Sự khác biệt về chính sách giữa các NHTW có thể dẫn tới một cuộc chiến tiền tệ?
Các thị trường tài chính nên chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tiền tệ nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không phối hợp chính sách với nhau, CNBC cho hay.
Đây là quan điểm của Alberto Gallo, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Algebris Investments và đã từng viết rất nhiều về “nới lỏng định lượng vô hạn” (QE infinity) trong quá khứ. Được biết, QE infinity là một trường hợp khi lãi suất thấp và các chương trình mua trái phiếu dường như không có hồi kết khuyến khích các khoản vay có lãi suất thấp cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư vào thị trường tài chính.
Ông Alberto Gallo cho biết điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đồng bộ hóa các nỗ lực trong lúc cố gắng thoát khỏi môi trường lãi suất thấp.
Ông lên tiếng cảnh báo: “Chúng ta sẽ bước vào thời kỳ có các biện pháp kích thích quy mô nhỏ hơn, nhưng việc tháo gỡ số dư trên bảng cân đối kế toán sẽ rất khó. Nếu không thực hiện một cách đồng nhất thì sẽ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ”.
“Những gì chúng ta đã chứng kiến trong vài tuần vừa qua là một ví dụ điển hình. Đồng Euro tăng giá mạnh lên mức hơn 1.18 USD sau khi Fed chuyển sang quan điểm ‘bồ câu’ hơn (như được xác nhận trong báo cáo mới nhất của ECB). Và điều này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), qua đó phân phối lại lạm phát sang Mỹ và các quốc gia khác, đồng thời buộc ECB quay trở lại việc giảm bớt quy mô kích thích”.
Đồng Euro mạnh hơn có thể khiến các sản phẩm châu Âu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người tiêu dùng ở bên ngoài khu vực, bao gồm cả những người tiêu dùng Mỹ. Tuần trước, biên bản họp mới nhất từ ECB cho thấy các thành viên chính sách đang lo lắng về khả năng đồng tiền đã tăng quá mạnh.
Ông Gallo lý giải một cuộc chiến tiền tệ có thể khiến các ngân hàng trung ương cảm thấy lo sợ phải trở thành người đưa ra động thái đầu tiên và việc rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng (chương trình mua trái phiếu Chính phủ) trở nên cực kỳ khó khăn.
Dữ liệu kinh tế tích cực ở Eurozone và Mỹ đã khiến các ngân hàng trung ương truyền tải thông tin rằng họ sẽ xem xét lại việc nới lỏng chính sách kích thích tiền tệ – trong đó bao gồm việc mua trái phiếu Chính phủ và hạ lãi suất để gia tăng cung tiền trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu làm như thế thì việc tiến hành thu hẹp lượng trái phiếu Chính phủ trên bảng cân đối kế toán sau này sẽ trở thành một thách thức lớn đối với các ngân hàng trung ương vì giai đoạn kích thích tiền tệ dai dẵng đã khiến nhiều nhà lập pháp, nhà đầu tư và cả nền kinh tế toàn cầu quen với khái niệm lãi suất thấp.
Sẽ có một cuộc chiến tiền tệ?
Các cuộc chiến tiền tệ xảy ra khi một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia muốn đạt được lợi thế thương mại bằng cách làm suy yếu đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc chiến tiền tệ giữa đồng Euro và đồng USD có thể xảy ra nếu Fed đột nhiên trở nên “bồ câu” hơn, có nghĩa là họ sẽ trì hoãn lộ trình nâng lãi suất – một điều sẽ làm đồng USD bị suy yếu.
Ông Gallo cho biết: “Chúng tôi lo lắng về khả năng thực thi gói kích thích tài khóa ở Mỹ. Nếu chính quyền Donald Trump không thể thực thi các chính sách kích thích tài khóa thì Fed sẽ trở nên ‘bồ câu’ hơn – điều này có nghĩa là sẽ không đủ lượng dự trữ tiền mặt để vượt qua đợt suy thoái kế tiếp”.
Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã cam kết cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng – các chính sách được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đã tan biến khi ông Trump vẫn chưa thể thực thi bất kỳ chính sách nào ở trên, qua đó làm nảy sinh mối nghi ngờ về khả năng thực hiện các chính sách trên.
Trên thực tế, các thị trường bắt đầu nhận thấy Fed trở nên kém lạc quan hơn về tương lai của nền kinh tế Mỹ. Trong tháng 7/2017, Fed cho biết lạm phát – một trong những thước đo kinh tế quan trọng đối với cơ quan này – đang dao động dưới mức mục tiêu 2%. Và thị trường cho rằng điều này sẽ khiến Fed chấp nhận lập trường “bồ câu” hơn và do đó, giá trị đồng USD suy yếu.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 93.515 trong ngày thứ Sáu.
Tuần trước, biên bản họp tháng 7 của Fed cho thấy các thành viên đang bị chia rẽ về lộ trình nâng lãi suất, qua đó gia tăng khả năng Fed trở nên “bồ câu” hơn.
Đây có phải là sự phóng đại quá mức?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng chúng ta đang trên bờ vực xảy ra một cuộc chiến tiền tệ. Nick Gartside, CIO của bộ phận tài sản có thu nhập cố định tại JP Morgan, cho biết các nhận định về cuộc chiến tiền tệ chỉ là sự cường điệu hóa.
Ông Gartside cho biết: “Chúng ta vẫn trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump và nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh”. Điều này xoa dịu bớt nỗi lo lắng về khả năng thực hiện các cam kết chính sách quan trọng.
Dữ liệu kinh tế gần đây như số lượng việc làm – một thước đo quan trọng khác của Fed khi xem xét để quyết định chính sách tiền tệ - đã vượt dự báo trước đó. Trong tháng 7, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 209,000 việc làm, cao hơn dự báo chỉ 183,000 việc làm.
Ông Gartside nói thêm cả Fed và ECB đã làm tốt về khía cạnh truyền tải thông tin về việc thu hẹp bớt số dư trên bảng cân đối kế toán. Fed có thể công bố về quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán vào tháng tới và ECB sẽ làm điều tương tự ngay sau đó.
Paul Sheard, Chuyên gia kinh tế trưởng ở S&P Global, cho biết rằng không có cơ sở để lo ngại rằng việc rút các gói nới lỏng định lượng sẽ tác động tiêu cực đến bảng cân đối kế toán và ảnh hưởng đến quá trình quyết định chính sách tiền tệ./.
|