Chuyển động dòng tiền tuần 11-15/09:
Tiền trôi theo dòng sự kiện của quỹ ETF
Xuôi theo dòng sự kiện review của hai quỹ ETF, cầu mua vào có phần sôi động hơn giúp thị trường cải thiện đôi chút và dòng tiền trong tuần 11-15/09 đã có sự ưu ái không nhỏ dành cho PLX và một số cổ phiếu cơ bản.
Sau khi chinh phục thành công mốc 800 ở cuối tuần trước, tuy có vài phiên chỉ số điều chỉnh nhẹ về dưới ngưỡng tâm lý 800 nhưng chung quy lại thì VN-Index vẫn tăng 0.58% và hiện dừng tại 805.82 điểm. HNX-Index cũng nhích nhẹ 0.55% từ 103.92 (phiên ngày 08/09) lên 104.49 điểm.
Lực tăng điểm của thị trường có thể lý giải là nhờ lực cầu ổn định trong thời điểm các quỹ ETF thực hiện việc mua bán để tái cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, thanh khoản trên cả hai sàn lại diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 138.8 triệu cp/phiên giảm nhẹ 1.33% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 44.89 triệu cp/phiên tăng trưởng 21.09%.
Trên sàn HOSE, số mã tăng và giảm tương đối cân đối với 69 cổ phiếu có khối lượng giao dịch trung bình tăng và 62 mã giảm. Trong đó, có đến 11 “chiến mã” có lực hút dòng tiền trên tốt, thanh khoản tăng hơn 100%, thậm chí hơn 200% như TTF.
Không quá lạ khi PLX là á quân tăng trưởng dòng tiền trong tuần qua, khối lượng giao dịch trung bình từ khoảng 580,000 cp/phiên của tuần trước tăng lên hơn 1.6 triệu cp/phiên. Cổ phiếu này đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp, tăng hơn 2.5% trước khi điều chỉnh trong hai phiên cuối tuần – thời điểm trước và ngày cuối cùng trong đợt review của rổ tính FTSE Vietnam Index. Trong tuần qua, khối ngoại đã thực hiện mua ròng hơn 2 triệu cp PLX, tương đương 145 tỷ đồng.
Tiếp tục với câu chuyện đảo danh mục VNM ETF, cổ phiếu HBC được gọi tên vào danh mục MVIS Vietnam Index (chỉ số tham chiếu cho VanEck Vectors Vietnam ETF) tỷ trọng 1.53%. Tuy thanh khoản không tăng mạnh như PLX, chỉ 49%, nhưng lực tăng giá HBC đã ghi nhận tăng gần 5.6%. Chính lực cầu mua vào đã giúp HBC trong tuần vừa qua đánh dấu lần đầu tiên cán mốc 60,000 đồng từ khi niêm yết đến nay và chạm mức giá kỷ lục 61,200 đồng/cp (phiên ngày 13/09).
Ngược lại, dòng tiền đã giảm ở mã FLC – cổ phiếu bị bán toàn bộ 1.42% tỷ trọng ra khỏi danh mục MVIS Vietnam Index. Thanh khoản ghi nhận giảm 14% từ 15 triệu cp/phiên còn khoảng 13 triệu cp/phiên, tuy vậy giá của cổ phiếu này trên thị trường vẫn ghi nhận tăng điểm nhẹ.
Nhắc đến FLC thời gian gần đây là những đợt sóng trồi sụt liên tục. Bên cạnh vài lần vung tiền gom lớn chính cổ phiếu FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, thì cái tên FLC còn khiến nhà đầu tư quan tâm bởi những giao dịch nâng sở hữu tại HAI, mới đây nhất là mua 5 triệu cp, tỷ lệ nắm giữ tăng lên hơn 17%. Hay những thương vụ thoái gom của ông Quyết và cấp phó tại ART cũng hút sự quan tâm không nhỏ của nhà đầu tư. Dù chỉ mới lên sàn UPCoM ngày 02/08, nhưng tân binh này đã được thúc đẩy từ vùng giá khoảng 7,000 đồng/cp tăng mạnh lên hơn 35,000 đồng/cp và cũng nhanh chóng rơi về 23,000 đồng/cp (phiên ngày 15/09).
FPT trong tuần qua tiếp tục làm nóng sàn khi công bố thông tin sẽ giảm sở hữu FPT Trading về dưới 50% vốn. Cụ thể, FPT sẽ thực hiện chuyển nhượng 47% vốn cho nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex). Được biết, với thương vụ thoái vốn này khả năng FPT nhận được 932 tỷ đồng (gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading). Trước đó không lâu, FPT cũng mới hoàn tất chuyển nhượng 30% vốn (6 triệu cp) tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital. Khả năng cũng vì thông tin thoái vốn mà giao lượng giao dịch trung bình tại đây bỗng từ 437,000 cp/phiên ở tuần trước tăng lên hơn 1 triệu cp/phiên, tăng 142%.
Nhà băng VCB trong tháng 10 tới sẽ thực hiện chi 2,900 tỷ đồng để trả cổ tức 2016 tỷ lệ 8%, với ngày GDKHQ được công bố là 28/09, dòng tiền tại cổ phiếu này cũng có sự biến chuyển tăng gần 120% lên khoảng 1.8 triệu cp/phiên.
Tuần qua, cổ phiếu CCL ghi nhận giảm thanh khoản gần 67% từ 1.5 triệu cp/phiên còn khoảng 500,000 cp/phiên. Diễn biến mới nhất của cổ phiếu này là tuần qua Công ty này sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường 2017 nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, hiện phương án phát hành cụ thể vẫn còn là ẩn số. Trong tuần giao dịch trước đó, CCL phải đối diện một loạt 7 giao dịch của các cổ đông lớn đã tháo chạy một phần vốn nhằm giảm sở hữu về dưới 5%.
Trên sân chơi HNX, có đến 7 cổ phiếu có thanh khoản tăng hơn 100%, trong đó có 3 cái tên bay cao hơn 200% là TNG, KLF và C69. Đáng nói là, cổ phiếu đầu cơ KLF tuần qua ghi nhận khối lượng giao dịch trung bình tăng mạnh từ 2.6 triệu cp/phiên lên gần 9.5 triệu cp/phiên, gấp 3.6 lần. Trong 3 phiên đầu tuần, lượng khớp lệnh chỉ khoảng 1-2 triệu cp, tuy nhiên trong phiên ngày 13 và 14/09 thì bất ngờ con số khớp lệnh bùng phát lên hơn 20 triệu cp trong khi KLF không ghi nhận một thông tin mới nào gần đây. Theo đó, thì giá cũng diễn biến đứng giá trong 3 phiên đầu tuần, tăng ở phiên ngày 13/09 và kịch trần lên 4,000 đồng/cp trong phiên cuối tuần ngày 14/09.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
|
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|
|