Con tem nghìn tỉ
Chỉ một chiếc tem nhỏ nhưng có thể mang lại hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách. Nhưng có phải chỉ cần dán tem là có thể yên tâm chống được hoàn toàn tình trạng gian lận xăng dầu?
Từ ngày 1-8, đoàn liên ngành TP bắt đầu dán tem 3.700 trụ bơm xăng tại TP.HCM. Việc này nhằm nhiều mục đích: hạn chế nguồn hàng trôi nổi, quản lý thuế và hạn chế tình trạng cây xăng đong thiếu - Ảnh: T.T.D.
|
Ngày 1-8 tới, cơ quan chức năng sẽ ra quân dán tem 3.700 trụ bơm xăng tại TP.HCM và dự kiến hoàn thành trong tháng 9. Việc dán tem này được xem là “sáng kiến” nhằm chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu, cũng như chặt đứt đầu ra của xăng dầu lậu.
Nghĩa là khi con tem được dán lên trụ xăng thì việc tuồn xăng dầu lậu vào bán là điều rất khó xảy ra, vì số lượng xăng bán ra bao nhiêu sẽ được ghi nhận tại đồng hồ tổng.
Người bán sẽ không thể tự ý thay đổi được số lượng xăng dầu đã bán ra, vì nếu có sự tác động cố ý vào đồng hồ tổng thì chiếc tem sẽ bị rách và khi đó chủ cửa hàng xăng dầu sẽ bị xử phạt hành chính.
Định kỳ cuối quý, cơ quan thuế sẽ cử người đến ghi nhận chỉ số trên đồng hồ của từng trụ bơm, xác định lượng xăng dầu bán ra và đối chiếu với tờ khai đầu vào của doanh nghiệp. Nếu có sự chênh lệch thì chủ cửa hàng sẽ bị xử phạt, truy thu thuế.
Thực tế cho thấy tại những địa phương đã thực hiện thí điểm dán tem trụ xăng như Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng… thì sau đó thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đều tăng 10-20%.
Lý do là các cây xăng phải kê khai doanh số thật và mua hàng hóa có nguồn gốc, thay vì tuồn hàng lậu vào bán và giấu đi doanh số như trước.
Ước tính nếu quản lý chặt, riêng với thuế bảo vệ môi trường, ngân sách sẽ thu thêm được 4.000 - 8.000 tỉ đồng. Ngoài thuế này, ngân sách còn thu thêm một khoản không nhỏ từ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Như vậy, chỉ một chiếc tem nhỏ nhưng có thể mang lại hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách.
Nhưng có phải chỉ cần dán tem là có thể yên tâm chống được hoàn toàn tình trạng gian lận xăng dầu?
Theo thông tin từ cơ quan thuế, trước mắt tổ liên ngành sẽ chỉ dán tem với đồng hồ tổng dạng cơ và cơ điện, mà chưa dán tem đồng hồ tổng điện tử do loại này có thể xóa được số tổng bằng remote. Vậy liệu có chuyện các cây xăng đối phó bằng cách chuyển sang đồng hồ tổng điện tử?
Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, việc quản lý đồng hồ tổng thực chất là giải pháp vận dụng của cơ quan thuế để quản lý đầu ra và biện pháp này cũng có hạn chế, nhất là khi địa bàn TP.HCM quá rộng và số lượng cây xăng rất lớn.
Cơ quan chức năng sẽ không đủ lực lượng và thời gian để kiểm tra đột xuất các cây xăng cũng như cử người đến ghi nhận số liệu, mở niêm phong khi có trụ xăng bị hư hỏng cần sửa chữa, rồi sửa chữa xong lại đến ghi nhận số liệu và niêm phong trở lại.
Nên chăng tiến tới cơ quan thuế sẽ quản lý đầu ra của các cây xăng bằng phương pháp điện tử thay vì cách làm thủ công như hiện nay, sao cho cơ quan thuế không chỉ kết nối và kiểm soát được lượng hàng bán ra tại các cây xăng, mà có thể giám sát cả về hình ảnh để khi cần có thể trích xuất làm bằng chứng?
Có như thế, việc quản lý gian lận thuế xăng dầu mới có hiệu quả lâu dài và tránh được chuyện lách luật, dẫn đến vô hiệu hóa các biện pháp quản lý.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20170720/con-tem-nghin-ti/1355236.html
|