Thứ Hai, 23/10/2017 10:50

Thủ tướng: Nợ công Việt Nam đã có xu hướng giảm

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư sáng 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Con số cụ thể được nêu tại báo cáo của Chính phủ là dư nợ công khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Thành công lớn

Thủ tướng khái quát, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41% ước cả năm đạt 6,7%.

Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay...

"Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra Đây là một thành công lớn của đất nước ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Thủ tướng, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai.

Siết chặt kỷ luật tài chính

Trình bày kế hoạch 2018, Thủ tướng cho biết mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Trong các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của năm sau, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp. Tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi, gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực, khoán chi hành chính, sử dụng xe công...

Nội dung tiếp theo được Thủ tướng đề cập là thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng sau khi được Quốc hội thông qua và Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động; thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ. Tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm các vi phạm.

Nguyên Vũ

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14: Rõ dần hình hài các đặc khu kinh tế (23/10/2017)

>   Thủ tướng dự sự kiện quan trọng nhất của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC (21/10/2017)

>   Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu có đơn xin thôi chức (20/10/2017)

>   Quảng Ninh đang có gì trong tay khi Vân Đồn sắp thành đặc khu? (20/10/2017)

>   Bộ Chính trị thống nhất cho Tp.HCM được hưởng cơ chế “đặc thù” (20/10/2017)

>   Thủ tướng chỉ thị một loạt nhiệm vụ cấp bách trong thực hiện các FTA (20/10/2017)

>   Samsung muốn có 50 nhà cung ứng Việt Nam vào năm 2020 (19/10/2017)

>   Sẽ trình đề án Bắc Ninh lên thành phố Trung ương trong 2018 (19/10/2017)

>   Người Việt chưa giàu đã già lại gánh nợ công quá lớn (19/10/2017)

>   Lương quá nhiều bất cập, Trung ương bắt đầu khảo sát để cải cách (18/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật