Ngành ô tô Nhật rúng động vì vụ bê bối của hãng thép Kobe
Sau khi hãng thép lớn thứ ba Nhật Bản Kobe thừa nhận làm giả thông số về độ cứng và độ bền ở một số sản phẩm nhôm và đồng, hàng loạt hãng xe Nhật gồm Toyota, Nissan, Honda, Madza, Mitshubishi, Subaru, Suzuki cho biết sẽ gấp rút điều tra xem các dòng xe của họ có bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm kém chất lượng này hay không.
Ông Hiroya Kawasaki, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kobe, cúi đầu xin lỗi khi trả lời với báo chí hôm 12-10 ở Tokyo. Ảnh: Reuters
|
Theo BBC, vụ bê bối của hãng thép Kobe bắt đầu vào hôm 8-10 khi công ty này tiết lộ một số sản phẩm nhôm và đồng giao từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2017 bị ghi giả thông số về độ bền chắc để đáp ứng các đòi hỏi của khách hàng. Kobe cũng thừa nhận việc giả mạo thông số này có thể bắt đầu từ cách đây một thập kỷ. Kobe cho biết vụ bê bối này có thể ảnh hưởng đến 200 khách hàng của Kobe, bao gồm hàng loạt hãng xe Nhật và hai hãng xe Mỹ Ford và General Motors cũng như hãng máy bay Boeing.
Các hãng xe Toyota, Nissan, Honda, Mazda, Subaru đều xác nhận họ có sử dụng nhôm của Kobe để sản xuất cửa xe hoặc nắp capo xe.
Toyota cho biết đang nhanh chóng xác định liệu có bất kỳ dòng xe nào của hãng có thể bị ảnh hưởng hay không.
Thông báo của Nissan khẳng định: “Chúng tôi đang gấp rút thẩm định xem có bất kỳ tác động tiềm tàng nào đến chức năng của xe chúng tôi hay không”.
Honda cho biết đang điều tra các sản phẩm sau thông báo của Kobe... Tuy vậy, Honda cho rằng các sản phẩm của hãng chỉ sử dụng nhôm đã vượt qua khâu thẩm định nội bộ.
Hai hãng xe Mỹ, Ford và General Motors cũng đang điều tra tác động của vụ bê bối.
Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản cho biết có sử dụng một số linh kiện từ Kobe để sản xuất các tàu cao tốc nhưng không khẳng định không có vấn đề nào về an toàn.
Tập đoàn Hitachi thừa nhận có sử dụng linh kiện của Kobe để sản xuất tàu lửa cho thị trường Anh. Người phát ngôn của Hitachi khẳng định các sản phẩm của Kobe đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn dù không đúng với các thông số đã thỏa thuận với Hitachi.
Trong lúc đó, hãng máy bay Boeing cũng nói đang kiểm tra các sản phẩm của Kobe nhưng cho biết không có vấn đề an toàn nào trong các kiểm tra của hãng này cho đến nay.
Kể từ khi vụ bê bối nổ ra, giá cổ phiếu của Kobe trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đã giảm gần 40%, làm bốc hơi 1,5 tỉ đô la Mỹ vốn hóa thị trường của Kobe.
Kobe đã thành lập một ủy ban do ông Hiroya Kawasaki, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kobe đứng đầu, để điều tra các vấn đề chất lượng sản phẩm. Trả lời báo chí hôm 12-10, ông Kawasaki cảnh báo số các sản phẩm bị ảnh hưởng có thể gia tăng khi Kobe tiếp tục điều tra nội bộ. Ông cam kết sẽ đưa ra lời giải thích về việc giả thông số sản phẩm trong vòng một tháng.
Ông nói: “Tôi vô cùng xin lỗi. Niềm tin đối với công ty chúng tôi đã giảm xuống con số 0. Chúng tôi sẽ cố gắng để lấy lại niềm tin càng sớm càng tốt”.
Chánh Tài
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|