Samsung muốn có 50 nhà cung ứng Việt Nam vào năm 2020
Tập đoàn Samsung hướng đền mục tiêu sẽ tăng gấp đôi nhà cung cấp trực tiếp là những doanh nghiệp thuần Việt Nam vào năm 2020, đưa con số này đạt 50 doanh nghiệp.
Samsung giới thiệu những linh kiện tại một triển lãm ở TPHCM vào năm ngoái nhằm tìm kiếm nhà cung cấp - Ảnh minh họa: Hùng Lê.
|
Thông tin này được ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Triển lãm Hội thảo công nghiệp phụ trợ lần thứ hai trong năm 2017 tại tổ hợp nhà máy Samsung Electronics HCMC Complex (SEHC), TPHCM vào ngày 19-10. Sự kiện này nhằm tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam có tiềm năng lớn tham gia vào chuỗi cung ứng của khu tổ hợp SEHC nói riêng và của Samsung tại Việt Nam nói chung.
Hiện nay Samsung có tổng cộng hơn 100 nhà cung cấp cấp 1 tại các tổ hợp sản xuất của mình ở Việt Nam, nhưng trong đó chỉ có 27 nhà cung cấp trực tiếp là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, số còn lại đều có yếu tố nước ngoài hoặc là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Tại sự kiện, ông Shim Won Hwan, cho biết bắt đầu từ những Triển lãm Hội thảo công nghiệp hỗ trợ như nói trên, Samsung đã tìm thấy và bồi dưỡng được những doanh nghiệp cung ứng Việt Nam có tiềm năng lớn, có quyết tâm tiếp thu đổi mới nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Đây chính là hướng đi chiến lược không chỉ giúp hiện thực hóa mục tiêu nâng tổng số doanh nghiệp cung ứng Việt Nam cho Samsung lên 29 doanh nghiệp vào cuối năm nay, tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020, mà quan trọng hơn là có thể tạo ra những doanh nghiệp cung ứng hạt nhân nòng cốt, có tác động lan tỏa đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam”, ông Shim Won Hwan chia sẻ.
Trên thực tế, Samsung cũng như nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm ô tô, điện tử,... cho biết họ rất khó khăn tìm doanh nghiệp phụ trợ trong nước để đưa vào chuỗi cung ứng trực tiếp, vì một phần Việt Nam trước đó chưa có ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động, hoặc quy mô thị trường ô tô trong nước quá nhỏ để đầu tư và hầu hết các doanh nghiệp phụ trợ không đáp ứng được các yêu cầu của các hãng đưa ra.
Sự kiện triển lãm hội thảo công nghiệp phụ trợ nói trên do Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Nhà máy điện tử Samsung tại TPHCM (SEHC) tổ chức thu hút các doanh nghiệp trong nước tham gia. Trước đó, vào tháng 7 rồi, Samsung cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo công nghiệp phụ trợ tại khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh.
Ngay sau sự kiện, Samsung sẽ xây dựng kế hoạch để tư vấn và bồi dưỡng cho một trong số các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam…
Tổ hợp nhà máy SEHC đi vào hoạt động giữa năm 2016 với tổng số vốn đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ, với gần 7.000 lao động và sản phẩm sản xuất chủ yếu là màn hình, tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi. Khu tổ hợp SEHC được coi là một nhà máy hiện đại nhất thế giới của Samsung với quy trình sản xuất hoàn thiện và khép kín gồm tất cả mọi công đoạn từ lắp ráp thành phẩm đến sản xuất các linh kiện chính của sản phẩm. Chính việc sản xuất mọi công đoạn cho sản phẩm hàng điện tử gia dụng tại SEHCM sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, đồng thời tạo nền tảng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Hùng Lê
TBKTSG
|