phút chót (05/10/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 05/10 (05/10/2017)

>   05/10: Đọc gì trước giờ giao dịch? (05/10/2017)

>   HOSE: Thông báo danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 4/2017 (04/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật