Giá cao su giảm liệu có đủ sức giúp cổ phiếu CSM trở lại đường đua?
Sau khi chạm đỉnh vào giữa tháng 6/2016, cổ phiếu CSM của Công ty Casumina liên tục suy giảm và hiện giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong 4 năm qua. Điều mà giới đầu tư đang mong đợi nhất có lẽ là CSM sớm trở lại đà tăng khi mà giá cao su - một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh - đang trên đà sụt giảm.
Cổ phiếu CSM đã hồi sinh một cách mạnh mẽ sau cú rơi kinh điển vào cuối năm 2011 (ngày 7/12/2011 chạm mức thấp lịch sử 2,901 đồng/cp). Đà hồi phục đó khởi nguồn khá lớn từ kết quả kinh doanh tăng trưởng trở lại trước đà rớt giá không phanh của cao su trên thị trường.
Đỉnh điểm con sóng hồi phục của cổ phiếu CSM là vào cuối năm 2014 và tháng 6/2016, thời điểm mà giá cao su trên thị trường thế giới lùi về mức đáy 146.6 JPY/kg. Cổ phiếu CSM tại ngày 30/06/2016 đã chạm mức cao nhất trong hơn 5 năm qua, tại gần 25,000 đồng/cp (tính theo giá đã điều chỉnh).
Tuy nhiên, cũng từ mức đỉnh này, CSM sau đó đã sụt giảm đáng kể trở lại. Đến hết phiên 17/10/2017, cổ phiếu CSM bay hơi hơn 40% giá trị, giao dịch tại 14,010 đồng/cp, đây cũng là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu CSM trong hơn 4 năm qua, kể từ tháng 5/2013.
Giá cổ phiếu CSM trong 5 năm qua
CSM được đánh giá là doanh nghiệp săm lốp đầu ngành, song kết quả kinh doanh của đơn vị này lại chịu ảnh hưởng lớn trước biến động giá cao su trên thị trường. Nguyên nhân là bởi trong cơ cấu chi phí của CSM, nguyên vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 72% trong tổng chi phí. Trong đó, nguyên vật liệu quan trọng nhất là cao su (cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp). Do vậy, hiệu quả hoạt động của Công ty chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến động giá cao su trên thị trường.
Vào năm 2011, lợi nhuận CSM chỉ đạt hơn 39 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân khiến lợi nhuận CSM lao dốc không gì khác chính là do giá cao su thiên nhiên trên thị trường chạm mốc 526.4 JPY/kg, mức cao nhất trong lịch sử diễn biến giá cao su từ trước đó. Và trước kết quả lợi nhuận như vậy, điều tất yếu cũng đã đến, giá cổ phiếu CSM về mức thấp kỷ lục 2,901 đồng/cp như đã đề cập ở trên.
Giai đoạn 2012-2015, nhờ giá cao su liên tục suy giảm và duy trì ở mức thấp đã mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc cho CSM với doanh thu hàng năm trên 3,000 tỷ đồng và lãi ròng thấp nhất cũng hơn 253 tỷ đồng.
Năm 2016, khi giá cao su hồi phục, đi kèm đó những khó khăn chung của ngành sản xuất săm lốp trong nước, kết quả kinh doanh của CSM không có nhiều đột biến. Sản lượng tiêu thụ của hai dòng sản phẩm chính là săm lốp xe máy và săm lốp ô tô đạt kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, do áp lực cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc trong phân khúc lốp ô tô khiến Công ty phải giảm giá bán sản phẩm, cùng với việc không còn ghi nhận khoản doanh thu chuyển nhượng dự án bất động sản nên doanh thu và lợi nhuận năm 2016 giảm 10% so với năm 2015.
Kết quả kinh doanh CSM từ năm 2009 đến nay
Giá cao su giảm thắp lại tia hy vọng nhưng kế hoạch 2017 vẫn sẽ khó thực hiện?
Như đã thấy, biến động tăng giảm giá cao su có tác động đáng kể lên kết quả kinh doanh của CSM. Trong năm 2017, mặc dù dự báo được diễn biến khó kiểm soát đối với giá nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp săm lốp nhưng CSM vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng nhẹ 3%, với 3,304 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 340 tỷ đồng.
Kết quả là, sau 6 tháng đầu năm, CSM thực hiện được 52% chỉ tiêu doanh thu nhưng lãi trước thuế chỉ mới hoàn thành 17% kế hoạch năm. Theo giải trình của CSM, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng là nhờ Công ty tăng giá bán sản phẩm và tăng doanh số, nhưng do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh từ đầu năm nên lãi ròng giảm mạnh.
Với kết quả nửa đầu năm 2017 khiêm tốn như vậy, áp lực cho CSM trong những tháng còn lại của năm sẽ là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, CSM đang có một yếu tố hỗ trợ tại thời điểm này. Đó chính là giá cao su giảm khá mạnh, hiện giao dịch tại vùng giá thấp hơn nếu so sánh với mức trung bình năm 2016. Và nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài cho đến hết năm 2017 thì biên lợi nhuận của CSM sẽ cải thiện đáng kể, mở ra tia hy vọng cho kết quả kinh doanh của Công ty, từ đó tạo động lực để giúp cổ phiếu CSM sớm tăng trở lại.
Diễn biến giá cao su từ đầu năm 2016 đến nay
Ở khía cạnh khác, theo đánh giá của CTCK FPT (FTS), CSM có thể hoàn thành được kế hoạch doanh thu 2017 nhưng kế hoạch lãi trước thuế 340 tỷ của CSM là quá cao và khó thực hiện, nhất là bên cạnh cao su, giá than đen (một nguyên liệu chiếm 11% trong chi phí đầu vào) cũng đang tăng giá và ở mức khá cao, đạt 97 USD/MT.
Diễn biến giá than từ năm 2015 đến nay
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 hồi tháng 4, Ban lãnh đạo CSM cũng đã chia sẻ về vấn đề này và cho biết quyết tâm đạt được mức lãi trước thuế khả thi hơn cho cả năm 2017 là 260 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2016.
Thiên Mục
FiLi
|