Nhịp đập Thị trường 11/09: VN-Index đứt mạch 7 phiên tăng liên tiếp
Thị trường đóng cửa với phần lớn các mã chứng khoán đều mang sắc đỏ. VN-Index lùi 3.73 điểm, đứng ở 797.47 điểm. HNX-Index giảm mạnh 0.99%, dừng ở mức 102.89 điểm. Phiên giảm điểm hôm nay cũng khiến VN-Index đứt chuỗi tăng điểm qua 7 phiên liên tiếp.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 175 triệu đơn vị, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 3,744 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Nguyên nhân cho phiên điều chỉnh của VN-Index đến từ áp lực điều chỉnh của các mã Large Cap như GAS, VIC, VPB, VNM, HPG, CTG, MBB, BID… Bên cạnh đó, việc VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 805-810 điểm cũng tác động không nhỏ đến tâm lý giới đầu tư trên thị trường.
Về nhóm ngành, chỉ có 5/20 nhóm ngành tăng điểm. Nhóm bảo hiểm tăng 0.97%, chủ yếu nhờ đóng góp từ “ông lớn” BVH. Nhóm SX thiết bị máy móc tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 2.72%, với động lực chủ đạo từ phiên bứt phá của QHD, CTB…
Khối ngoài mua ròng hơn 58 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng hơn 8.8 tỷ đồng trên HNX. MSN, VNM, SSI, VIC… là những cổ phiếu được mua vào nhiều nhất trong phiên hôm nay.
13h45: VN-Index rớt mốc 800 điểm
Áp lực bán nhanh chóng gia tăng ngay từ đầu phiên chiếu với tâm điểm là nhóm Large Cap và kéo VN-Index nhanh chóng rớt khỏi mốc 800 điểm.
Sức ép từ bên bán đang gia tăng nhanh chóng trên thị trường. Gần như toàn bộ các cổ phiếu Large Cap đang ghi nhận sự thoái lui nhanh chóng so với thời điểm cuối phiên sáng. Cụ thể, VIC, GAS, VPB, HPG, VNM, CTG, ,BID… nhanh chóng nới rộng đà giảm và kéo VN-Index giảm hơn 3 điểm. Top 3 mã trụ mạnh nhất thị trường cũng chứng kiến MSN và VCB bị ép rất mạnh và có nguy cơ rơi về tham chiếu.
Đi ngược lại với xu hướng chung chỉ có SAB vẫn đang được đánh lên với hy vọng tạo được “hiệu ứng tâm lý” cho thị trường. Sau 30ph đầu phiên chiều, cổ phiếu này đã cộng thêm cho VN-Index hơn 0.5 điểm và góp phần hạn chế cường độ điều chỉnh lên các chỉ số.
Sức ép gia tăng từ bên bán là điều có thể dự tính được khi thị trường liên tục phát ra những tín hiệu đáng lo ngại. VN-Index tiệm cận vùng kháng cự dài hạn, độ rộng toàn thị trường rất hẹp và nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang chịu lực cung treo lại các mốc kháng cự tương ứng. Chỉ số tăng nhưng tài khoản của giới đầu tư chưa có sự tăng trưởng lợi nhuận xứng đáng. Thị trường không thể chỉ dựa vào nỗ lực của vài ba mã trụ đơn lẻ.
Trước nhịp rơi của VN30-Index, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index đều quay trở lại với xu hướng giảm giá. Chỉ còn VN30F1709 ghi nhận mức tăng mong manh 0.6 điểm trong khi các kỳ hạn dài hơn đều bị short rất mạnh. Riêng VN30F1709 dù đang có nhịp hồi nhẹ trở lại nhưng nhiều khả năng hợp đồng này sẽ gặp khó khăn trước vùng 776-777 điểm – tương ứng trendlline xác lập xu hướng giảm intraday. Tính tới 13h38, VN-Index giảm 1.55 điểm so với tham chiếu dừng tại mức 799.65 điểm, trong khi HNX-Index giảm 0.67% giao dịch tại 103.22 điểm.
Phiên sáng: Rung lắc mạnh khi tiệm cận vùng kháng cự 805-810
Dù vẫn được hỗ trợ mạnh từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt nhưng nhịp tăng của VN-Index đã chững lại rõ rệt khi chỉ số này hướng đến vùng kháng cự 805-810 điểm (cận trên của kênh giá dài hạn).
Kết phiên sáng, cả hai chỉ số vẫn đang giữ được sắc xanh với VN-Index tạm dừng tại 802.14 điểm tăng 0.12%; HNX-Index dừng tại mức 103.51 điểm giảm 0.39%.
Đà tăng của VN-Index về cuối phiên vẫn đến từ 3 đại diện quen thuộc là VCB, SAB, MSN… với mức tăng khá trong khi BVH, VJC, MWG, ROS… cũng có sắc xanh tích cực.
Tuy vậy, động lực gia tăng dẫn dắt vẫn chưa có khi VCB, GAS, MSN đều chưa thể gia tăng thêm bước giá nào mà lại thoái lùi với gia tốc khá nhanh so với thời điểm giữa phiên. Dòng tiền chủ yếu chỉ còn đóng vai trò luân chuyển và cố gắng giữ nhịp ở các cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, độ rộng ngày càng thu hẹp của thị trường cũng là một nhân tố khiến VN-Index tăng điểm khá vất vả. Tính đến kết phiên sáng đã có đến 250 mã giảm/139 mã tăng. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng, thể hiện qua thanh khoản chỉ đạt mức trung bình với hơn 1,860 tỷ đồng khớp lệnh, tương ứng hơn 84 triệu cp khớp lệnh.
Trên HNX, hoạt động đổi trụ cũng đã xuất hiện khi ACB nhanh chóng bị ép mạnh và hiện đang giảm hơn 0.71%. Đóng vai trò trụ đỡ chính đang thuộc về VCS với mức đóng góp gần 0.4 điểm, vượt trội hoàn toàn so với cổ phiếu hỗ trợ mạnh thứ 2 là SEB với chỉ 0.11 điểm đóng góp cho HNX-Index.
Khối ngoại mua ròng hơn 28.8 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng hơn 2 tỷ đồng trên HNX. MSN, VNM, SBT, MBB, PLX, VGC… là những cổ phiếu được mua vào nhiều nhất trong phiên sáng nay.
10h45: Trụ luân phiên “đỡ” chỉ số
Dòng tiền đang luân chuyển sôi động ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt và giúp đà tăng được duy trì vững vàng trên các chỉ số thị trường.
Nếu 30 phút đầu là “màn trình diễn” của VCB thì hiện tại MSN đã vươn lên để trở thành trụ đỡ mạnh nhất của thị trường. MSN đang kéo VN-Index tăng gần 1.4 điểm và có lúc chạm đến mức giá trần. Đây đã là phiên giao dịch thứ 2 liên tiếp MSN vươn đến mức giá trần trong phiên, trường hợp khá hiếm trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu này. Xét trên tổng thể, chỉ riêng MSN, VCB và SAB đã đóng góp gần 3 điểm cho thị trường.
Trái với đà tăng không ngừng của chỉ số, độ rộng thị trường đang ngày càng co hẹp lại. Cụ thể, độ rộng sàn HOSE có đến 139 mã giảm/ 87 mã tăng. Rổ VN30 có phần khởi sắc hơn với 16 mã tăng/ 12 mã giảm. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn chiếm ưu thế qua các phiên bất chấp VN-Index đang nối dài chuỗi tăng điểm qua 8 phiên liên tiếp.
Dù VCB tăng giá khá tốt nhưng hiệu ứng lan tỏa ở nhóm ngân hàng lại không được như kỳ vọng. CTG, BID, STB… vẫn đang giằng co quanh tham chiếu với thanh khoản thấp. Riêng đà tăng của VCB cũng đã là điều khá bất ngờ cho đến hiện tại. Thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu này tính đến hiện tại có lẽ đến từ việc Vietcombank sắp chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8% cho cổ đông.
Về dao động giá kỹ thuật, VCB đang vượt lên trendline giảm ngắn hạn (hình thành kể từ đầu tháng 06/2017 và đã được retest hơn 3 lần trong thời gian qua). Tuy vậy, vẫn cần lưu ý khi dao động intraday cho thấy các lệnh bán treo tại vùng kháng cự này (38,300-38,800) đang tập trung khá dày, chiếm hơn 48% tổng khớp lệnh của VCB tính đến hiện tại. Tốc độ khớp lệnh cũng diễn ra chậm lại rõ rệt ngay sau đó.
Về thị trường phái sinh, hoạt động chốt lời đang gia tăng ở VN30F1709 quanh vùng 779-779.6 khi các lệnh short với lô lớn chủ yếu xuất hiện quanh vùng giá này. Phân kỳ giá xuống cũng xuất hiện cho thấy vùng giá này đang tạm thời đóng vai trò kháng cự trong phiên của hợp đồng kỳ hạn tháng 09/2017.
Tính tới 10h42, VN-Index tăng 3.24 điểm so với tham chiếu dừng tại mức 804.44 điểm, trong khi HNX-Index giảm 0.31% giao dịch tại 103.59 điểm.
Mở cửa: Tiếp đà thăng hoa
Thị trường khởi đầu tuần giao dịch khá tích cực khi sắc xanh vẫn đang duy trì nhịp nhàng trên các chỉ số thị trường. Nhóm Large Cap với SAB, VCB, MSN… như thường lệ vẫn đang đóng vai trò trụ đỡ chính
VN-Index nhanh chóng bứt tốc tăng gần 4 điểm chỉ sau 40 phút giao dịch đầu phiên. SAB, VCB, MSN… vẫn là những đại diện nổi bật nhất hiện tại. Chỉ riêng 3 cổ phiếu này đã kéo VN-Index tăng gần 3 điểm.
Sàn HOSE đạt độ rộng khá cân bằng với 92 mã tăng/93 mã giảm. Nhóm cổ phiếu VN30 đạt 14 mã tăng/11 mã giảm. Đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất đến hiện tại khi thị trường vẫn chưa thể đạt độ rộng tốt cần thiết với đà tăng của thị trường.
Trong khi đó, các chỉ số sàn HNX đang giằng co khá mạnh. ACB đang hỗ trợ tích cực nhất cho HNX-Index khi gánh gần như toàn bộ mức tăng của HNX-Index. Độ rộng của sàn HNX khá hẹp với 34 mã tăng/61 mã giảm.
Về thị trường phái sinh hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index, chưa có nhiều điểm chú ý sau 1 tiếng giao dịch đầu tiên. Giá của VN30F1709 vẫn đang bám rất sát với VN30-Index và chưa xuất hiện các dấu hiệu phân kỳ đáng kể nào. Hiện tại, giá hợp đồng này cũng đang tăng 3.6 điểm và dừng tại 778.70 điểm.
Tính tới 9h48, VN-Index tăng 3.5 điểm so với tham chiếu dừng tại mức 804.70 điểm, trong khi HNX-Index giảm nhẹ 0.05% giao dịch tại 103.87 điểm./.
|