Đài Loan đã chuyển mình từ sản xuất sang thiết kế như thế nào?
Cụm từ “Sản xuất ở Đài Loan” (Made in Taiwan) đã tiến một bước dài kể từ khi hòn đảo này lần đầu tiên trỗi dậy như là một cường quốc sản xuất thời hậu chiến.
Từng là nguồn cung cấp nhiều hàng hóa giá rẻ của thế giới, Đài Loan đã trở thành một thế lực toàn cầu trong ngành công nghiệp điện tử ở những năm 1990. Trong quá trình đó, thiết kế công nghiệp đã thay đổi từ sản xuất chi phí thấp truyền thống sang việc sáng tạo ra các sản phẩm nguyên gốc, có giá trị cao.
Giờ đây, các ngành công nghiệp sáng tạo của hòn đảo này đang nỗ lực để thay thế cụm từ một thời đâu đâu cũng thấy là “Sản xuất ở Đài Loan” bằng một cụm từ phù hợp với thời đại ngày nay: “Thiết kế ở Đài Loan” (Designed in Taiwan).
Những hạt giống công nghiệp
Lịch sử sản xuất hàng loạt của Đài Loan bắt nguồn từ những năm 1950, khi chính phủ ký một hiệp ước quốc phòng hỗ trợ lẫn nhau với Mỹ (thỏa thuận đó hết hạn vào năm 1979 và được thay thế một phần bằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan). Do cần một đồng minh hùng mạnh trong khu vực, Mỹ đã rót viện trợ và vốn đầu tư vào nền kinh tế của đảo quốc này.
Điều này phù hợp với những người lên kế hoạch về một Chính phủ theo chế độ kỹ trị của Đài Loan khi họ tìm cách biến công nghiệp hóa dựa trên mô hình Mỹ thành mũi nhọn. Bằng cách làm theo phương pháp của Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất đã tăng trưởng nhanh chóng và kiếm được nhiều lợi nhuận.
Bằng cách áp dụng những quy trình công nghiệp phương Tây và sử dụng nguồn lao động rẻ trong nước, các doanh nghiệp chế tạo những thiết bị điện tử mới như tủ lạnh, máy điều hòa không khi, ti vi và radio đã trở nên rất tự chủ và có thể sản xuất được hầu như bất kì thứ gì mà khách hàng ở nước ngoài có nhu cầu. Đài Loan đã trở thành một trung tâm sản xuất cho một số thương hiệu thế lực nhất trên thế giới.
Một cường quốc công nghệ thông tin (IT)
Sau đó, vào những năm 1990, những sáng kiến của chính phủ và các tài năng “cây nhà lá vườn” đã tạo ra làn sóng bùng nổ công nghiệp thứ hai. Không còn là công xưởng của thế giới nữa, lĩnh vực điện tử phát triển đã biến Đài Loan thành một trong “bốn con hổ châu Á”.
Một số công ty công nghệ mạnh nhất trên thế giới đã được thành lập ở Đài Loan trong kỷ nguyên này, trong đó có ASUS, Acer và Quanta Computer. Những “đại gia” IT nội địa này đã sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ máy tính để bàn, máy tính bảng, màn hình phẳng, điện thoại cho đến bo mạch, card đồ họa và máy chủ.
Tuy nhiên, tình trạng tự do hóa thị trường của những năm 1990 đã làm cho các công ty có thể giao dịch toàn cầu, thách thức những nhà máy từng tạo ra sự thịnh vượng của Đài Loan. Khi chúng không thể mang lại lợi thế cạnh tranh nữa, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu chuyển địa điểm. Nhiều ngành thịnh vượng trước đây đã phát triển chậm lại, những nơi từng nhộn nhịp bị trở thành các thành phố ma.
Điểm đến của thiết kế
Sự tái phát minh trong lĩnh vực văn hóa và sự phục hồi kinh tế sẽ chỉ nổi lên qua một làn sóng tư duy thiết kế mới. Ngoài việc sản xuất hàng hóa cho khách hàng nước ngoài, các công ty Đài Loan sẽ cần tập trung vào việc đầu tư vào sở hữu trí tuệ của riêng họ nếu muốn nổi lên từ vực thẳm suy thoái.
Và họ đã làm được điều đó. Các nhà thiết kế đã học được từ những thế hệ đi trước rằng thay đổi để thích nghi, phù hợp với hiệu quả và chất lượng cao, là điều sống còn đối với việc duy trì được vị thế của mình. Ngày nay, số lượng đăng ký bằng sáng chế bình quân đầu người của Đài Loan chỉ xếp sau Mỹ và Nhật Bản, qua đó giúp quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế tri thức nhất của châu Á.
Hòn đảo này vẫn là một “ông lớn” trong ngành công nghiệp điện tử, và vẫn là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về chip máy tính và màn hình tinh thể lỏng, cùng nhiều thứ khác. Tuy nhiên, hàng hóa gia dụng cao cấp và những bộ đồ gỗ đáng khao khát là nằm trong số nhiều sáng tạo về thiết kế mà giờ đây có xuất xứ từ Đài Loan./.
|