Vì sao Việt Nam thu hút nhà đầu tư giá lên từ thị trường mới nổi?
Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm nóng trong khu vực châu Á với 8 tháng hút ròng nước ngoài liên tiếp. Nhờ đâu?
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng với hơn 6%/năm kể từ năm 2000.
* TTCK Việt Nam trở thành điểm nóng nhất ở châu Á trong năm 2017
Theo MarketWatch, nhà đầu tư cảm thấy phấn khích về triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn và đưa ra một số yếu tố như lực lượng lao động được giáo dục bài bản cũng như mức độ mở cửa cao đối với khoản đầu tư nước ngoài để tỏ ra lạc quan về thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích tại Pavilion cho biết, trong lúc tỷ lệ nợ/GDP cao (ở mức 62%) và tình trạng thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai khiến một số nhà đầu tư do dự, thì chi phí lao động thấp và lực lượng lao động chuyên môn cao đã giúp Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng Đông Nam Á.
Kết quả là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác thương mại lớn nhất như Nhật Bản và Hàn Quốc tăng rất mạnh trong vài năm trở lại đây. Thật vậy, Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc hiện đang là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% hàng hóa xuất khẩu trong năm 2016, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.
Trong một báo cáo vào cuối tháng 8/2017, các nhà phân tích này cho hay, sự gia tăng về FDI cũng góp phần giải thích tại sao các chỉ báo tăng trưởng ở Việt Nam lại vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác có mức độ cạnh tranh tương tự như Indonesia và Malaysia.
Hơn nữa, dòng vốn FDI mạnh hơn cũng dẫn tới nhiều nhà máy đang được xây dựng, qua đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 21.2% trong năm 2017, nhưng vẫn thấp hơn mức leo dốc gần 28% của chỉ số MSCI Emerging Markets. Trong ngày thứ Hai, giá chứng chỉ quỹ iShares MSCI Emerging Markets ETF cũng lên mức cao nhất trong 6 năm.
Các chuyên gia phân tích tại Pavilion cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam là cách tốt nhất để thúc đẩy câu chuyện tăng trưởng nước này, đồng thời lưu ý thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thành quả vượt trội hơn các quốc gia trong khu vực và các nền kinh tế khác cũng theo định hướng xuất khẩu cho đến năm 2016.
Họ cũng nhấn mạnh, chỉ số MSCI Vietnam Index bao gồm chủ yếu là các cổ phiếu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (55%), bất động sản (19%) và tài chính (9%).
“Kết quả là chỉ số MSCI Vietnam Index phụ thuộc vào tăng trưởng trong nước và trong khu vực nhiều hơn là giá hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là khi so sánh với hầu hết chỉ số cận biên khác”, họ cho biết./.
|