Thứ Sáu, 06/10/2017 13:25

Đầu tư công chậm giải ngân: Tại anh, tại ả hay tại cả đôi bên

Nhiều chuyện đã bộc lộ rõ với Luật Đầu tư công chỉ sau gần ba năm thực hiện. Vì luật chặt chẽ hay vì lòng người không thông?

Trong năm 2017, còn tới 184.000 tỉ đồng chưa giao được cho nhiều dự án, trong đó có những dự án rất quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, chống ngập ở TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA.

Những dự án bút phê

“Tôi nhận khuyết điểm, tôi xin tự nhận khuyết điểm”, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh chùng giọng xuống tại phiên giải trình về việc thực hiện Luật Đầu tư công do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 2-10-2017. Đây là lần đầu tiên ông lên tiếng công khai về việc ký những dự án không tuân thủ Luật Đầu tư công năm 2015 mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa phê bình.

Ông Vinh kể, năm 2015 khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, theo đó các địa phương phải gửi danh sách đầu tư công về bộ trước 31-12 để được phê duyệt cho năm sau, ông đã ký hơn chục văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương “dọa” là sẽ cắt nếu họ không gửi đúng hạn. Tuy nhiên, nhiều tỉnh không tuân thủ, có tỉnh gửi danh sách dự án đầu tư công thậm chí chậm tới tháng 6 năm sau. Ông Vinh báo cáo chuyện này lên Thủ tướng và được cho quyền cắt. Tuy nhiên, ông không làm được theo luật. Ông giải thích: “Đúng là phải cắt phéng đi nhưng cắt thì đau xót quá. Cắt đầu tư của cả một tỉnh thì chắc Thủ tướng cũng chả dám cắt chứ đừng nói tôi”. Vậy là ông ký giao 11 lần cho các dự án sau 31-12 và bị KTNN phê bình.

Trên thực tế, KTNN vẫn bảo lưu kết luận là Bộ KH&ĐT đã bố trí hơn 575 tỉ đồng cho 18 dự án trên là “không có cơ sở”. Phó tổng KTNN Cao Tấn Khổng nói: “Chúng không hề nhận được văn bản phản đối nào của bộ”.

Ông Khổng kể, khi tiến hành kiểm tra tại Bộ KH&ĐT, cơ quan này phát hiện tới 99 dự án được cấp vốn ngân sách nhà nước không căn cứ theo Luật Đầu tư công (được phê duyệt trước 31-12-2015).

Tuy nhiên, ngoại trừ 18 dự án đã nêu, số còn lại là “có bút phê”, hay “chỉ đạo” của lãnh đạo Đảng và Chính phủ nên KTNN không đưa vào danh sách các dự án được cấp vốn không có cơ sở. Ông Khổng nói: “Theo quy định sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Khi chúng tôi kiểm toán ở Bộ KH&ĐT thì phát hiện có 99 dự án như vậy, trong đó 18 dự án không có ý kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bằng văn bản, nên chúng tôi chỉ kết luận 18 dự án là không có cơ sở”. Ông Khổng bổ sung thêm, KTNN dựa vào các bằng chứng là các chủ trương, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo. “Họ không có bằng chứng, không có văn bản nào cả”, ông nói.

Vượt trên các con số, câu chuyện của ông Khổng cho biết một thực tế rất đáng bàn. Kể cả khi có “bằng chứng” thì nhiều dự án như trên được cấp vốn chưa đúng với Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm 2015. Theo đó, các dự án đầu tư công tùy theo loại hình phải tuân thủ qua nhiều khâu rất chặt chẽ và phải được phê duyệt trước ngày 31-12 của năm trước. Thật đáng tiếc, danh sách các dự án không tuân thủ quy trình của luật rất dài và rất đa dạng, như KTNN đã công bố trong các báo cáo suốt nhiều năm qua.

Giải ngân chậm: Tại anh tại ả, tại cả hai bên

Thực tế này được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thừa nhận trong phiên giải trình hôm 2-10 vừa rồi. Theo quy định, sau khi Chính phủ phê duyệt, danh sách dự án đầu tư công phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 31-1 hàng năm. Trên thực tế là danh sách đó chỉ được báo cáo lên cơ quan này trong tháng 2 và cũng chỉ có 50% số vốn được phê duyệt phân bổ, rồi đến tháng 4 mới lên được 80-90% số vốn. Trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, theo ông Hiển, còn tới 184.000 tỉ đồng chưa giao được cho nhiều dự án, trong đó có những dự án rất quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, chống ngập ở TPHCM. Ông Hiển đặt vấn đề: “Vì sao có luật rồi, có kế hoạch đầu tư công trung hạn mà vẫn có vi phạm? Giải ngân chậm thì sử dụng vốn ngân sách không mang lại hiệu quả cao nhất. Đây là thực tế phải trả lời rõ”...

Đọc thêm tại đây.

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Không chủ quan để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% (05/10/2017)

>   Đề xuất ADB hỗ trợ Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn ADF mà không gián đoạn tái cơ cấu nền kinh tế (04/10/2017)

>   TPHCM lo khó đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 (04/10/2017)

>   Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Tăng trưởng GDP 9 tháng có bước đột phá" (04/10/2017)

>   Thủ tướng dự báo sẽ hoàn thành 13 chỉ tiêu của Quốc hội (03/10/2017)

>   Cảnh báo nợ công Việt Nam dễ lung lay ngay cả với những cú sốc nhẹ (03/10/2017)

>   Trình Chính phủ 11 vướng mắc cần sửa của Luật Đầu tư công (03/10/2017)

>   2 triệu tỷ đầu tư công đang được sử dụng thế nào? (03/10/2017)

>   Nghịch lý lương tối thiểu tại Việt Nam (02/10/2017)

>   PMI tháng 9 lên 53.3 điểm, sản lượng và số đơn đặt hàng mới tăng mạnh (02/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật