Thứ Ba, 15/08/2017 19:55

P&G từng lao đao vì đặt cược vào sản phẩm phái sinh như thế nào?

Một công ty chuyên về xà phòng đang làm gì trong thị trường hoán đổi (swap market) với hàng trăm triệu USD?

Cũng như đa số các tập đoàn đa quốc gia khác, Procter & Gamble (P&G) đã quản trị rủi ro biến động lãi suất trong và ngoài nước qua nhiều năm bằng các hợp đồng hoán đổi thuần nhất (plain vanilla swaps). Trong đó, họ hoán đổi khoản nợ có lãi suất cố định để lấy các khoản nợ có lãi suất thả nổi hoặc ngược lại. Thỉnh thoảng, họ lại sử dụng các hợp đồng quyền chọn (option), hợp đồng tương lai (future) và các giao dịch tiền tệ để phòng ngừa cho các vụ đặt cược của công ty. Những phán đoán sai lầm sẽ mang lại khoản lỗ nhỏ và thường được bù đắp lại bởi các khoản lời nhỏ khi công ty đưa ra phán đoán đúng đắn. Đó là mục tiêu của việc sử dụng các hợp đồng phái sinh của P&G.

Tuy nhiên, vào cuối ngày 12/04/1994, Edwin L. Artzt, Chủ tịch của Procter & Gamble, đã tiết lộ rằng công ty đã thua lỗ tổng cộng 157 triệu USD cho 2 hợp đồng hoán đổi lãi suất. Mặc dù chưa phải là một điều quá thảm họa đối với 1 công ty trị giá 30 tỷ USD như P&G (tại thời điểm đó), nhưng đây đã là một trong những khoản thua lỗ lớn nhất mà một công ty Mỹ từng gánh chịu. (Tuy nhiên, con số này vẫn thấm vào đâu khi so sánh với mức thua lỗ 1.36 tỷ USD của Metallgesellschaft AG khi họ tham gia vào giao dịch các hợp đồng tương lai về dầu trong năm 1993).

Ông Artzt  cho biết: “Các sản phẩm phái sinh như thế rất đáng sợ và chúng tôi đã bị tác động vô cùng nặng nề. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra một lần nào nữa”.

Các hợp đồng hoán đổi của P&G đều dựa vào số tiền vay mượn – sẽ phóng đại đáng kể mức độ biến động của thị trường và sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận khổng lồ nếu P&G phán đoán đúng hướng. Cụ thể, trong tháng 11/1993, P&G và Bankers Trust đã thiết lập 2 hợp đồng hoán đổi như sau: Một hợp đồng hoán đổi khoản nợ bằng đồng USD có lãi suất cố định lấy các khoản nợ bằng đồng USD có lãi suất thả nổi và một hợp đồng hoán đổi khoản nợ bằng đồng Mác Đức có lãi suất cố định lấy các khoản nợ bằng đồng Mác Đức có lãi suất thả nổi. Hai hợp đồng trên được lập ra do P&G suy đoán lãi suất đồng USD và đồng Mác Đức sẽ tiếp tục giảm sút vì thế họ sẽ trả nợ có lãi suất thấp hơn theo thời gian.

Tuy nhiên, phán đoán trên đã sai lầm khi Alan Greenspan, Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lúc này đã tuyên bố trong ngày 04/02/1994 rằng Fed sẽ nâng lãi suất ngắn hạn lần đầu tiên trong 5 năm. Thế là lãi suất tăng lên và P&G phải trả khoản nợ lớn hơn. Mặc dù vài tháng trước đó, Phố Wall đã bàn luận sôi nổi rằng Fed sẽ thay đổi chính sách tiền tệ và chỉ có điều là họ không biết khi nào.

“Rủi ro liên quan đến thị trường phái sinh không phải lúc nào cũng hiểu hết được, ngay cả đối với những nhà đầu tư tinh vi và tôi là một trong số họ” – George Soros

Và bất cứ ai đặt cược nặng vào việc lãi suất tiếp tục giảm phải đối mặt với thua lỗ nặng nề, thậm chí George Soros cũng mất hàng trăm triệu USD.

Geoffrey Bell, người điều hành công ty đầu tư của chính mình và là Thư ký điều hành tại nhóm nghiên cứu tài chính và học thuật Group of Thirty, cho biết: “Lĩnh vực kinh doanh của P&G là kem đánh răng, không phải là các hợp đồng hoán đổi có đòn bẫy cao. Đây chỉ là một thứ dùng để phòng ngừa, tại sao họ lại đặt đòn bẫy quá cao như vậy? Hàng trăm triệu USD rơi vào rủi ro. Tại sao Giám đốc tài chính của P&G lại không biết đến rủi ro có quy mô lớn như vậy?”

Erik G. Nelson, Giám đốc tài chính của P&G, nói với các nhà phân tích rằng chính sách của P&G được thực hiện bằng các hợp đồng hoán đổi thuần nhất, và khi lãi suất tăng trong tháng 2/1994, họ bắt đầu nhận ra có một rủi ro quá lớn chưa được tìm thấy trước đó.

Tại thời điểm đó, ông Artzt đã đổ lỗi cho Bankers Trust và cho biết P&G sẽ xem xét kiện công ty này.

Tuy nhiên, Bankers Trust cho hay các nhà quản lý cấp cao của P&G đã từ chối lời khuyến nghị gỡ bỏ các hợp đồng hoán đổi đó trong tuần trước khi Fed tuyên bố nâng lãi suất.

Nhiều trường hợp tương tự sẽ xảy ra. Câu chuyện của P&G đã để lại bài học rõ ràng đối với những người chưa tham gia vào thị trường sản phẩm phái sinh. Trong một bài phát biểu trong tháng 12/1994, William J. McDonough, Chủ tịch của Fed khu vực New York lúc này, đã cảnh báo rằng các nhà quản lý tài chính hàng đầu và các công ty phi tài chính có trách nhiệm hiểu rõ và liên tục giám sát thị trường phái sinh khi công ty có tham gia vào thị trường này./.

Các tin tức khác

>   5 câu nói đáng giá của Warren Buffett dành cho những nhà đầu tư thích lựa chọn cổ phiếu (14/08/2017)

>   Sự sụp đổ của một biểu tượng vì giao dịch sản phẩm phái sinh (08/08/2017)

>   60 tuổi chưa bao giờ là quá trễ để tìm kiếm thành công! (22/07/2017)

>   Tự truyện của một nhà đầu tư chứng khoán - 10 năm 1 cuộc tình (04/07/2017)

>   Đế chế Jeff Bezos có trong tay những gì? (26/06/2017)

>   Erik Finman: Triệu phú tuổi 18 nhờ đâu? (22/06/2017)

>   7 bài học đầu tư đáng giá từ nhà sáng lập tập đoàn Vanguard (07/06/2017)

>   Áp dụng chiến lược đầu tư của Warren Buffett, người này đã biến 1,000 USD thành 2 triệu USD (06/06/2017)

>   Những thăng trầm của một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực hàng hóa ở châu Á (06/06/2017)

>   Đâu là 5 sai lầm mà giới giàu có không bao giờ mắc phải? (01/06/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật