Ả-rập Xê-út và Nga mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác chiến lược
Các nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới là Nga và Ả-rập Xê-út đã tuyên bố thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD để đầu tư vào các dự án năng lượng, qua đó mở ra một chương mới về mối quan hệ đối tác kinh tế-chính trị giữa 2 quốc gia này, CNBC cho hay.
Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, cho biết thỏa thuận mới nhất sẽ giúp Nga và Ả-rập Xê-út tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu, khí gas, điện và các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Ba, Helima Croft, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết thỏa thuận 1 tỷ USD chỉ mới là “bề nổi của tảng băng” và bà kỳ vọng Nga và Ả-rập Xê-út sẽ tăng cường hợp tác và liên doanh trong lĩnh vực dầu, năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư công.
“Những gì đang diễn ra giữa Nga và Ả-rập Xê-út quả là đáng chú ý. Còn nhớ, trong năm 2015, Nga cho biết không có ý định hợp tác với Ả-rập Xê-út, nhưng giờ mọi thứ đã khác… Chỉ cần xem xét lại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 5/2017, và các nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, và người đồng cấp ở Nga là Alexander Novak – việc này cũng giống như là đang theo dõi mối quan hệ khắng khít giữa 2 ông lớn dầu mỏ”, bà Croft cho biết.
Các nhà lãnh đạo của ngành dầu và các bộ trưởng năng lượng các nước sẽ tụ họp ở Nga trong tuần này để chuẩn bị cho cuộc họp giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC. Trong đó, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Không chỉ mang tính xã giao
Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc họp, Vua Salman của Ả-rập Xê-út cũng tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị vua Ả-rập đến viếng thăm Nga.
Bà Croft cho biết: “Việc Vua Salman viếng thăm Nga là sự tiếp nối của một xu hướng mà chúng tôi đã bàn luận trong báo cáo này. Nga đã chuyển từ ‘không có ý định hợp tác với OPEC trong năm 2015’ sang đóng vai trò đồng Chủ tịch của OPEC”.
“Theo quan điểm của tôi, việc Vua Salman viếng thăm Nga (với tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe ngày càng yếu của ông và kế hoạch trao lại quyền lực cho Thái tử Mohammad bin Salman bin Abdulaziz Al Saud) đã thể hiện tầm quan trọng về mối quan hệ đối tác chiến lược này đối với cả 2 bên”, bà cho biết.
Cuộc họp ở Moscow đã trở thành sự kiện “nóng” sau khi Nga và Ả-rập Xê-út – nhà lãnh đạo của OPEC – thành lập quỹ trị giá 1 tỷ USD để đầu tư vào các dự án năng lượng. Theo dự kiến, quỹ đầu tư trên sẽ được hoàn thiện trong tuần này tại Moscow với mục đích tăng cường sự gắn kết giữa hai nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Chris Weafer, đối tác cấp cao tại Macro Advisory Partners, cho biết sự có mặt của Vua Salman tại cuộc họp ở Moscow là cực kỳ quan trọng.
Ông Weafer cho biết Vua Salman không làm điều này vì xã giao. Chuyến viếng thăm của ông tới Moscow đã cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Ả-rập Xê-út đã thay đổi nhiều như thế nào trong vài năm vừa qua.
“Tạo sóng”
Ả-rập Xê-út và Nga đã tạo nên những làn sóng trong năm vừa qua, khi họ đồng ý cắt giảm sản lượng bớt 1.8 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ và ổn định giá dầu. Trong tháng 6/2017, các nhà sản xuất dầu đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến cuối tháng 3/2018.
Dẫu vậy, giá dầu đã không tăng nhiều như kỳ vọng của các thành viên tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khi các nhà khai thác dầu đá phiến đẩy mạnh hoạt động sản xuất, và nhu cầu vẫn chưa thể bắt kịp với nguồn cung.
Ông Novak cho biết hoạt động xuất khẩu dầu cũng là trọng tâm của hội nghị Tuần Năng lượng Nga 2017 (Russia Energy Week 2017) – một sự kiện diễn ra ở Moscow trong ngày 04/10. Theo dự kiến, hơn nửa số thành viên của OPEC cùng với các bộ trưởng năng lượng khác sẽ tham dự cuộc họp này để bàn luận về các đề xuất cho cuộc họp tháng 11/2017.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện kỳ vọng cho rằng các nhà sản xuất sẽ thảo luận về việc gia hạn khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng kết thúc vào cuối tháng 3/2018. Bà Croft tin rằng thỏa thuận này có thể được gia hạn đến tháng 6/2017. Trong khi đó, ông Weafer cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được gia hạn đến tận mùa Thu năm 2018 vì thị trường dầu vẫn chưa ổn định trở lại.
Ông cho biết: “Thị trường dầu vẫn chưa ở điểm an toàn. Sự lạc quan lúc đầu rằng thị trường dầu có thể tiến tới điểm cân bằng vào cuối năm 2017 dần dần biến mất… Vì thế, tôi kỳ vọng các nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Và theo quan điểm của tôi, các nhà sản xuất sẽ tiến tới quyết định này vào cuộc họp tháng 11 của OPEC”.
Miswin Mahesh, Chuyên gia phân tích dầu tại Energy Aspects, cũng cho rằng các ông lớn dầu mỏ có thể tỏ ra cẩn trọng trong việc công bố quyết định gia hạn thỏa thuận.
“Ả-rập Xê-út và Nga đều đóng vai trò quan trọng trong việc tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu, và hiện thỏa thuận này đang góp phần tạo ra một mối quan hệ hợp tác mới giữa 2 ông lớn dầu mỏ này trong lĩnh vực năng lượng, và trong những lĩnh vực rộng hơn (dịch vụ dầu mỏ, hợp tác sản xuất khí gas và các dự án năng lượng tái tạo khác)”, ông chia sẻ./.
|