Thứ Tư, 16/08/2017 09:12

Tranh cãi gay gắt việc ngừng “đánh thức” mỏ sắt 35 tỷ USD

TKV cho rằng việc dừng dự án có thể “mất trắng” 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã kiến nghị Thủ tướng cho dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Một trong những lý do, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tới 2 lần điều chỉnh giảm.

Việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá mới có Hòa Phát (HPG) ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.

Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê. Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng…

Trong khi đó, chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng phản pháo quan điểm trên khi gửi báo cáo lên Chính phủ khẳng định tiếp tục muốn triển khai dự án.

Khai thác quặng sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu công nghệ lạc hậu. Ảnh minh hoạ

“Chưa thấu đáo, chưa khách quan”

TKV cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra "chưa thấu đáo, chưa khách quan, không phản ánh đầu đủ”, và không đúng với kết quả TIC đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành trong thời gian vừa qua.

Báo cáo của TKV gửi Thủ tướng cho rằng: "Các nội dung kết luận không thể hiện đúng với kết quả rà soát tại các phụ lục kèm theo chính báo cáo của Bộ, chưa phản ánh đúng các nội dung tại hai cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo đó các bộ ngành và các nhà khoa học ủng hộ tiếp tục triển khai dự án, riêng tỉnh Hà Tĩnh không ủng hộ”.

Thời gian vừa qua TKV đã chỉ đạo TIC hoàn thiện nội dung Dự án điều chỉnh và thiết kế kỹ thuật, trong đó áp dụng công nghệ khai thác hiện đại đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp phát triển kinh tế xã hội của trung ương, địa phương.

Theo đó, thiết kế kỹ thuật của dự án đã được cơ quan tư vấn nước ngoài thẩm định độc lập và được Hội đồng thẩm định Bộ Công Thương thông báo kết quả, thông qua kết quả thẩm định cho thấy dự án đảm bảo khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật làm căn cứ để TIC phê duyệt và thực hiện dự án.

Bộ Công Thương cũng “phản pháo” Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi cho rằng kiến nghị dừng dự án chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện.

“Cần phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam", Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng, phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.

Bộ Công Thương chính là đơn vị thẩm định phê duyệt dự án này. Bộ cho biết đã lập Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia đầu ngành trong nước và đơn vị tư vấn nước ngoài. Việc thẩm định phức tạp nên hơn 1 năm mới xong, báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt. Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều dữ liệu về hiệu quả kinh tế của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

“Dừng là mất 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước”

Với phương án dừng dự án như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TKV khẳng định có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt; Không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu.

"Dừng dự án sẽ gây giảm nguồn thu ngân sách, với khoản vốn đã bỏ gần 2.000 tỷ đồng có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó đa số là vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thấy rất lớn gây lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nước”, TKV thẳng thắn.

Đối với người dân địa phương phải chịu ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Hơn nữa, việc dừng dự án, theo TKV là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mở Thạch Khê, Hà Tĩnh.

TIC (công ty con của TKV) là chủ đầu tư của dự án khai thác quặng sắt Thạch Khê, vốn đầu tư 14.517 tỷ đồng.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài cho biết, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, giá trị khoảng 35 tỷ USD. Mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là nguồn tài nguyên lớn, tuy nhiên đến nay vẫn gặp những vướng mắc, chưa thể đi vào khai thác. Trước đây, đã có nhiều công ty nước ngoài định đầu tư khai thác, luyện quặng, cán thép nhưng dự án vẫn "ngủ say” nhiều năm nay dù TIC đã thực hiện từ 2008.

http://vneconomy.vn/doanh-nhan/tranh-cai-gay-gat-viec-ngung-danh-thuc-mo-sat-35-ty-usd-2017081612475634.htm

 

Các tin tức khác

>   Vì sao chi phí logistics tại Việt Nam gấp 3 Singapore? (16/08/2017)

>   Trạm BOT Cai Lậy ngừng thu phí, chờ Bộ GTVT quyết (15/08/2017)

>   Cần đánh giá hiệu quả cầu vượt dẫn vào Tân Sơn Nhất (15/08/2017)

>   Xổ số Kiến thiết TPHCM: Lãi quý 2 tăng nhưng 6 tháng lại giảm 9.5% còn 384 tỷ đồng (15/08/2017)

>   Chính phủ sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để phát huy hiệu quả hình thức đầu tư BOT (15/08/2017)

>   Chữ đường: 'Góc tối' ngành mía đường (15/08/2017)

>   UBTVQH thảo luận về các dự án giao thông BOT (15/08/2017)

>   Grab tăng thu chiết khấu của tài xế đề bù khoản lỗ hơn 400 tỷ? (15/08/2017)

>   Trạm thu phí T2 Quốc lộ 91 duyệt miễn phí cho 72 xe (14/08/2017)

>   Ô tô giá rẻ Ấn Độ về Việt Nam giảm 50 lần, vì đâu? (14/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật