Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam: 10 năm nhìn lại
Bài viết này cung cấp cái nhìn toàn diện về bức tranh năng lực cạnh tranh (NLCT) toàn cầu của Việt Nam ở hiện tại cũng như xu hướng cải thiện trong 10 năm qua, đặt trong bối cảnh so sánh với các nước trong khu vực.
Năng lực cạnh tranh về hiệu quả của thị trường hàng hóa và lao động có xu thế giảm trong mấy năm gần đây. Ảnh: THÀNH HOA
|
Bức tranh tổng thể và sự cải thiện trong 10 năm qua
Ngày 26-9 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố Báo cáo thường niên về NLCT toàn cầu (GCR 2017-2018), trong đó Việt Nam tăng năm bậc so với năm 2016. Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp hạng 55 trên 137 quốc gia, là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ khi WEF đưa ra chỉ số NLCT toàn cầu tổng hợp vào năm 2006. Với thứ hạng này, Việt Nam xếp trên một số nước ASEAN như Philippines (56), Campuchia (94), Lào (98), nhưng xếp dưới Indonesia (36), Thái Lan (32), Malaysia (23), Singapore (3), và hai nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc (27) và Ấn Độ (40).
Nhìn lại 10 năm qua (2007-2017), NLCT toàn cầu của Việt Nam đã cải thiện khoảng 15 bậc, từ hạng 70-75 lên 55-60; Việt Nam đã dịch chuyển từ nửa dưới lên nửa trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu. Nhìn kỹ hơn vào giai đoạn năm năm qua (2012-2017), NLCT toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam có xu hướng cải thiện rõ nét, từ hạng 75 năm 2012 lên 55 năm 2017 (hình 1).
Xét riêng thứ hạng của các nhóm yếu tố thành phần cấu thành chỉ số NLCT tổng hợp, dù có nhiều biến động trong giai đoạn 2007-2012, xu hướng cải thiện được ghi nhận ở nhóm yếu tố điều kiện cơ bản (thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục phổ thông) và nhóm yếu tố thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế (giáo dục đại học, hiệu quả của thị trường hàng hóa và thị trường lao động, độ phát triển của thị trường tài chính, độ sẵn sàng về công nghệ, và quy mô của thị trường).
Tuy nhiên, nhóm yếu tố về đổi mới sáng tạo và mức độ tinh thông trong kinh doanh (số lượng và chất lượng nhà cung ứng địa phương, sự phát triển của cụm ngành kinh tế, độ rộng của chuỗi giá trị...) có xu hướng cải thiện rất chậm, thậm chí suy giảm (hình 1).
Nhìn theo thang điểm tuyệt đối 1-7 thì xu hướng cải thiện được thể hiện khá rõ nét ở NLCT toàn cầu tổng hợp và nhóm yếu tố thứ nhất và thứ hai. Trong khi đó, điểm số của nhóm yếu tố thứ ba vẫn ở mức thấp và không cải thiện mấy trong nhiều năm qua (hình 2).
Nhìn rộng ra khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN, một số nền kinh tế đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thúc đẩy NLCT. Indonesia tăng 18 bậc, từ hạng 54 năm 2007 lên hạng 36 năm 2017; Philippines tăng 15 bậc, từ 71 lên 56; Campuchia tăng 16 bậc, từ 110 lên 94; Ấn Độ tăng tám bậc, từ 48 lên 40; và Trung Quốc tăng bảy bậc, từ 34 lên 27.
Xét thứ hạng của các nhóm yếu tố thành phần, trong khi Việt Nam chỉ tăng hai bậc ở nhóm yếu tố thứ nhất, Indonesia đã tăng 36 bậc, Philippines tăng 26 bậc, Trung Quốc tăng 13 bậc và Ấn Độ tăng 11 bậc. Ở nhóm yếu tố thứ hai, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Campuchia có bước tiến khá tốt khi tăng lần lượt là 9, 13, và 10 bậc; trong khi thứ hạng của Indonesia, Philippines và Ấn Độ đều giảm ít nhiều. Trái lại, ở nhóm yếu tố thứ ba, thứ hạng của Việt Nam, vốn đã thấp, lại bị giảm tám bậc, trong khi trong khi Trung Quốc tăng 21 bậc, Philippines tăng bốn bậc, và Indonesia tăng ba bậc.
Nói chung, những quan sát ở trên cho thấy, trong nỗ lực nâng cao NLCT để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, Việt Nam chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều nền kinh tế tương đồng về mức độ phát triển và quy mô dân số trong khu vực, với những cải thiện đáng kể về NLCT như là Indonesia và Philippines.
Nhìn về phía trước
Việc đạt thứ hạng 55 trong bảng NLCT toàn cầu năm 2017 là một chỉ dấu đáng khích lệ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét riêng theo từng nhóm yếu tố thành phần cấu thành chỉ số NLCT tổng hợp thì Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia và Lào trong số các nước kể ở trên.
Ở nhóm yếu tố thứ nhất, Việt Nam chỉ xếp hạng 75 so với Philippines là 67. Ở nhóm yếu tố thứ hai, Việt Nam xếp hạng 62, dưới Philippines một bậc. Tương tự, ở nhóm yếu tố thứ ba, Việt Nam xếp hạng 84, chỉ hơn Lào một bậc, nhưng thấp hơn nhiều so với Philippines (61). Điều này cho thấy, mặc dù NLCT tổng hợp của nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng xét về thực lực ở từng yếu tố riêng lẻ thì Việt Nam cần nỗ lực nhiều để bắt kịp các nước trong khu vực.
Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển với mức thu nhập còn khá thấp, việc nâng cao NLCT tổng hợp đòi hỏi phải cải thiện tất cả các nhóm yếu tố. Các nhà quản lý cần nhìn rõ hơn vào nguyên nhân đằng sau từng yếu tố nhỏ để tìm hướng cải thiện. Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết không đi vào phân tích từng nguyên nhân cụ thể nhưng chỉ ra một số yếu tố có ảnh hưởng xấu đến NLCT của nền kinh tế.
Trong nhóm yếu tố thứ nhất, bên cạnh sự tiến bộ (dù vẫn còn ở mức thấp) về y tế và giáo dục phổ thông (từ hạng 88 năm 2007 lên 67 năm 2017) và cơ sở hạ tầng (từ 89 lên 79), hai yếu tố còn lại có xu hướng suy giảm. Yếu tố môi trường kinh tế vĩ mô giảm 26 bậc từ 51 về 77, và yếu tố thể chế giảm chín bậc từ 70 về 79. Điểm yếu ở nhóm yếu tố này bao gồm: kiểm soát hối lộ-tham nhũng (hạng 109 năm 2017), bảo vệ sở hữu trí tuệ (99), tính hiệu quả của luật pháp trong giải quyết tranh chấp (82), độ minh bạch trong ban hành chính sách (82), thâm hụt ngân sách (117), tình trạng nợ công (92), chất lượng hạ tầng giao thông hàng không (103)... Đặc biệt, các yếu tố về thiết chế quản trị của khu vực tư nhân còn yếu: hiệu lực của báo cáo và thanh tra tài chính (115), hiệu quả của hội đồng quản trị (130), quy định về bảo vệ cổ đông nhỏ (98).
Đối với nhóm yếu tố thứ hai, ngoài quy mô thị trường (hạng 31) và hiệu quả của thị trường lao động (57), các yếu tố còn lại có thứ hạng khá thấp, trong khoảng 70-90. Đặc biệt, NLCT về hiệu quả của thị trường hàng hóa và lao động có xu thế giảm trong mấy năm gần đây. Những điểm cần lưu ý bao gồm chất lượng giáo dục đại học - đặc biệt là đào tạo quản lý (hạng 120), độ cạnh tranh của thị trường (108), các quy định - thủ tục về đầu tư nước ngoài (105), độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng (112), và mức độ sẵn có của công nghệ mới (112).
Nhóm yếu tố thứ ba là điểm yếu lâu dài của Việt Nam, với điểm số và thứ hạng thấp (70-100) và không cải thiện nhiều trong mấy năm qua. Những điểm yếu bao gồm năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp (79), chất lượng nghiên cứu khoa học (90), mức độ sẵn có của chuyên gia và kỹ sư (78), số lượng và chất lượng nhà cung ứng địa phương (105 và 116), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - dựa vào lao động, tài nguyên hay chất lượng sản phẩm (102), độ rộng của chuỗi giá trị (106), và công tác quảng bá tiếp thị của doanh nghiệp (105).
Trong nỗ lực nâng cao NLCT, Nhà nước nên đẩy mạnh khắc phục các điểm yếu liên quan đến nhóm yếu tố thứ nhất và thứ hai, nơi mà Nhà nước có vai trò chủ động rất lớn. Báo cáo GCR 2017-2018 cũng chỉ ra các yếu tố cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp theo mức độ nghiêm trọng: tiếp cận nguồn tài chính, nguồn nhân lực có trình độ, tình trạng tham nhũng, ý thức kỷ luật của người lao động, các luật lệ về thuế, sự thiếu ổn định của chính sách, thiếu cơ sở hạ tầng... Đây là những vấn đề mà các nhà quản lý cần tập trung giải quyết để hướng đến nâng cao NLCT quốc gia.
Với nhóm yếu tố thứ ba, bên cạnh Nhà nước với vai trò kiến tạo và đưa ra các cơ chế khuyến khích, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt nhanh các xu thế mới về khoa học công nghệ và thị trường, nhất là các cơ hội (và thách thức) mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Nó sẽ làm biến đổi sâu sắc các điều kiện ở cả hai phía cung và cầu của thị trường.
Nguyễn Chí Hiếu
Thời báo kinh tế Sài Gòn
|