Bộ Tài chính ra quy định mới, DN kêu trời
Việc Bộ Tài chính khống chế mức chi bảo hiểm nhân thọ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi người lao động.
* Bộ Tài chính ban hành quy định tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang đứng ngồi không yên vì nội dung mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016 và Nghị định số 12/2015 của Chính phủ (gọi tắt là dự thảo).
Cụ thể, trong dự thảo, Bộ Tài chính bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động chỉ còn 3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi trước đó khoản chi phí này không bị khống chế, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.
Thiệt cho DN lẫn người lao động
Ông Hứa Viết Minh, Giám đốc Công ty Tư vấn MTP, cho biết hiện DN đang mua bảo hiểm nhân thọ cho một số người lao động trình độ cao với mức chi 10-20 triệu đồng/người/tháng. Đây là một trong những chính sách giữ chân người tài của công ty. Nếu quy định siết chi khoản bảo hiểm nhân thọ được áp dụng sẽ thiệt thòi cho DN do phần chi vượt trội không được tính vào chi phí khấu trừ, DN phải đóng thuế. Chính người lao động cũng thiệt thòi bởi DN sẽ cân nhắc cắt hoặc giảm khoản chi bảo hiểm nhân thọ này.
“Mức giới hạn 3 triệu đồng/tháng là quá thấp, không phù hợp thực tế. Xét về tổng thể, khi DN chi mua bảo hiểm nhân thọ thì chính người lao động được hưởng nhiều lợi ích, do đó điều này cần khuyến khích. Những lợi ích cho người lao động cần được ưu tiên miễn giảm thuế” - ông Minh nói.
Đại diện một DN xuất nhập khẩu cũng cho rằng việc gộp khoản chi bảo hiểm nhân thọ vào chung với khoản chi bảo hiểm hưu trí, đồng thời khống chế chỉ 3 triệu đồng/người/tháng đã đẩy DN vào thế kẹt. DN đang ký hợp đồng với một số lao động bậc cao, trong đó có điều khoản mỗi tháng DN mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với mức 10 triệu đồng/người/tháng. Nếu siết mức chi chỉ 3 triệu đồng/tháng, khoản còn lại 7 triệu đồng DN buộc phải đóng thuế trong khi trước đây được tính vào chi phí khấu trừ.
“Quy định mới này chẳng khác nào làm khó DN. Chúng tôi vẫn phải thực hiện hợp đồng với người lao động, vẫn phải chi khoản bảo hiểm nhân thọ như đã thỏa thuận nhưng thiệt hại vì phải đóng thêm thuế thu nhập DN cho khoản chi vượt mức khống chế” - đại diện DN này chia sẻ.
Theo phân tích của luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhiều DN đồng ý chi mua bảo hiểm nhân thọ như là một chính sách để giữ chân nhân tài, giữ chân người lao động. Với chính sách này, người lao động là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
“Trước đây, chính Bộ Tài chính đưa ra lý do giữ chân người tài cho DN nên không khống chế khoản chi bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Thế nhưng hiện nay chính Bộ Tài chính lại đưa quy định khống chế vào dự thảo mới này” - luật sư Xoa chỉ ra mâu thuẫn.
Khoản chi bảo hiểm nhân thọ nên để DN tự quyết định để giữ chân nhân tài và đảm bảo quyền lợi người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Q.HUY
|
Nên đối xử công bằng
Trong dự thảo, Bộ Tài chính lý giải: Sở dĩ đưa ra quy định siết chi khoản bảo hiểm nhân thọ là do thời gian qua một số DN nhà nước (DNNN) đã chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với giá trị cao so với mức tiền lương, thu nhập của cán bộ, công nhân viên và cao hơn nhiều lần so với mức khống chế theo quy định trước đây.
“Nếu không khống chế mức mua bảo hiểm nhân thọ sẽ dẫn đến các DNNN vận dụng chi mua bảo hiểm nhân thọ ở mức cao, không hợp lý, đồng thời hạch toán vào chi phí được trừ. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, phần vốn nhà nước khi xác định giá trị DN. Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành, tránh việc lợi dụng” - Bộ Tài chính lý giải.
Ông Hứa Viết Minh, Giám đốc Công ty Tư vấn MTP, cho rằng một quy định khi ban hành phải áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng DN, trong đó DNNN cũng chỉ là một phần nhỏ trong nền kinh tế. Vì thế không thể lấy lý do vì DNNN chi khoản bảo hiểm nhân thọ cao hơn mức lương của người lao động nên siết lại khoản chi này xuống mức thấp.
“DNNN, DN tư nhân, DN nước ngoài cần phải được đối xử bình đẳng chứ không thể quy định đánh đồng. DNNN chiếm thiểu số, số lượng người lao động DN tư nhân là rất lớn, vì vậy quy định phải phục vụ cho lợi ích đa số” - ông Minh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho mọi DN áp dụng chế độ chi bảo hiểm nhân thọ cho tất cả người lao động. Nếu áp dụng cho DN tư nhân thì DNNN cũng cần áp dụng như vậy để người lao động làm việc ở bất cứ DN nào cũng được đối xử công bằng như nhau.
“Không nên khống chế khoản chi này. DN nào có khả năng tài chính tốt, lao động của DN làm việc hiệu quả thì họ đáng được hưởng chế độ ưu đãi tốt hơn. DNNN cũng vậy, nếu muốn giữ chân nhân tài thì phải tăng quyền lợi để họ an tâm làm việc. Do đó, chỉ nên quy định mức tối thiểu về khoản chi bảo hiểm nhân thọ chứ không nên khống chế mức trần” - ông Hiếu góp ý.
Hồi tố bất hợp lý
Bộ Tài chính dự kiến quy định mới sẽ được áp dụng hồi tố từ ngày 1-7-2016. Về nguyên tắc, luật không được hồi tố trừ trường hợp hồi tố đó mang lại lợi ích cho đối tượng bị điều chỉnh. Trong khi quy định này gây thiệt hại cho DN nên quy định hồi tố trong trường hợp này là bất hợp lý, cần bỏ quy định này.
Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang
|
http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/bo-tai-chinh-ra-quy-dinh-moi-dn-keu-troi-725278.html
|