Nhịp đập Thị trường 07/09: Lực bán tăng khi VN-Index tiến gần ngưỡng 800
VN-Index đang đà hưng phấn tiến gần đến ngưỡng 800 điểm, vốn được “thiết lập” cách đây gần 10 năm (cuối 2007) thì lực bán ở một số mã vốn hóa lớn tăng lên, khiến chỉ số giảm nhiệt. Đến phiên ATC, chỉ số này cũng hồi phục được một chút nhờ MSN và SAB, và đóng cửa ở mức 796.72 điểm (+0.4%), chỉ còn thiếu 3.28 điểm nữa mà thôi. Cơ hội vẫn còn cho ngày mai.
Có lẽ chịu ảnh hưởng tâm lý từ sàn HOSE, mức độ hung phấn trên sàn HNX cũng giảm nhiệt, thậm chí không gượng lại được khi đến sát lúc đóng cửa. HNX Index đóng cửa ở mức 104.62 điểm (+0.11%). Thậm chí HNX30 Index còn giảm thẳng về đúng mức tham chiếu. UPCoM Index tuy cũng rất sát tham chiếu, nhưng vẫn xanh nhẹ nhờ MSR.
GAS là cổ phiếu chính khiến chỉ số giảm nhiệt trong phiên chiều, tính đến trước thời điểm chuyển từ khớp lệnh liên tục sang ATC, khi cổ phiếu này từng lên đỉnh 76,600 đồng/cp rồi sau đó giảm dần về 66,400 đồng/cp. Tương tự là HPG, MSN và CTG.
Trong đó, MSN đã cán mức đỉnh của năm nay lên 50,000 đồng/cp, cho dù khối ngoại bán ròng hơn 350,000 cp. Tuy nhiên mức giá đỉnh này lại được thiết lập vào phiên ATC, dù ngay trước đó cũng giảm nhiệt về gần 48,500 đồng/cp.
Nhà đầu tư nội đã xả HPG ngay trước phiên ATC khi có thông tin trên mạng về giá thép thế giới hạ nhiệt, làm giá HPG giảm hơn 1.6%. Tuy nhiên khối ngoại đã rải sẵn lệnh mua dưới tham chiếu, nhờ đó họ đã tăng lượng mua và thu hẹp mức độ bán ròng chỉ còn chưa đến 10,000 cp (mức bán ròng phiên sáng khoảng 400,000 cp). Đến phiên ATC, lệnh mua ATC của HPG lại tăng mạnh giúp cổ phiếu hồi giá một chút, chỉ còn giảm 1.4% về 35,500 đồng/cp. Khối ngoại đã quay trở lại thành mua ròng ở cổ phiếu này. Chiều nay quả là một phiên giao dịch thú vị đối với HPG.
Gần giống trường hợp HPG, HSG là cổ phiếu cùng ngành, tuy nhiên diễn biến giá cổ phiếu này lại hơi khác. Khối ngoại là yếu tố chính đè giá cổ phiếu này, khiến có lúc thị giá giảm hơn 3%. Đến phiên ATC, khối lượng đặt bán ATC vẫn cao hơn nhiều khối lượng bên mua. Đóng cửa, khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu cp, khiến giá HSG giảm 2.9% về 28,650 đồng/cp.
Cho dù đã được “giải oan” liên quan đến một số kết luận sai phạm về BOT ở Tp.HCM, cũng như có thông tin Công ty được nghiên cứu lập dự án xây dựng đường tránh trên cao số 1, nhưng cổ phiếu CII hôm nay vẫn có lúc giảm giá hơn 2%. May mắn là đến phiên ATC CII hồi nhẹ, chỉ còn giảm 0.6% về 33,000 đồng/cp.
Nhóm BĐS dân dụng phân hóa khá mạnh hôm nay, nhất là trong phiên chiều khi thông tin về khả năng đánh thuế căn nhà thứ hai được đăng trên nhiều báo và mạng tài chính. Ở phía tăng giá nổi bật nhất là D2D (+5.9%), CCL (+4.2%)…, nhưng ở phía giảm giá cũng có những cái tên nổi bật như KAC (-6.9%), PPI (-5.5%), TDH (-4.6%), IJC (-2.1%).
Trong đó, TDH giảm mạnh về cuối phiên chiều, và đóng cửa ở mức 15,500 đồng/cp (-4.6%), tuy nhiên khối lượng giao dịch tăng vọt lên gần 2 triệu cp, tăng gấp 9-10 lần ngày hôm qua. Còn hơi sớm để nói phiên hôm nay có phải là bắt đáy hay không cổ phiếu này.
KDH vẫn giảm dù công ty công bố thông tin về kế hoạch trả cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu mới. Kể từ tháng 8 đến nay, cổ phiếu này đi ngang trong biên độ rất hẹp, không giống như nhiều mã BĐS dân dụng khác.
Còn QCG đã tăng trần kể từ cuối phiên sáng sau khi được Nhà nước giúp đỡ trong việc giải tỏa mặt bằng cho dự án Phước Kiển, dự án mà Công ty đã nhận trước một khoản đặt cọc lớn, đổi lại là cam kết sẽ hoàn tất giải tỏa mặt bằng trước tháng 10 năm nay. Hiện giá cổ phiếu QCG là 19,900 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngành than hầu như vẫn chưa có phản ứng tích cực trước thông tin về việc TKV thỏa thuận xong với EVN về giá than kể từ ngày 01/09, có lẽ nguyên nhân lớn nhất là chưa ai biết giá than sẽ tăng hay không. Hiện theo TKV, tồn kho trong ngành đang ở mức rất cao, hơn 98 triệu tấn.
Phiên sáng: Gần 10 năm, VN-Index chưa bao giờ có cơ hội cán mốc 800 như bây giờ
VN-Index chỉ còn cách mốc 800 chỉ hơn 3 điểm nữa. Chỉ số này chốt phiên sáng ở mức 796.42 điểm, tăng 0,36%. Các chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng đều tăng. MSN vẫn là trụ đỡ chính cho chỉ số với mức tăng hơn 3% suốt phiên sáng (dù khối ngoại bán ròng hơn 200 ngàn cp). Ngoài ra, GAS, SAB cũng là các trụ khác. Không có tình trạng xanh vỏ đỏ lòng trong sáng nay, cả sàn HOSE có 142 mã tăng giá, so với 105 mã giảm giá. Nhóm VN30 cũng có 16 mã tăng giá và 11 mã giảm giá.
Trên HNX, VGC vẫn tăng gần 6% sau những thời điểm tăng sát trần (+10%). Lượng cổ phiếu trao tay đã đạt gần gấp đôi cả ngày hôm qua.
Nhóm ngân hàng phân hóa vào cuối phiên, sau khi đồng loạt tăng giữa phiên sáng. Các nhóm có diễn biến tích cực khác có thể kể đến như chứng khoán, mía đường, BĐS, thủy điện (trừ TMP giảm bất ngờ 5.6%), cao su lẫn săm lốp, dầu khí (dù cũng có đôi chút phân hóa). Nhóm than và xi măng vẫn chưa cho thấy tín hiệu hồi phục nào rõ ràng. Hai đại gia nhóm sắt thép là HPG và HSG sáng nay giảm nhẹ, có lẽ do yếu tố nước ngoài bán ròng (HSG bị bán ròng đến 650 ngàn cp). HPG sẽ đứt mạch tăng 11 phiên liên tiếp nếu không hồi vào phiên chiều.
Cổ phiếu HND (UPCoM) đã tăng 12.4% lên đúng bằng mệnh giá 10,000 đ/cp sau khi có thông tin SCIC thoái vốn (bán hết 45 triệu cp trên sàn, kể từ ngày mai đến 06/10). Với thanh khoản ít ỏi, nhiều khả năng SCIC sẽ thoái vốn cho số ít NĐT nào đó, và việc giao dịch trên sàn chỉ là 1 hình thức chuyển nhượng.
Hôm qua HSBC Việt Nam đã công bố bản báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam, và đây là tổ chức tư nhân đầu tiên lạc quan dự báo tăng trưởng GDP 2017 đạt 6.8%, cao hơn cả mức mà Chính phủ đang quyết tâm đạt là 6.7%. Điểm sáng của kinh tế Việt Nam được HSBC đánh giá là nhờ vào chi tiêu tiêu dùng và đầu tư với dự báo mức tăng trưởng cao thứ 2 khu vực chỉ xếp sau Philippines.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc thực hiện một số dự án đầu tư BT, BOT tại Bộ Giao thông vận tải, theo đó bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, nổi bật nhất là tổng mức đầu tư đối với 6 dự án, xác định giá trị phê duyệt sai tăng hơn 451.5 tỷ đồng. Chưa rõ những nội dung này có ảnh hưởng trở lại lên nhóm cổ phiếu hạ tầng BOT hay không. Sáng nay CII và HTI giảm giá hơn 1%, CTI giảm 0.3%, HUT đứng giá…
DCM mới thông báo đã hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy định kỳ theo kế hoạch và chính thức quay trở lại hoạt động vượt công suất thiết kế. Tuy nhiên thông tin này chưa tác động lên cổ phiếu sáng nay.
10h30: Đánh võng trong nửa đầu phiên sáng
Sau khi đánh võng trong nửa đầu phiên sáng, thị trường có vẻ đang trở nên ổn định hơn. VN-Index đang được hỗ trợ bởi MSN (tăng hơn 3.1%), SAB (+1.1%), MWG (+1%) và GAS (+1%). Nhóm ngân hàng cũng tạm coi là hỗ trợ cho chỉ số với nhiều cổ phiếu tăng giá dù mức tăng giá nhẹ.
Thất vọng nhất trong nhóm vốn hóa lớn sàn HOSE có lẽ là VNM (-0.7%) sau khi có thông tin giá thoái đợt 2 của SCIC chỉ nhỉnh hơn 1 chút so với giá hiện tại, và PLX không hề tăng giá dù có thông tin chính thức được vào ETF.
HNX-Index dù có vẻ cũng đang chịu ảnh hưởng 1 chút từ chỉ số sàn HOSE, nhưng vẫn được coi là tăng điểm tốt hơn, với sự trợ giúp từ VGC, NTP, PHP… UPCoM-Index đã quay về tham chiếu, có lẽ nhờ MSR đã tăng hơn 10%.
Nhóm ngân hàng đã giao dịch tích cực hơn so với phiên ATO, khi ¾ số cổ phiếu đang tăng giá. Chỉ có EIB và VCB giảm giá nhẹ. Tương tự, nhóm chứng khoán, BĐS dân dụng, cao su và cả dầu khí cũng lan tỏa sắc xanh trên diện rộng.
VGC nổi lên trên sàn UPCoM với lượng giao dịch khủng hôm qua và nhất là sáng nay. Đến 10h15, lượng giao dịch cổ phiếu này đã vượt 1 triệu cp, tăng hơn 30% so với cả ngày hôm qua, và lớn gấp nhiều lần so với những phiên trước đó. Giá cổ phiếu cũng có lúc tiến sát mức trần. Lưu ý ngày 31/08 là ngày cổ phiếu này giao dịch không hưởng cổ tức, nhưng mức cổ tức có lẽ không phải là động lực tăng giá cho VGC.
VIC đang đi ngang quanh mốc 50,000 đồng/cp trong mấy phiên gần đây, dù báo chí tràn ngập thông tin và bình luận về mảng kinh doanh mới: Vinfast. Lưu ý rằng kể từ đầu tuần đến sáng nay, khối ngoại đã chuyển qua bán ròng, ngược với động thái mua ròng liên tục trước đó.
QCG tăng giá hơn 5% có lẽ liên quan đến thông tin về việc chính quyền giúp tập đoàn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Phước Kiển.
Mở cửa: Tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp?
VN-Index mở cửa sáng nay ở mức 793.61 điểm, tăng nhẹ so với hôm qua nhưng vẫn có khả năng còn tăng cao hơn. Đang có ý kiến cho rằng có khả năng chỉ số sẽ cán mốc 800 điểm vào ngày mai, trên cơ sở có nhiều thông tin hỗ trợ, cũng như lực mua ròng của khối ngoại. Các chỉ số phụ sàn HOSE cũng như các chỉ số sàn HNX cũng diễn biến tích cực, duy có UPCoM-Index là giảm nhẹ.
Nhóm cao su tiếp tục tăng giá với kỳ vọng tốt cho quý 3 tới, sau khi chứng kiến giá cao su thế giới đang quay lại mức đỉnh hồi tháng 6 năm nay. So với các tháng trong quý 3 năm ngoái, có thể thấy mức giá hiện tại đang cao hơn khoảng 40%. Tuy nhiên, bất ngờ là nhóm săm lốp sáng nay cũng tăng giá, trong đó DRC tăng 1.5%.
Giá dầu thế giới hôm qua đồng loạt tăng sau khi có thông tin về khả năng 2 đại gia Arab Saudi và Nga sẽ bắt tay cùng kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng qua tháng 3/2018. Hiện tại giá dầu WTI đang quay trở lại sát ngưỡng 50 USD/thùng, còn Brent lên gần 55 USD/thùng. Gần đây diễn biến giá dầu WTI tiêu cực hơn so với dầu Brent, do hậu quả của bão Harvey. Nhóm dầu khí sáng nay chưa có nhiều biến động, ngoại trừ trường hợp PVT giảm bất ngờ 1.3% còn PVD vẫn tăng 1.1% sau khi có thông tin về việc ký kết hợp đồng cho thuê giàn Jackup I.
HPG đang dao động quanh tham chiếu, dù hôm qua tăng mạnh với thông tin tích cực trong hoạt động SXKD 8 tháng đầu năm của doanh nghiệp. Trong nhóm VN30, HPG có thể so sánh với VIC hay ROS về chuỗi phiên tăng giá gần đây.
Nhóm bất động sản (BĐS) có tín hiệu tăng giá khá tích cực. NLG, SJS có lẽ đang có hiện tượng bắt đáy. Tuy nhiên HAR tiếp tục chuỗi ngày giảm giá kéo dài, hiện đã “mất” gần 50% kể từ đỉnh 17,500 đồng/cp trong nửa đầu tháng 8.
UBND TP.HCM đã giao UBND huyện Nhà Bè kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển - Nhà Bè, 1 dự án lớn của QCG. Đây cũng là dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu này trong thời gian cách đây chừng 3 tháng.
Cổ phiếu TDH giảm giá sáng nay 4% có lẽ liên quan đến thông tin lợi nhuận giảm 17% sau khi soát xét BCTC 6 tháng.
Trên sàn UPCoM, ACV bất ngờ giảm gần 3.4%, trong khi MSR tăng gần 5.5%, kéo dài chuỗi tăng giá kể từ đầu tháng 9 đến nay./.
|