Thứ Năm, 03/08/2017 21:44

TPHCM: Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 50%

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công được giải ngân bằng 50,5% kế hoạch vốn được giao cho cả năm 2017.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp chiều 3-8, từ đầu năm 2017 đến nay, tổng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, vốn ODA do trung ương cấp phát, vốn ngân sách thành phố) giao cho thành phố là 26.183 tỉ đồng.

Tính đến hết tháng 7-2017, tổng số vốn giải ngân được là 13.214 tỉ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương đã giải ngân được 722 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 22%, vốn ODA giải ngân được 2.901 tỉ đồng, đạt 71,9%, vốn ngân sách thành phố giải ngân được 9.589 tỉ đồng, đạt 50,8%.

Đây là tỉ lệ giải ngân được cho là thấp so với yêu cầu. Các sở ngành đã chỉ ra những nguyên vốn giải ngân thấp như sau:

Thứ nhất, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, thành phố được giao kế hoạch vốn đợt 2 năm 2017 để thực hiện hai dự án xây dựng bệnh viện tuyến cuối gồm Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu là 3.200 tỉ đồng. Sau khi các cơ quan quản lý tài chính hoàn tất công tác nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Y tế TPHCM mới tiến hành thủ tục giải ngân, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Thứ hai, tiến độ giải ngân vốn ODA bị vướng là do tổng nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn thành phố khoảng 7.700 tỉ đồng, nhưng tổng kế hoạch vốn ODA do trung ương cấp phát chỉ hơn 4.000 tỉ đồng. Thế nhưng, quy định tại Quyết định 198/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu giải ngân đối với vốn vay (nước ngoài ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài) năm 2017 của các chương trình, dự án theo mức vốn kế hoạch được giao. Do vậy, TPHCM rất khó triển khai và đưa các dự án vào khai thác sử dụng đúng thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán hợp đồng quốc tế, dễ phát sinh khiếu nại, các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán…

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị trung ương xem xét, bổ sung vốn ODA cho thành phố là 3.648 tỉ đồng, trong đó dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là 3.303 tỉ đồng và dự án cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2 là 345 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cách đây 2 ngày, tại hội nghị về việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo do dự án metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh dự án từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng. Do chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đối với phần vốn tăng thêm nên chưa có cơ sở xem xét, bổ sung nguồn vốn trung hạn và hằng năm theo quy định.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2017.

Theo Bộ Tài chính, có 13 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, tính tới ngày 15-6 chỉ đạt dưới 20% và sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân các đơn vị này đã có chuyển biến tích cực. Bộ cho biết, tính tới ngày 17-7, tỷ lệ giải ngân của TPHCM là 26%.

Tại cuộc hop về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm tại TPHCM chiều 3-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Ông lưu ý rằng các sở, ngành, quận huyện nào việc giải ngân diễn ra chậm trễ thì người lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.

HĐND TPHCM đầu tháng 7 vừa qua đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn vốn 171.895 tỉ đồng.

Nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 được dành cho các công trình hạ tầng cấp bách. Theo đó, thành phố tiếp tục xem hợp tác đối tác công tư (PPP) là kênh huy động vốn cơ bản và sẽ áp dụng các giải pháp đột phá để huy động nguồn vốn xã hội.

Trong tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn nói trên, nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm khoảng 21.895 tỉ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng), vốn ngân sách thành phố là 150.000 tỉ đồng (bao gồm vốn bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 135.000 tỉ đồng và dự phòng 10% là 15.000 tỉ đồng).

Theo phương án phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ dành một nguồn vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA là 11.204 tỉ đồng và vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP là 9.265 tỉ đồng…

http://www.thesaigontimes.vn/163280/TPHCM-Giai-ngan-von-dau-tu-cong-dat-hon-50.html

Các tin tức khác

>   Grab, Uber và câu chuyện chống xói mòn cơ sở thuế (30/07/2017)

>   Ngân sách Nhà nước thâm hụt gần 62 nghìn tỷ đồng tính đến 15/07 (29/07/2017)

>   Đề xuất giảm mức thuế suất với ngành than là chưa phù hợp (28/07/2017)

>   TP HCM bêu tên 209 doanh nghiệp nợ thuế, bất động sản dẫn đầu (26/07/2017)

>   Nhiều cục thuế chưa hoàn thành 35% kế hoạch thanh kiểm tra sau nửa năm (24/07/2017)

>   Đề xuất khoáng sản khai thác chưa chế biến sẽ không chịu thuế (22/07/2017)

>   Khai thiếu doanh thu, doanh nghiệp lớn phải nộp lại nghìn tỷ đồng (21/07/2017)

>   Con tem nghìn tỉ (20/07/2017)

>   Quản thuế kinh doanh online: Làm công bằng, người dân mới theo (17/07/2017)

>   Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Trông vào tự giác liệu có đủ (16/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật