Chủ Nhật, 13/08/2017 10:38

Thuế tài sản: Làm sao công bằng?

Việc tách riêng nhà đất để quy định như kiểu căn nhà thứ 2 mới chịu thuế gây ra một sự thiếu công bằng là không phản ánh hết tổng giá trị tài sản.

Thuế tài sản là một loại thuế trực thu có từ lâu đời và được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, việc áp đánh thuế mỗi nước mỗi khác.

Nên quy về giá trị tiền

Về mặt bản chất, thuế tài sản là loại thuế bổ sung cho thuế thu nhập. Về mục đích, thuế tài sản nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia và tạo sự công bằng đối với mọi công dân. Tuy nhiên, sắc thuế này thường gây ra rất nhiều tranh cãi. Vì vậy, khi áp dụng ở Việt Nam, cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp, nhận được sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân.

Thuế tài sản dĩ nhiên đánh vào tài sản, bao gồm bất động sản và động sản, nhưng phổ biến nhất là bất động sản vì đó là thứ tài sản mà hầu như mọi người đều có. Dù vậy, cũng như thuế thu nhập, phải có một mức tối thiểu chịu thuế nào đó. Ví dụ, hiện nay chúng ta quy định mức thu nhập tối thiểu chịu thuế thu nhập là 9 triệu đồng/tháng, với thuế tài sản dĩ nhiên cũng cần có mức tối thiểu chịu thuế như vậy.

Thông tin trên báo chí cho biết dự kiến nhà nước sẽ đánh thuế tài sản từ căn nhà thứ 2 trở đi. Nghĩa là nếu ai đang sở hữu 1 căn nhà thì không phải đóng thuế nhưng nếu mua thêm một căn thứ 2 để cho thuê, cho mượn hoặc kinh doanh… thì phải đóng thuế tài sản.

Theo tôi, quy định thế này thì không công bằng và không phản ánh hết bản chất của sắc thuế vì nhà thì có loại giá trị lớn hàng trăm tỉ đồng nhưng cũng có loại chỉ 100-200 triệu đồng. Nếu áp dụng như vậy, một người có 1 căn nhà trị giá 100 tỉ đồng thì được miễn thuế còn người có 2 căn nhà, mỗi căn chỉ 100 triệu đồng thì phải chịu thuế trên căn thứ 2. Cho nên, cũng như thuế thu nhập, cần quy về giá trị tiền. Tài sản có giá trị mức tối thiểu nào thì mới chịu thuế. Ví dụ, căn nhà giá trị tối thiểu 1 tỉ đồng thì mới phải chịu thuế tài sản chẳng hạn chứ không nên quy định căn nhà thứ mấy.

Cần sự phối hợp

Như đã nói, tài sản thì gồm nhiều thứ, không phải chỉ riêng nhà đất. Vì thế, việc tách riêng nhà đất để quy định như kiểu căn nhà thứ 2 thì mới chịu thuế còn gây ra một sự thiếu công bằng khác. Đó là không phản ánh hết tổng giá trị tài sản. Dù ở Việt Nam, với phần lớn người dân, tài sản chính là bất động sản nhưng vẫn có một bộ phận người dân có tài sản là các loại hình khác như ô tô, nhà xưởng, phần vốn góp đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu… Do đó, càng có lý do bỏ hẳn khái niệm "căn nhà thứ 2" khi xây dựng luật thuế này.

Hơn nữa, bản chất của thuế tài sản là bổ sung cho thuế thu nhập nên phải hài hòa 2 sắc thuế này thì mới tạo sự công bằng xã hội. Ví dụ, một người có thu nhập từ nguồn nhà nước có thể kiểm soát được, họ sẽ đóng thuế thu nhập đầy đủ. Khi người này mua sắm tài sản, họ sẽ bị đánh thêm thuế tài sản. Bên cạnh đó, một người có thu nhập từ nguồn nhà nước khó kiểm soát, họ không đóng thuế thu nhập. Khi họ mua sắm tài sản, họ bị đánh thuế tài sản. Như vậy, giữa 2 người này đã có sự không công bằng. Một người vừa chịu thuế thu nhập vừa chịu thuế tài sản, một người chỉ chịu thuế tài sản chứ không chịu thuế thu nhập. Cần giải quyết tình trạng này như thế nào? Nếu ở đây không có sự phối hợp với việc thu thuế thu nhập mà tách riêng một cách hoàn toàn độc lập thì rõ ràng không ổn.

Vấn đề nữa là,việc khấu trừ các khoản nợ và tài sản hiện có của một người để đánh thuế tài sản. Đây là vấn đề rất quan trọng, quy định không chính xác sẽ nảy sinh bất cập. Nếu không cho người chịu thuế khấu trừ các khoản nợ thì nguy cơ đánh thuế oan cho người dân nhưng nếu chấp nhận khấu trừ các khoản nợ, có thể nguy cơ phát sinh hiện tượng nợ giả để trốn thuế tài sản. Như vậy, rất cần chặt chẽ ở chỗ này.

Trần Thị Thanh Nga (ngụ phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Chỉ áp dụng với nhà giá trị lớn

Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 với người giàu, nhiều tài sản thì có thể chấp nhận được nhưng với không ít người sẽ là vấn đề lớn. Lấy ví dụ cụ thể như gia đình tôi, hiện ở trong một căn hộ nhưng chật chội quá nên mua thêm một căn nhà khác có giá chỉ hơn 1 tỉ đồng, nếu phải đóng thuế căn nhà thứ 2 này cộng với rất nhiều khoản khác thì cũng là vấn đề cần cân nhắc. Tôi nghĩ nếu đánh thuế căn nhà thứ 2 thì chỉ nên đối với biệt thự, bất động sản có giá trị lớn, có mức quy định giá trị cụ thể. Với những dạng căn hộ, căn nhà giá trị thấp thì không nên đánh thuế.

Luật sư Trần Văn Sỹ, Trưởng Văn phòng Luật sư Văn Sỹ (Vĩnh Long), giảng viên Học viện Tư pháp:

Cần nghiên cứu thấu đáo

Cần lưu ý việc đánh thuế căn nhà thứ 2 có thể ảnh hưởng tới tâm lý người dân và khó có sự công bằng. Ví dụ, một gia đình sống trong biệt thự tiện nghi, hiện đại với giá 20 tỉ đồng thì không bị đánh thuế, trong khi một gia đình đang ở trong căn nhà với giá 2 tỉ đồng, do nhu cầu sinh hoạt nên muốn mua thêm một căn nữa với giá 1 tỉ đồng thì phải chịu thuế căn nhà thứ 2.

Ngoài ra, chính sách này khiến sức mua của thị trường bất động sản có thể sẽ giảm, thậm chí đóng băng. Nếu đánh thuế, những nhà đầu cơ có khả năng sẽ cộng thêm tiền thuế vào để bán. Lúc đó, giá căn hộ bị đẩy lên cao khiến nhu cầu nhà ở của một bộ phận người dân có thu nhập chưa cao sẽ xa vời hơn.

Hà Mai Nguyên (ngụ phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa):

Tôi ủng hộ!

Về cơ bản, tôi đồng tình với đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 vì nó "đánh" vào... nhà giàu. Người giàu có bằng cách này hay cách khác nên đóng góp cho xã hội. Có thể nhà ở là một nhu cầu bình thường ở các nước phát triển nhưng nhà thứ 2 ở Việt Nam là một nhu cầu có phần xa xỉ nên đánh thuế đối với nhà thứ 2 cũng có cái lý của nó, mục đích là chống đầu cơ, làm cho thị trường bất động sản không "sốt ảo" và giúp người có thu nhập bình thường có cơ hội mua được nhà, tạo công bằng xã hội.

Dù vậy, việc đánh thuế cần tính đến yếu tố kích thích thị trường bất động sản. Nếu đánh thuế quá nặng có thể khiến nhà đầu tư không mặn mà dồn tiền vào lĩnh vực này. Mặt khác, cần giải pháp cụ thể để kiểm soát xem đâu là căn nhà thứ 2. Khi cơ chế tài chính còn thiếu minh bạch thì việc một người mua 10 căn nhà nhưng đứng tên vợ, con, anh em thì sao? Rồi việc kê khai tài sản của quan chức tham nhũng, liệu có kiểm soát chặt chẽ được không?

Đối với nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh thuế đối với nhà thứ 2 vì giá loại này rẻ. Tuy nhiên, thực tế là nhà ở xã hội hiện nay cũng có chỗ bán không đúng đối tượng, người có tiền vẫn có thể đầu cơ mua đi bán lại kiếm lời. Do đó, đã làm thì nên công bằng tất cả. Chẳng có người nghèo nào có tiền để đầu cơ thêm căn nhà thứ 2 bao giờ. Theo tôi, cần tính toán kỹ các mặt để chính sách ra đời phù hợp thực tiễn nhưng dù sao tôi cũng ủng hộ.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:

Nên tùy giá trị tài sản

Hoan nghênh Bộ Tài chính đã có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản nhằm xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế là tài sản nhà, đất, nhất là đối tượng sở hữu nhiều nhà, từ căn nhà thứ 2 trở đi.Tuy nhiên, giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân; không thu thuế đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; trước mắt không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng; không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP HCM là dưới mức bình quân 10 m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77 m2. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy số lượng và giá trị tài sản.

Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, đề nghị vẫn thực hiện lộ trình ban hành luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây. Đề nghị ban hành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay để bảo đảm tính đồng bộ và sự thống nhất của pháp luật.

Quan trọng nữa là cần hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các bất động sản nhà, đất cũng như xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cập nhật theo thời gian thực; hoàn thành thật nhanh, thật chuẩn xác việc cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở.

C.TUẤN - T.Tuấn - B.ngọc - S.Nhung ghi

http://nld.com.vn/kinh-te/thue-tai-san-lam-sao-cong-bang-20170812212457097.htm

Các tin tức khác

>   Gian nan thu thuế kinh doanh trên mạng (13/08/2017)

>   7 tháng đầu năm, chi gần 62,300 tỷ đồng trả lãi nợ vay (12/08/2017)

>   Hà Nội công khai 132 đơn vị nợ thuế tháng 8 (10/08/2017)

>   Bộ Tài chính muốn đánh thuế người có từ 2 - 3 nhà như Mỹ, Canada (08/08/2017)

>   Uber và Grab nộp thuế gì cho Việt Nam? (06/08/2017)

>   Hiệu quả thuế, hải quan điện tử thấp vì các ngành khác còn bảo thủ (04/08/2017)

>   TPHCM: Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 50% (03/08/2017)

>   Grab, Uber và câu chuyện chống xói mòn cơ sở thuế (30/07/2017)

>   Ngân sách Nhà nước thâm hụt gần 62 nghìn tỷ đồng tính đến 15/07 (29/07/2017)

>   Đề xuất giảm mức thuế suất với ngành than là chưa phù hợp (28/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật