Nghịch lý lương tối thiểu tại Việt Nam
Thời gian qua, vấn đề tăng lương tối thiểu được dư luận quan tâm rất nhiều. Một số ý kiến cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với tăng năng suất lao động là điều bất cập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng lương tối thiểu là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Lương tối thiểu tăng nhanh
Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018 đã gây ra một cuộc tranh luận rất lớn trong xã hội. Phía đại diện người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, tương đương mức tăng của năm 2017. Trong khi đó, đại diện cho phía người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề xuất không tăng hoặc tăng tối đa ở mức dưới 5%. Cuối cùng, mức tăng lương tối thiểu năm 2018 được thống nhất là 6,5%.
Mới đây, tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra một số bất cập trong việc tăng lương tối thiểu ở Việt Nam. Theo đó các chuyên gia cho rằng lương tối thiểu tăng trung bình hàng năm của Việt Nam đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.
Đặc biệt, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, với việc tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động (thu nhập bình quân) tăng từ 25% năm 2007 lên mức 50% năm 2015. Các chuyên gia lo ngại chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu tiếp tục kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đọc thêm tại đây.
|