Thứ Năm, 26/10/2017 10:51

Tăng trưởng có bền vững khi không dựa vào nội lực?

Thông tin về việc tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Công ty Samsung có lẽ gây ngạc nhiên và lo lắng cho nhiều người. Việc dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển kinh tế là phù hợp, nhưng “để trứng cùng một giỏ” hay thổi phồng vai trò của FDI chắc chắn hàm chứa nhiều rủi ro. Hơn thế nữa, cơ cấu kinh tế của Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển dựa trên nội lực.

Thị trường tiêu dùng với gần 100 triệu người là một lợi thế cho sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: THÀNH HOA

Samsung có thực sự là nhân tố chính?

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), cơ cấu kinh tế chín tháng đầu năm 2017 của Việt Nam như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,66%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,5%, khu vực dịch vụ chiếm 42,67%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,17%. Như vậy, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm khoảng một phần ba quy mô nền kinh tế. Về tốc độ tăng trưởng, đóng góp của khu vực này vào mức tăng 6,41% của chín tháng đầu năm là 2,45 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 2,15 điểm phần trăm, tương đương 33,5% mức tăng chung.

Nhưng số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến hết tháng 6-2017, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút 12.075 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 180,68 tỉ đô la Mỹ. Đến tháng 4-2017, vốn đầu tư cam kết của Samsung khoảng 15 tỉ đô la Mỹ, như vậy chỉ chiếm khoảng 8%. Không những thế, nếu nhìn vào giá trị doanh thu và xuất khẩu của Samsung, thì có lẽ đóng góp của Samsung vào tăng trưởng không nhiều đến thế. Cụ thể, doanh thu của Samsung năm 2016 là 46,3 tỉ đô la Mỹ thì xuất khẩu là 40 tỉ đô la Mỹ. Ước tính năm 2017 doanh thu 60 tỉ đô la Mỹ thì xuất khẩu khoảng 50 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, trung bình có khoảng 10 tỉ đô la Mỹ là doanh thu từ thị trường nội địa.

Với thị trường dân số gần 100 triệu người, tỷ trọng ngành dịch vụ (gồm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ lưu trú ăn uống) khoảng 40%, thì chú trọng phát triển thị trường nội địa là hướng đi để đảm bảo tăng trưởng chất lượng và bền vững, tránh phụ thuộc nhiều vào các yếu tố hay cú sốc bên ngoài.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều FDI ngoài lý do chi phí lao động thấp, nhiều ưu đãi về thuế, môi trường, thì còn có một lý do khác không kém phần quan trọng: nước nhận FDI là thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp này. Nhiều nghiên cứu thực chứng đã chỉ ra rằng, mối quan hệ FDI - tăng trưởng không chỉ một chiều (FDI giúp tăng trưởng), mà còn có tác động qua lại (causality) khi tăng trưởng của một nước thu hút tăng FDI vào nước đó.

Đã vậy, phương pháp tính GDP của Việt Nam là theo phương pháp sản xuất (từ phía cung), nên giá trị xuất khẩu lớn của Samsung không có nhiều ý nghĩa. Với tỷ trọng vốn đầu tư và doanh thu nội địa không thật sự lớn, đóng góp của Samsung vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp dịch vụ nói riêng và GDP nói chung dường như đang được thổi phồng. Khi chỉ nhìn vào giá trị xuất khẩu lớn mà cho rằng bị lệ thuộc vào Samsung thì sẽ phải nhượng bộ nhiều trong đàm phán. Thực tế là doanh nghiệp này đã tiếp tục đòi cơ chế ưu đãi, từ cơ chế công nghệ cao sang cơ chế quy mô lớn (ưu đãi như cũ), kể cả với các khoản đầu tư mới.

Điều này cũng đúng với khu vực FDI, khi chênh lệch xuất, nhập khẩu không nhiều, xuất khẩu chỉ nhỉnh hơn nhập khẩu một chút (năm 2016, xuất khẩu là 123 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu là 102 tỉ đô la Mỹ; năm 2015 xuất khẩu là 110 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu 97 tỉ đô la Mỹ).

Nội lực chưa được phát huy

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 174,8 tỉ đô la Mỹ. Trong số này, các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 102,44 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, thị trường trong nước nhập khẩu khoảng 72,4 tỉ đô la Mỹ. Với quy mô nền kinh tế khoảng 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016 và dự kiến 225 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn hơn GDP, và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Ngoài một số mặt hàng nhập khẩu hầu như cho thị trường trong nước có giá trị lớn như xăng dầu ( 5,08 tỉ đô la Mỹ), dược phẩm (2,56 tỉ đô la Mỹ), linh kiện phụ tùng ô tô (3,57 tỉ đô la Mỹ), nhiều mặt hàng khác giá trị nhập khẩu cũng khá lớn (xem bảng số liệu). Trong số này, đặc biệt là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác nhập khẩu cho thị trường trong nước lên đến 13,03 tỉ đô la Mỹ, kế đó là mặt hàng vải và chất dẻo (nhựa). Nếu nền sản xuất trong nước có thể thay thế dần hàng nhập khẩu thì quy mô nền kinh tế sẽ rất khác, và không phải lệ thuộc nhiều vào FDI. Tiếc rằng, các doanh nghiệp lớn, kể cả của Nhà nước và tư nhân, đã và đang bỏ lơ các mảng thị trường này, dồn nguồn lực cho bất động sản và ngân hàng.

Để tăng trưởng là thực chất và bền vững

Dù biết rằng tăng trưởng GDP là một chỉ số kinh tế quan trọng, nhưng cần tính đủ các “chi phí” như môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân để tăng trưởng là thực chất. Cách tính GDP theo phương pháp sản xuất cần được đối chiếu với hai phương pháp còn lại để tránh GDP bị ước tính sai (ước tính tăng). Không nên vì con số tăng trưởng (danh nghĩa) liên tục mà bám theo mãi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Với thị trường dân số gần 100 triệu người, tỷ trọng ngành dịch vụ (gồm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ lưu trú ăn uống) khoảng 40%, thì chú trọng phát triển thị trường nội địa là hướng đi để đảm bảo tăng trưởng chất lượng và bền vững, tránh phụ thuộc nhiều vào các yếu tố hay cú sốc bên ngoài. Vì trong điều kiện lý tưởng thay thế hoàn toàn nhập khẩu, sản xuất trong nước sẽ tăng lên khoảng 40-42 tỉ đô la Mỹ.

Phía sau bức tranh tăng trưởng

Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,7% trong năm nay sau khi đã đạt mức 6,41% trong chín tháng. Bên cạnh đó, toàn bộ 13 chỉ tiêu cũng sẽ đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, phía sau bức tranh tăng trưởng vẫn còn không ít điều đáng lưu tâm.

Điều đầu tiên, là thu ngân sách nhà nước (NSNN) không còn tăng cao so với dự toán như nhiều năm trước đây. Cả năm nay, dự kiến tổng thu NSNN chỉ tăng 2,3% so với dự toán. Đây là mức tăng thấp nhất trong vài năm gần đây so với mức tăng 9,6% trong các năm 2014 và 2015, và 8,6% năm 2016.

Bên cạnh đó, trong chín tháng đầu năm, thu NSNN mới đạt 69,5% dự toán, đạt thấp cả về tiến độ dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ ba năm gần đây; trong đó một số khoản thu rất thấp như thu bán vốn đạt 16,7% và nhất là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều khoản chi tiêu từ ngân sách vẫn phải duy trì. Và, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm gửi Quốc hội, thực trạng tài chính của một số ngân hàng thương mại sau thời gian được xử lý vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng, và nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra báo cáo nói trên của Chính phủ cho rằng, với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, cần xem xét, điều chỉnh lại các giải pháp, chính sách đã đề ra. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn như chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn, tiếp tục tạo ra thay đổi tích cực về thể chế, môi trường kinh doanh, chủ động điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn như phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% so với chỉ tiêu khoảng 18% từ đầu năm, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao. Ngoài ra, trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.

Những giải pháp đó mới mang lại tăng trưởng bền vững.

Tư Hoàng

Võ Đình Trí (*)

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Nợ công năm nay hơn 3,1 triệu tỷ đồng (25/10/2017)

>   Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam nhìn từ trường hợp Samsung (25/10/2017)

>   Kinh tế 2018: Cần tìm giải pháp công phu để tháo gỡ những nút thắt (24/10/2017)

>   Nhiều vấn đề đặt ra với nợ công của Việt Nam (24/10/2017)

>   Đề xuất hàng loạt ưu đãi cho đặc khu (24/10/2017)

>   Nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ gây sức ép vĩ mô (23/10/2017)

>   Thủ tướng: Nợ công Việt Nam đã có xu hướng giảm (23/10/2017)

>   Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14: Rõ dần hình hài các đặc khu kinh tế (23/10/2017)

>   Thủ tướng dự sự kiện quan trọng nhất của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC (21/10/2017)

>   Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu có đơn xin thôi chức (20/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật