Nhà đầu tư chứng khoán cần làm gì khi bị "đâm" sau lưng?
Cuộc sống con người nói chung và đầu tư nói riêng vốn đầy những bất ngờ. Tuy nhiên, không phải bất ngờ nào cũng thú vị. Đôi khi, nhà đầu tư sẽ có cảm giác như mình đang bị thị trường "đâm" sau lưng.
Mua mãi chẳng thấy lên, vừa bán ra thì lại tăng trần
Trường hợp này thì diễn ra như cơm bữa trên thị trường. Sau một thời gian dài ngâm cứu sách vở đầu tư “kinh điển” và học hỏi kiến thức từ các “chuyên gia”, các nhà đầu tư chọn được cho mình những cổ phiếu vừa ý. Nào là P/E hấp dẫn, P/B thấp; nào là dự án nhiều, triển vọng tăng trưởng tốt, ban lãnh đạo tài năng; nào là mẫu hình kỹ thuật lý tưởng, chỉ báo cho mua đồng loạt… Bao nhiêu là “mộng đẹp”, bao nhiêu là lựa chọn đắc ý. Nhưng thực tế nào phải như mơ, cuộc đời nào phải màu hồng!
Có khi mua vào chờ cả 5-6 tháng, thậm chí cả năm chẳng thấy cổ phiếu “con cưng” của mình lên giá. Trong khi mấy con hàng “vớ vẩn” thì suốt ngày tăng trần.
Nhưng dù sao những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu mà không lên thì cũng còn may. Có nhiều người mua vào bị thua lỗ, vừa mới cắt lỗ thì cổ phiếu nó đã tăng trần ngay trong phiên thì chẳng phải là số quá "nhọ" ư? Lúc này thì biết phải kêu ai?
Bực bội cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Uống rượu giải sầu cũng không thay đổi được kết quả. “Thời thế đảo điên” “Vàng thau lẫn lộn” “Đội lái hoành hành, dân lành chịu khổ”… Đôi khi bạn trách móc thị trường, trách móc cả những nhà đầu tư ngoài kia sao cổ phiếu A của mình tốt thế này lại không mua, lại đi mua cổ phiếu B kia chứ?
Thật ra bản thân người viết cũng đã trải qua những vấn đề này rồi. Bạn dự đoán thị trường đi theo hướng này nhưng nó lại đi theo hướng khác khiến cho bạn cảm thấy bực tức và phần nào đó là mất mặt với bạn bè trong mấy room chat trên Skype, Yahoo…
Dự báo sai hay bị "đâm" sau lưng cũng chẳng có gì đáng sợ
Cảm xúc là vô nghĩa, danh dự là phù du, chỉ có lợi nhuận là tuyệt đối. Nếu vẫn muốn lăn lộn kiếm ăn trên thị trường thì cần bôi "thuốc chống nhục" lên người. Dự báo sai cũng được, bị thị trường đâm sau lưng cũng được nhưng rốt cục vẫn phải sống tiếp để kiếm tiền. Dự đoán 10 lần mà sai đến 6-7 lần cũng chẳng sao, miễn là biết sửa sai đúng lúc thì vẫn có thể kiếm lời được.
Trong ví dụ dưới đây của REE và đường SMA 100, nhà đầu tư sẽ hiểu được tại sao lại cứ phải sửa sai liên tục trong quá trình đầu tư.
Nhà đầu tư có thể thấy kể từ tháng 06/2014 đến nay thì SMA 100 cho tín hiệu mua ít nhất 15 lần. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất ở đây là chỉ có duy nhất tín hiệu mua vào vào tháng 11/2016 là đúng thôi, còn lại các tín hiệu kia hầu như đều cho kết quả hòa vốn hoặc bị lỗ(*).
Giả sử trong thời gian tới giá của REE giảm liên tục và cắt xuống dưới SMA 100 ở mức 33,000 đồng/cp (do SMA 100 đang ở vùng 33,000-33,500 đồng/cp) thì lợi nhuận thu được từ phương pháp trading theo SMA 100 trong 12 tháng gần nhất là hơn 60%. Còn nếu tính trong 3 năm gần nhất là hơn 40% (vì phải bù lại thua lỗ của 14 lần cho tín hiệu sai trước kia).
Như vậy, qua ví dụ này có thể thấy sai lầm nhiều chẳng phải là vấn đề gì quá lớn. Cái quan trọng hơn vẫn là nhà đầu tư phải có niềm tin vào phương pháp mình đang sử dụng và kiên trì trong thời gian dài. Phân tích kỹ thuật cũng được, phân tích cơ bản cũng được nhưng phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Đừng cố chống lại đám đông trong ngắn hạn
Cuộc sống con người nói chung và đầu tư nói riêng vốn đầy những bất ngờ. Tuy nhiên, không phải bất ngờ nào cũng thú vị. Đôi khi, nhà đầu tư sẽ có cảm giác như mình đang bị thị trường "đâm" sau lưng.
Đang yên đang lành, đột nhiên Triều Tiên phóng tên lửa ra biển làm thị trường chao đảo. Nhớ lại năm trước thì khi thị trường đang ổn định thì việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) lại gây nên sóng gió.
Khi một tin tức bất ngờ xuất hiện thì nhà đầu tư cần có phản ứng hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn là một nhà đầu tư nhỏ thì chữ “hợp lý” ở đây được hiểu là không nên chống lại đám đông trong ngắn hạn vì hai lý do.
Thứ nhất, có thể nhà đầu tư đó chưa đủ “tầm” để suy nghĩ đủ sâu sắc nhằm chống lại xu hướng hiện hành.
Thứ hai, ngay cả khi nhà đầu tư suy nghĩ thực sự logic và đi trước đám đông thì trong trường hợp đám đông hoảng loạn quá mức hoặc kéo dài lâu hơn dự kiến thì cũng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho tài khoản.
Người viết hi vọng với một vài kinh nghiệm chiến trường nêu trên sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm hơn, bình tĩnh hơn khi phải đối mặt với một thị trường ngày càng bất ổn và nhiều thử thách.
-----------------
(*) Tính toán lời lỗ dựa trên kết quả chênh lệch giữa mức giá cắt lên trên SMA 100 và mức giá rơi xuống dưới SMA 100 sau đó./.
|