Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam nhìn từ trường hợp Samsung
Các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các thành phần kinh tế đã đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay lên mức ngoạn mục. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra thận trọng khi thấy rằng mức tăng trưởng đột biến này dựa nhiều vào “sức khỏe” của một số doanh nghiệp FDI lớn, trong đó có Samsung.
Samsung, Ford, Formosa ảnh hưởng đến công nghiệp như thế nào?
“Tăng trưởng quí 3 năm nay phải có một số yếu tố đột biến mới có thể đạt được mức 7,46%. Như tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu điện tử lên mức 34% do Samsung có sản phẩm mới xuất xưởng là Samsung S8”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội 2017 (kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XIV) diễn ra tại Hà Nội hôm 24-10.
Theo Chủ tịch Quốc hội, không thể tin được trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm không bằng cùng kỳ năm trước mà đến 9 tháng đã có khả năng đạt và vượt chỉ tiêu; và vượt cả 13/13 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế vĩ mô. Với mức tăng trưởng quí 3, theo người đứng đầu Quốc hội, thì trong quí 4 cũng không nên chủ quan vì để đạt được mức tăng trưởng cả năm 6,7% thì trong quí cuối cùng phải có mức tăng trưởng 7,31%. “Nếu cho rằng 9 tháng qua đã đạt tăng trưởng 6,41% thì đến cuối năm “chắc ăn” 6,7% là không có”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Vẫn theo bà Ngân, vấn đề là trong diễn biến tăng trưởng quí 3 có một số yếu tố đột biến mới có thể đạt được 6,7% như mức hồi phục, tăng trưởng mạnh của công nghiệp chủ yếu “rơi” vào sản phẩm điện tử tại hãng Samsung (tăng 34%, giá trị xuất khẩu ước đạt 10 tỉ đô la Mỹ), do Samsung có sản phẩm mới là Samsung S8; hoặc sản xuất thép tăng gần 25% do nhà máy của Formosa đi vào hoạt động, dự kiến sản lượng năm nay đạt khoảng 1,5 triệu tấn thép thô.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị không phân biệt doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước. Song cần phân tích, đánh giá để biết nội tại nền kinh tế đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu.
Một ví dụ được bà Ngân dẫn ra là hồi trước, nguồn thu chủ yếu của tỉnh Hải Dương dựa vào nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Ford (Mỹ). Khi Ford “hắt hơi, sổ mũi” là ngân sách tỉnh có vấn đề do dựa vào một doanh nghiệp, một sản phẩm chủ yếu. “Tất nhiên địa phương nào cũng phải có một sản phẩm chủ yếu nhưng chúng ta phải đa dạng hóa, đừng lệ thuộc vào một sản phẩm”, bà Ngân nhắc. Và bổ sung rằng năm trước Samsung bị lỗi sản phẩm Samsung Note 7 là ảnh hưởng ngay tới chỉ tiêu xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh cũng như ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước nói chung.
Phân tích như vậy để thấy được một số sản phẩm nhất định đều có tính thời điểm và khó bền vững trong khi những ngành hướng tới thị trường nội địa tăng trưởng chậm.
Vẫn liên quan đến vấn đề của Samsung và tình hình xuất khẩu, theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Khối doanh nghiệp này nhập nguyên vật liệu từ các nước, chủ yếu là từ chính quốc khiến cho tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam với các quốc gia đó tăng đột biến. Trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tham gia được đáng kể vào chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các tập đoàn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM), Samsung xuất khẩu rất lớn nhưng 70% nguyên liệu là phải nhập khẩu chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp FDI, trong khi chưa thấy được sự gắn kết của doanh nghiệp FDI với các nhà sản xuất trong nước và cũng chưa thấy chính sách nào có thể gắn kết khối FDI với doanh nghiệp tại chỗ.
Có tiền mà tiêu không hết
Cũng tại cuộc thảo luận tổ, liên quan đến vấn đề chi tiêu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính đặt câu hỏi xung quanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm nay mới đạt 50% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân được 34%; trong khi vay về phải trả lãi ngay mà chưa bố trí được nguồn vốn vào nền kinh tế là vì lý do gì? Nhiều dự án trọng điểm lớn của các địa phương đang thiếu vốn, nhiều dự án chưa có tiền giải ngân trong khi dòng vốn đang “tắc”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Về vấn đề này, tại một tổ khác (đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói rằng năm 2017 có tổng vốn trái phiếu Chính phủ cần giải ngân là 67 ngàn tỉ đồng nhưng đến nay mới giao được 35 ngàn tỉ đồng. “Chúng ta có tiền mà tiêu không hết, vẫn kêu thiếu động lực tăng trưởng, trong khi số tiền này chính là động lực tăng trưởng vì một đồng vốn đầu tư kéo theo 2-3 đồng vốn từ xã hội”, theo ông Dũng.
Người đứng đầu ngành tài chính nói với các đại biểu rằng năm nay tính trái phiếu Chính phủ vào bội chi ngân sách, trong khi năm trước trái phiếu Chính phủ không nằm trong bội chi. Năm nay, Quốc hội duyệt kế hoạch bội chi bằng 178,3 ngàn tỉ đồng (3,5% GDP), trong đó huy động trái phiếu Chính phủ 50 ngàn tỉ đồng, vay vốn ODA 60 ngàn tỉ đồng. Với tốc độ giải ngân như hiện nay thì việc quản lý bội chi ngân sách, cả con số tuyệt đối và tương đối đều nằm trong tầm kiểm soát sau 10 năm liên tục vượt. Tuy nhiên, đó cũng chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng.
Lan Nhi
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|