Thứ Năm, 05/10/2017 15:28

Nhịp đập Thị trường 05/10: Lại sụp đổ vào phút chót

VN-Index và các chỉ số khác (trừ UPCoM-Index) lại suy giảm nhanh vào nửa cuối phiên chiều nay chả vì lý do gì. Thị trường vào mùa BCTC quý 3, tin tốt bắt đầu ra nhưng đến chiều nay, hiệu ứng như thế dường như chưa hề xảy ra.

Những thông tin có tính rủi ro như bản tin Nikkei Asian review không thể là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trên diện rộng, nhất là khi NĐT đã trải qua phiên sáng đầy tích cực. Kể từ thời điểm gần 14h, VN-Index bắt đầu giảm nhanh, và đóng cửa ở mức 805.23 điểm, giảm 0.05%.

VN30-Index cũng suy giảm đồng thời, nhưng may mắn thay, đóng cửa ở mức 797.42 điểm, tăng 0.21% nhờ không có BHN (giảm sàn 7%) trong danh mục. HNX-Index giảm đồng thời với chỉ số sàn HOSE, nhưng sâu hơn 0.44%.

MSN vẫn tăng giá 4.9%, VICPLX cũng là 2 mã lớn khác giữ được mức tăng giá đáng kể, nhưng nhìn chung những cổ phiếu này khá đơn độc, lẻ loi nên không thể đỡ được chỉ số giống như phiên sáng, nhất là mất đi sự góp sức từ nhóm ngân hàng. VCB giảm 0.3% dù phiên sáng tăng giá. Tương tự nhóm ngân hàng chỉ còn CTGNVB tăng giá, đa số cổ phiếu còn lại giảm giá. LPB giảm 4.7% ngày chào sàn.

Trên sàn HNX, 2 nhóm chỉ số phụ quan trọng là Large Cap và HNX30-Index đều giảm mạnh hơn chỉ số chính. ACB, PVS, VNR, NTP, VCG… đều giảm, số lượng mã vốn hóa lớn giảm giá áp đảo so với số tăng giá như BCC hay DST, PHP.

Trên sàn UPCoM, HVN vẫn giữ được sắc xanh, nhưng mức tăng chỉ có 1.5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng phiên sáng (hơn 4%). ACV giảm 1.2%, coi như xóa bỏ toàn bộ mức tăng giá ngày hôm qua và cả sáng nay. Tương tự như thế là FOX hay GEX… Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng như QNS, MCH, SDI hay VEF

HPG giảm giá 2.1% dù Công ty sớm công bố kết quả quý 3 rất tích cực, cả về sản lượng lẫn giá bán. Đáng lưu ý là khối ngoại giao dịch mua ròng suốt phiên sáng, kéo dài hầu hết phiên chiều, nhưng đến đợt ATC thì lệnh bán đổ ra, đóng cửa chuyển thành bán ròng gần 200,000 cp.

Tương tự HPG, giao dịch của khối ngoại dường như cũng đã khiến giá cổ phiếu VCB giảm trong phiên chiều, với lực bán ròng hơn 400,000 cp. Trên sàn HNX, khối ngoại đã bán đúng 1 triệu cp PVS và giá cổ phiếu này giảm 1.9%. Tuy nhiên đáng chú ý nhất lại là CII, sau khi khối ngoại bán khớp lệnh 5 triệu cp (chưa kể 2.8 tr.cp bán thỏa thuận) thì cổ phiếu này tăng giá mạnh, và cuối ngày lên 32,300 đồng/cp, tăng giá 3.5%. Có lẽ nhà đầu tư tự tin rằng tổ chức nước ngoài đã bán xong CII và không còn áp lực bán nào nữa.

HOSE đã công bố kết quả đấu giá IPO Idico với giá đấu trúng bình quân 23,940 đồng/cp, cao hơn 30% so với giá khởi điểm 18,000 đồng/cp. Giá đấu trúng thấp nhất cũng khá cao 23,200 đồng/cp. Tổng số nhà đầu tư trúng thầu là 116, trong đó 35 nhà đầu tư tổ chức (đăng ký là 40). Như vậy, tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 1,324 tỷ đồng. Kỳ vọng trong vòng 100 ngày kể từ hôm nay, Idico sẽ lên sàn giao dịch.

FMC dao động giá khá mạnh trong ngày hôm nay, có lúc tăng hơn 2.6% nhưng cũng có lúc giảm dưới tham chiếu. Hôm nay công ty cũng đã công bố lãi trước thuế 125 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm nay (niên độ lệch, kết thúc vào 30/09/2017). Gần đây có khá nhiều thông tin tích cực về ngành thủy sản, tuy nhiên FMC, cũng giống như nhiều công ty thủy sản niêm yết khác, chưa phản ứng tích cực với những thông tin này.

2 cổ phiếu nhiệt điện là NT2BTP đều tăng giá tích cực trong hôm nay, tuy nhiên một công ty nhiệt điện khác là PPC thì lại giảm giá. Đang có thông tin liên quan đến khả năng các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng sản lượng tiêu thụ điện trong thời gian tới, tuy nhiên chưa rõ tại sao lại có sự phân hóa giữa hai công ty điện khí và một công ty điện than nói trên.

Phiên sáng: Đà tăng chỉ số phụ thuộc vào MSN và VCB

MSN giảm bớt đà tăng về 3.3% vào cuối phiên sáng, so với những thời điểm tăng gần 5%. Tương tự là VCB, đến cuối phiên sáng chỉ còn tăng khoảng 2.1%. Ngoài ra, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn trong nhóm Large Cap đã khiến chỉ số VN-Index giảm bớt đà tăng về 0.31%, đạt 808.19 điểm cuối phiên sáng nay. VN30-Index tăng cao hơn 1 chút 0.5% do không bị BHN (-3.4%) “kìm chân”.

Trên HNX, tuy chỉ số chính tăng gần 0.2% nhưng ngạc nhiên là chỉ số nhóm thanh khoản HNX30-Index lại giảm 0.06%, chủ yếu do số lượng cổ phiếu giảm nhiều hơn số lượng tăng. Tuy vậy nhóm Large Cap vẫn tăng 0.38%.

Dù không đồng thuận như những giây phút đầu phiên sáng, nhưng nhìn chung nhóm ngân hàng vẫn là trụ đỡ chỉ số VN-Index, so với những nhóm ngành khác. VCB, CTG là 2 mã lớn trong nhóm này tăng giá, tuy nhiên BID lại quay đầu giảm nhẹ 0.25% từ nửa cuối phiên sáng. Trên sàn UPCoM, một ngân hàng khác chào sàn sáng nay là LPB lại không có kết quả thuận lợi, giảm đến 6.8%.

VCB tiếp tục tăng khá mạnh sáng nay 2.1%, nhưng thanh khoản mới là con số đáng đề cập đến. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu này sáng nay đã đạt đến 4.2 triệu cp, gần bằng khối lượng giao dịch của cả ngày hôm qua (4.8 triệu cp), và cao hơn rất nhiều so với lượng giao dịch bình quân 1 tháng qua.

Nhóm dầu khí đang có diễn biến hơi tiêu cực, nhất là các mã PGS (-2.6%), PXS (-1.7%), PVC (-1%)… Bộ Công Thương mới đây cũng có công văn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng, nhưng điều này có lẽ lại là tích cực cho các doanh nghiệp niêm yết, bởi vì nội dung chính của công văn này là nhằm chấn chỉnh lại hoạt động bán lẻ khí, nhất là tình trạng bơm chiết nhỏ lẻ trái phép hay cạnh tranh không lành mạnh. CNG, PVG đang tăng giá nhẹ, riêng PGS giảm 2.6% có lẽ là chốt lời sau khi đã tăng liên tục trong vòng gần 3 tháng qua.

Trưa hôm qua theo giờ Nhật Bản, Tạp chí Nikkei Asian đã đưa ra một nhận định rằng Việt Nam nằm trong số ít quốc gia gặp rủi ro lớn ở khía cạnh xếp hạng tín dụng, liên quan đến xung đột Mỹ - Triều Tiên. Lý do chính của nhận định này là vì “Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu do sự chấm dứt hoặc suy yếu sản xuất ở Hàn Quốc”. Điều này có thể đang ảnh hưởng đôi chút lên tâm lý NĐT Việt Nam, tuy nhiên hiện nay kết quả kinh doanh quý 3 mới là thông tin được mong chờ nhiều nhất.

10h30: VN-Index bốc đầu với MSN và VCB

Đến khoảng 10h15, chỉ số VN-Index và VN30-Index đều tăng mạnh tương ứng 0.6% và 0.7%, với lực đỡ chính từ MSN, VCB, PLX và nhiều Large Cap khác. Sàn HOSE như được tiếp thêm động lực dẫn đến lượng cổ phiếu tăng giá là 130 mã, so với 88 mã giảm giá. Tuy nhiên bất ngờ là có một vài Large Cap lại giảm giá nhẹ như GAS, HPG, HSG… BHN giảm hơn 3% có lẽ là chốt lời.

Tình hình giao dịch trên HNX (bao gồm cả UPCoM) có lẽ không được tích cực như HOSE. HNX-Index chỉ tăng khoảng 0.21%, riêng UPCoM-Index lại giảm 0.14%.

Cổ phiếu MSN tăng giá mạnh hơn 4.5% vì thông tin Tập đoàn sẽ mua 10% khối lượng đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, tức gần 115 triệu cp. Thời gian giao dịch dự kiến từ 16/10 đến 14/11/2017. Việc mua lại sẽ được thực hiện qua cả khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận, điều này chính là yếu tố dẫn đến việc mua đẩy giá sáng nay.

Nhóm chứng khoán có dấu hiệu tăng giá tích cực trên nhiều mã, tuy nhiên bất ngờ nhất là BVS khi giảm đến 4.5%.

Mở cửa: Cổ phiếu tăng với kết quả quý 3

Các chỉ số tiếp tục tăng điểm tích cực, sắc xanh lan tỏa trên diện rộng. Thị trường chính thức bước vào mùa công bố BCTC quý 3, tin tốt đang ra và giúp nhiều cổ phiếu hồi phục giá sau phiên giao dịch thứ Ba thảm họa. Rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, trừ 2 đại gia ngành bia là SAB và BHN.

Nhóm ngân hàng tiếp tục tăng giá, VCB đang tăng hơn 1.4% tiếp nối đà tăng mạnh hôm qua. VN-Index đang được hỗ trợ mạnh bởi nhóm này.

Hôm nay cổ phiếu ngân hàng LienVietPostbank chào sàn UPCoM với tham chiếu 14,800 đồng/cp, tuy nhiên hiện tại giá khớp đang thấp hơn khoảng 4%.

Giá cổ phiếu VCF dường như không chịu ảnh hưởng gì về thông tin Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu thu hồi các sản phẩm café Wake-Up. Thanh khoản quá thấp có lẽ lại là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu vào lúc này.

WB tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP 2017 của Việt Nam sẽ thấp hơn mức 6.7%, dù Tổng Cục Thống kê vừa mới công bố tăng trưởng quý 3 rất tích cực. Lưu ý rằng Ngân hàng HSBC cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP nước ta từ 6.2% lên 6.6% cho năm nay, cũng dựa trên những thông số thống kê tích cực trong quý 3, nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch mà Chính phủ đề ra.

Cổ phiếu HVN tiếp tục bay cao với mức tăng 4.4% sau khi có thông tin tăng giá vé và kết quả tăng trưởng quý 3 rất tích cực. Tuy nhiên cổ phiếu VJC thì lại không đạt được mức tăng tương tự trong những phiên gần đây, và đối với ACV thì tình hình lại càng “tồi tệ” hơn.

Cổ phiếu ITA vẫn đang tăng giá nhẹ dù có thông tin không tốt liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương.

Giá dầu WTI lại giảm xuống dưới 50 USD/thùng, giá dầu Brent đang quay lại mức 55 USD/thùng sau khi tăng lên gần 60 USD cách đây hơn 1 tuần. Nhóm dầu khí lại nhuốm đầy sắc đỏ, trừ 1 số ít như PXS, PVG… Với những dao động mạnh khó lường trên thị trường dầu thế giới. Thật khó để dự đoán xu hướng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này./.

Các tin tức khác

>   VN30 Futures 05/10: “Chóng mặt” dõi theo thị trường cơ sở (04/10/2017)

>   Vietstock Daily 05/10: Cạn cung ngắn hạn? (04/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 04/10: VN-Index bật tăng mạnh bất chấp thanh khoản thấp (04/10/2017)

>   VN30 Futures 04/10: Short selling sẽ chiếm ưu thế? (03/10/2017)

>   Vietstock Daily 04/10: Quan sát sức mạnh của dòng tiền (03/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 03/10: VN-Index chính thức để mất mốc 800 điểm (03/10/2017)

>   VN30 Futures 03/10: Cần chọn lựa thời điểm mở vị thế phù hợp (02/10/2017)

>   Vietstock Daily 03/10: Tiền quá thận trọng (02/10/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 02/10: Thanh khoản HOSE đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017 (02/10/2017)

>   VN30 Futures Tuần 02-06/10/2017: Cơ hội dành cho bên mua? (01/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật