Chuyển biến mới tại quỹ ETF nội
Chưa tạo được sóng gió như hoạt động của các quỹ ETF ngoại nhưng gần đây các quỹ ETF nội cũng đang âm thầm có những chuyển biến mới.
Sau gần 3 năm chính thức vận hành và giao dịch, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ ETF VFMVN30 (HOSE: E1VFVN30) do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý gần cán mốc 1,000 tỷ đồng và tăng đáng kể về thanh khoản. Đây là quỹ ETF nội đầu tiên của Việt Nam với chỉ số tham chiếu dựa trên VN30 (VN30-TRI), niêm yết vào đầu tháng 10/2014 với số vốn huy động ban đầu là 202 tỷ đồng.
Dù gì cũng là sản phẩm quá mới mẻ đối với nhà đầu tư tại Việt Nam nên trong thời gian đầu, giao dịch của E1VFVN30 khá khiêm tốn. Trong vòng 3 tháng đầu (đến cuối năm 2014), khối lượng giao dịch bình quân của E1VFVN30 khoảng 147,000 ccq/ngày với mức giá cao nhất là 10,400 đồng/ccq, sau đó giảm xuống 8,900 đồng/ccq. Khoảng thời gian hai năm tiếp theo từ 2015-2016, giao dịch bình quân giảm xuống còn khoảng 70,000 ccq/ngày. Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong năm 2015, E1VFVN30 đạt lợi nhuận trước thuế 6.8 tỷ đồng (5.9 tỷ đồng chưa thực hiện), đến năm 2016 là 22.8 tỷ đồng (17.2 tỷ đồng chưa thực hiện).
Trong năm 2016, trung bình mỗi lần cơ cấu danh mục, tổng giá trị mua và bán chiếm khoảng 20% tổng giá trị danh mục đầu tư.
|
Sau E1VFVN30 cũng có thêm một sản phẩm quỹ ETF nội nữa ra đời là Quỹ ETF SSIAM HNX30 (HNX: E1SSHN30) do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý dựa trên chỉ số tham chiếu HNX30. E1SSHN30 chính thức giao dịch vào cuối năm 2014 với quy mô vốn ban đầu là 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh khoản của E1SSHN30 là gần như không có trong suốt mấy năm nay.
Trong 6 tháng đầu lên sàn, E1SSHN30 cũng có giao dịch nhưng khối lượng tương đối thấp với bình quân khoảng 3,000 ccq/ngày. Sau đó, từ đầu tháng 7/2015 đến nay, chứng chỉ quỹ E1SSHN30 “án binh bất động” và không hề có giao dịch nào.
Từ lúc thành lập đến hết năm 2015, E1SSHN30 báo lỗ gần 23 tỷ đồng, trong đó lỗ 3 tỷ đồng đã thực hiện và lỗ 20 tỷ đồng chưa thực hiện. Đến năm 2016, E1SSHN30 đạt lãi trước thuế 3 tỷ đồng, trong đó gồm lỗ 6 tỷ đã thực hiện và lãi 9 tỷ đồng chưa thực hiện.
Động thái mới!
Từ đầu năm 2017 đến nay, thanh khoản của E1VFVN30 đã tăng đáng kể, đáng chú ý là từ tháng 7, giá chứng chỉ quỹ E1VFVN30 có thời điểm tăng lên 13,400 đồng/ccq và giao dịch bình quân 370,000 ccq/ngày.
Quy mô và giá trị tài sản ròng theo thời gian của E1VFVN30
ĐVT: tỷ đồng
Quy mô: Tính theo mệnh giá chứng chỉ quỹ
|
Đặc biệt, kể từ giữa tháng 7, khối lượng giao dịch của E1VFVN30 đã đạt đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Đồng thời, quy mô vốn huy động của E1VFVN30 cũng tăng mạnh lên 77.5 triệu ccq (775 tỷ đồng tính theo mệnh giá), giá trị tài sản ròng của quỹ lên gần chạm mức 1,000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu tháng.
Cũng trong tháng 7 này, VFM đã bán bớt ccq E1VFVN30, giảm sở hữu còn 500,000 ccq. Trong khi đó, nhóm Dragon Capital (đối tác chiến lược của VFM) cũng thoái toàn bộ vốn đầu tư tại đây.
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng giám đốc VFM cho biết, phần lớn nguồn vốn đổ vào quỹ E1VFVN30 gần đây đến từ giao dịch của các tổ chức nước ngoài. Tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại E1VFVN30 đã tăng lên gần 89% tại thời điểm ngày 28/07 (cuối năm 2015 là 60% và tăng lên 87.3% cuối năm 2016).
Còn E1SSHN30 mới đã thông qua việc thay đổi bộ chỉ số tham chiếu sang VNX50, đổi tên thành Quỹ ETF SSIAM VNX50, hủy niêm yết trên HNX và chuyển sàn sang HOSE. Chỉ số VNX50 cũng vừa mới được áp dụng gần đây với ngày cơ sở từ 21/07/2017 và giá trị chỉ số cơ sở cũng là giá đóng cửa của chỉ số VNX Allshare tại ngày 21/07/2017. VNX50 gồm 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và giao dịch đứng đầu trên HOSE. VNX50 được xem xét định kỳ thay đổi cổ phiếu thành phần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm trong khi VN30 định kỳ là tháng 1 và tháng 7. Giá trị tài sản ròng của E1SSHN30 tính đến ngày 27/07/2017 là 100.7 tỷ đồng và quy mô quỹ đạt 98 tỷ đồng./.
|