Đề xuất ADB hỗ trợ Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn ADF mà không gián đoạn tái cơ cấu nền kinh tế
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề xuất ADB có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam để vừa tốt nghiệp được nguồn vốn ADF mà không gián đoạn công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
* Hết vốn ODA, cơ chế cấp phát ngân sách sẽ thay đổi
Ngày 02/10/2017, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi làm việc với bà Philaslak Yukkasemwong, Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đại diện cho nhóm nước Brunei, Malaysia, Myanmar, Nepal, Singapore và Thái Lan.
Tại buổi làm việc, bà Philaslak Yukkasemwong đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được về tăng trưởng kinh tế, đã chuyển mình từ một quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Phó Thống đốc cũng thông báo Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế nhiều, giảm nghèo hiệu quả, GDP tăng bình quân cao, đó là một trong những yếu tố mà ADB đánh giá Việt Nam đủ điều kiện để tốt nghiệp nguồn vốn ADF.
Theo Chính sách tốt nghiệp ADF của ADB, Việt Nam dự kiến tốt nghiệp từ 01/01/2019. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tăng trưởng kinh tế bền vững trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Về giảm nghèo, tuy đã đạt được những kết quả nói trên, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn cao. Để giảm nghèo bền vững vẫn cần các giải pháp và hỗ trợ nhiều hơn nữa bởi nguy cơ hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo.
“Trong những đề xuất trước đây khi tôi được gặp ngài Chủ tịch ADB và các cổ đông lớn của ADB tại Hội nghị thường niên, chúng tôi cũng đề xuất mong rằng ADB có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam để vừa tốt nghiệp được nguồn vốn ADF mà không gián đoạn công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Bà Philaslak Yukkasemwong cho biết, ADB đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030 và lấy ý kiến tham vấn rộng rãi ý kiến của các cổ đông và các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bà nhấn mạnh, chính sách tốt nghiệp là một phần quan trọng trong việc rà soát và xây dựng chiến lược của ADB trong thời gian tới. ADB cũng sẽ xem xét thêm về hoạt động của khu vực tư nhân tại các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn vay thông thường và vốn vay ưu đãi ADF sẽ sáp nhập làm một.
Bà Philaslak Yukkasemwong tin tưởng rằng, trong chiến lược chính sách đến 2030 của ADB có những rà soát, điều chỉnh, trong đó Ban Giám đốc có những linh hoạt nhất định về trường hợp tốt nghiệp ADF và chính sách trả nợ nhanh của một số quốc gia sau khi tốt nghiệp ADF để hỗ trợ các quốc gia này có lộ trình tốt nghiệp một cách tốt nhất. Về những trường hợp cụ thể, các Vụ Chính sách của ADB sẽ đề xuất lên Ban Giám đốc, đồng thời đưa vấn đề này ra Hội đồng Thống đốc tại Hội nghị thường niên năm tới để xem xét./.
|