Thứ Sáu, 22/09/2017 21:10

Tăng trưởng GDP ba quí dự báo trên 6%

“Các chỉ số sản xuất nông nghiệp và công nghiệp trong tháng 8-2017 khá tích cực và chúng tôi tin tăng trưởng GDP quí 3 và chín tháng đầu năm sẽ ở mức trên 6%” - ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Trưởng bộ phận nghiên cứu - phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận xét.

Ông Linh cho rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay 6,7% bằng mọi giá là không cần thiết và chính sách điều hành nên tập trung vào hướng kích cung thay vì các giải pháp kích cầu mang tính ngắn hạn đồng thời chứa đựng rủi ro.

Hai vấn đề vĩ mô nổi lên hiện nay được không chỉ giới nghiên cứu mà cả giới đầu tư quan tâm, nhất là biến động của lạm phát và tăng trưởng tín dụng. Chỉ số CPI tháng 8 vừa qua đã bất ngờ tăng 0,92% so với tháng trước đó và đây là mức tăng cao nhất trong gần bốn năm qua. Sự cộng hưởng tăng giá của nhiều mặt hàng như thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí đã đẩy CPI gần chạm mức 1%/tháng.

Dự báo CPI tháng 9 có thể vẫn tiếp tục tăng do giá xăng đã tăng hai lần. Giá dịch vụ y tế và giáo dục của nhiều địa phương cũng được điều chỉnh trong tháng này. Hơn nữa giá thịt heo cũng nhích lên do nhu cầu từ Trung Quốc.

Nếu nhìn về 12 tháng trước mắt, nhiều khả năng lạm phát sẽ thử thách mức 4-5% bất chấp năm nay CPI sẽ đứng ở mức dưới 4%. Ngoài những yếu tố liên quan đến lạm phát kể trên, có thể thấy những cuộc khủng hoảng về giá lương thực thực phẩm như giải cứu heo, dưa hấu, các loại cây trồng khác sẽ khó lặp lại.

Yếu tố tác động tới lạm phát không thể bỏ qua là tăng trưởng tín dụng. Nới lỏng tín dụng quá mức có thể dẫn tới bất ổn vĩ mô nếu không kiểm soát tốt đường đi của đồng vốn giải ngân. Tín dụng tăng trưởng cao là con đường ngắn nhất đưa đến khủng hoảng tài chính và kinh tế, điều đã từng xảy ra hai lần trong vòng 10 năm trở lại đây.

Lĩnh vực được trông chờ hỗ trợ cho GDP chính là xuất khẩu khi giải ngân đầu tư công chậm chạp và giới ngân hàng trong tình trạng lo ngại về nợ xấu bùng phát một khi nhiều tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng hạn mức tín dụng năm nay lên trên 20%. Tái cơ cấu mạnh nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng do nông nghiệp đứng thứ hai trong cơ cấu GDP, chỉ sau công nghiệp chế tạo chế biến. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đã bắt đầu le lói hy vọng khi kim ngạch xuất khẩu rau quả lần đầu tiên cán mốc 2,35 tỉ đô la Mỹ chỉ trong tám tháng đầu năm. Trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè... chưa có đột phá, thì xuất khẩu rau quả là một sự gợi mở cho thành công nếu chúng ta làm tốt công tác thị trường.

Không nhiều các doanh nghiệp nông nghiệp có mặt trên sàn. Bên cạnh những công ty mía đường, các đơn vị trồng, khai thác, xuất khẩu cao su thiên nhiên mà cổ đông chi phối vẫn là Nhà nước thông qua Tổng công ty Cao su, các cổ phiếu có liên quan đến nông nghiệp chỉ có APC (Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú); PAN (Tập đoàn cổ phần Pan); LTG (Tập đoàn Lộc Trời); HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai); HAI (Công ty cổ phần Nông dược HAI); NAF (Công ty cổ phần Nafoods)... APC là cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu nông nghiệp trong ba tháng qua, từ 25.000 đồng lên 42.600 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả lợi nhuận sau thuế bán niên khả quan hơn hẳn cùng kỳ. Là một trong số ít công ty chiếu xạ trái cây phục vụ xuất khẩu, APC đang có triển vọng sáng khi xuất khẩu trái cây sẽ còn gia tăng tới đây.

Thị giá của NAF xoay quanh vùng giá 25.000-26.000 đồng tương đối lâu khi xuất khẩu chanh dây, sản phẩm chủ lực của Nafoods, đang không thuận lợi do giá giảm so với trước đây. LTG có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các loại gạo dành cho thị trường nội địa. HNG bị “sa lầy” trong trồng cao su và đã chuyển sang trồng cây ăn trái nhằm tạo dòng tiền ngắn hạn. PAN là cổ phiếu ổn định xét về thị giá (dao động quanh mức 35.000-40.000 đồng cả năm nay). Tuy vậy thanh khoản của PAN kém do lượng cổ phiếu cô đặc.

Trào lưu đầu tư vào nông nghiệp được khởi xướng từ mấy năm trước và hiện vẫn thu hút dòng vốn của doanh nhân trong nước. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoặc còn quá mới, hoặc không có ý định lên sàn do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên được vay vốn ưu đãi, nhưng tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ ở mức 2%/năm. Vốn không phải là nút thắt. Rủi ro về thị trường tiêu thụ, về giá cả do phụ thuộc vào giá thế giới là đáng kể. Đầu tư cho khâu chế biến để nâng giá trị xuất khẩu vẫn là điểm yếu của nông nghiệp Việt.

http://www.thesaigontimes.vn/164827/Tang-truong-GDP-ba-qui-du-bao-tren-6.html

Các tin tức khác

>   Ngân sách lo trả nợ, tăng trưởng kinh tế gặp khó (22/09/2017)

>   Tính đến 15/9, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 289 tỷ, tăng 21.4% (22/09/2017)

>   Nợ công Việt Nam hơn 2 triệu tỉ đồng, chiếm 61% GDP (22/09/2017)

>   Vì sao Việt Nam thu hút nhà đầu tư giá lên từ thị trường mới nổi? (19/09/2017)

>   4 Nghị quyết của Chính phủ và cuộc chiến chờ các Bộ trưởng (18/09/2017)

>   Chính phủ nêu ưu điểm ba bộ cùng quản nợ công (14/09/2017)

>   Canh chừng ODA sắp vượt trần (13/09/2017)

>   Đầu mối quản nợ công: “Tôi không đồng ý với giải trình của Chính phủ” (12/09/2017)

>   HSBC: Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng tín dụng 2017 lên 21% (12/09/2017)

>   Không nên “gì cũng có” ở đặc khu Bắc Vân Phong (11/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật