Thứ Ba, 22/08/2017 13:30

Các quỹ toàn cầu đổ xô đầu tư vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc

Khi thị trường tài chính Trung Quốc bước vào giai đoạn sung mãn, các công ty tài chính lớn của nước ngoài ngày càng muốn thành lập quỹ ở nước này và khai thác thị trường nhà đầu tư tổ chức hàng ngàn tỷ USD ở đó, CNBC cho hay.

 

Mùa hè năm nay, UBS Asset Management đã được cấp phép để quản lý quỹ tư nhân ở Trung Quốc, và BlackRock cho biết họ dự định thành lập quỹ đầu tư vốn tư nhân (PE) đầu tiên tại nước này. Trong khi đó, Vanguard đã thành lập công ty con ở Thượng Hải vào cuối tháng 5/2017, còn Fidelity International đã thông báo trong tháng 1/2017 rằng họ đã trở thành nhà quản lý tài sản toàn cầu đầu tiên nhận được giấy phép quản lý quỹ tư nhân tại Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Chantal Grinderslev, Cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn quản lý đầu tư Z-Ben, cho biết các công ty không thể ngó lơ Trung Quốc được nữa, và phải có kế hoạch kinh doanh ở đó, hoặc có một lý do chính đáng để không tiến hành đầu tư ở đó.

Lượng tài sản dưới sự quản lý của các quỹ PE Trung Quốc
Nguồn: Z-Ben

Công ty Z-Ben cho biết trong năm 2016, các tài sản dưới sự quản lý của các quỹ tư nhân Trung Quốc đã tăng trưởng 54.6% lên 398 tỷ USD. Dựa trên các ước tính của Z-Ben, lượng tài sản dưới sự quản lý của các tổ chức đã tăng bứt phá 500% từ mức 1.1 ngàn tỷ USD lên 7.1 ngàn tỷ USD trong giai đoạn 2005-2015, và có thể chạm mức 10.8 ngàn tỷ USD vào năm 2021 khi các nhà quản lý tài sản trên toàn cầu ngày càng gia tăng đầu tư vào nước này.

Aries Tung, Giám đốc điều hành (CEO) và là Trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh ở Trung Quốc, cho hay: “Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng quan trọng đối với UBS Asset Management. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một nhà quản lý tài sản hàng đầu ở Trung Quốc dành cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Ông Aries Tung nói thêm công ty dự định gia tăng số lượng nhân viên ở Trung Quốc từ khoảng 20 nhân viên lên hơn 30 nhân viên vào cuối năm nay.

Môi trường pháp lý thân thiện hơn đang khuyến khích các công ty Mỹ thành lập quỹ ở Trung Quốc. Kể từ mùa hè năm trước, Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc (AMAC) đã dần mở cửa thị trường quỹ tư nhân với các nhà quản lý tài sản nước ngoài – những người thành lập ra các doanh nghiệp thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài (WFOE).

Trước đó, các nhà quản lý quỹ nước ngoài phải phụ thuộc vào các công ty liên doanh – được sở hữu chủ yếu bởi các công ty Trung Quốc – để tiến hành kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các quỹ đầu tư công khai vẫn bị giới hạn.

Làn sóng đổ xô đầu tư vào thị trường tài chính của Trung Quốc cũng diễn ra khi nhiều chiến lược gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phân bổ danh mục trên toàn cầu, đặc biệt là đầu tư vào châu Á – vốn phát triển rất nhanh.

Trong báo cáo tháng 7/2017, Boston Consulting Group đã nhấn mạnh Trung Quốc như là một thị trường mới đầy hứa hẹn và một trong 5 nguồn có tiềm năng tăng trưởng đáng kể của ngành quản lý tài sản trong vài năm tới.

Báo cáo có đoạn: “Thị trường Trung Quốc và nhà đầu tư ở đây đang trở nên tinh vi hơn. Một dân số già hóa và tốc độ tăng trưởng tài sản đã và đang làm gia tăng nhu cầu về các hàng hóa chuyên dụng hơn – bao gồm cả các quỹ mục tiêu có thời hạn và quỹ ETF”.

Các nhà quản lý quỹ nước ngoài khác vừa mới mở rộng sang Trung Quốc có cả Neuberger Berman. Công ty này vừa mới thành lập WFOE về quản lý đầu tư ở Thượng Hải trong tháng 4/2017 và thêm vào một nhóm đầu tư mới tại Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua.

Các quỹ PE cũng đang mở rộng ở Trung Quốc. Ngày 10/08/2017, KKR đã thông báo mở văn phòng mới ở Thượng Hải – văn phòng thứ 3 tại Trung Quốc. Trước đó, ngày 02/08/2017, Warburg Pincus cho biết họ dự kiến mua lại 49% cổ phần của công ty quản lý tài sản Trung Quốc là Fortune SG Fund Management, qua đó trở thành công ty PE toàn cầu đầu tiên có đầu tư vào ngành quỹ tương hổ của Trung Quốc và cũng là thương vụ có giá trị cao nhất về phương diện đồng USD được thông qua.

Về phía Trung Quốc, các công ty ở nước này cũng đang quan tâm đến dịch vụ tài chính của Mỹ.

Trong ngày 10/07/2017, China International Capital Corporation đã thông báo đồng ý mua lại một lượng lớn cổ phần (đủ chiếm đa số) tại KraneShares – một công ty quản lý các quỹ ETF tập trung vào Trung Quốc có trụ sở ở Mỹ. Trước đó, trong tháng 3/2017, China Energy Company thông báo sẽ mua lại 20% cổ phần ở công ty môi giới Cowen ở Mỹ.

Trung Quốc cũng đang phát triển các công ty tài chính của mình.

Theo báo cáo tháng 7/2017 của Preqin, lĩnh vực quỹ đầu cơ của Trung Quốc hiện có quy mô lớn thứ 3 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 19 tỷ USD và có thể sớm vượt qua lĩnh vực quỹ đầu cơ của Hồng Kông và Australia./.

Các tin tức khác

>   Sóng “thoái lui” của các quỹ đầu tư (21/08/2017)

>   Thị trường đỏ lửa, giao dịch quỹ đầu tư lặng sóng (14/08/2017)

>   MSCI Frontier Markets Index giữ nguyên danh mục (11/08/2017)

>   APS: Asean Deep Value Fund nâng sở hữu lên 14.41% (09/08/2017)

>   VNM ETF bất ngờ bị rút vốn sau nhiều tuần im lìm (09/08/2017)

>   Sóng giao dịch quỹ đầu tư tại các “ông lớn” vẫn chưa dừng lại (07/08/2017)

>   Quản lý Quỹ ACB: Nửa đầu năm có lãi gần 2.4 tỷ đồng (04/08/2017)

>   MSCI có thể không thêm cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi vì tạm hoãn giao dịch quá lâu (31/07/2017)

>   Chuyển biến mới tại quỹ ETF nội (02/08/2017)

>   Dragon Capital càn quét cổ phiếu “hot” tuần qua (31/07/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật