Moody’s bàn về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và Campuchia
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody’s) cho biết Campuchia (hạng B2-ổn định) và Việt Nam (B1-tích cực) có một vài đặc điểm chung bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh và các rủi ro xuất phát từ hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, nền kinh tế đa dạng hơn và lớn hơn cũng như thu nhập cao hơn từ Việt Nam đã góp phần củng cố khả năng hấp thụ các cú sốc. Ngoài ra, các thể chế của Việt Nam cũng mạnh hơn. Tăng trưởng kinh tế mạnh cùng với sự ổn định tài chính cũng như kinh tế sẽ giúp Việt Nam kìm hãm lượng nợ tương đối cao của mình.
Còn tại Campuchia, sự gia tăng về nguồn thu của Chính phủ, sự ổn định vĩ mô và tỷ giá, cùng với nỗ lực giải quyết các yếu kém về thể chế và đa dạng hóa nền kinh tế có thể tiếp tục hỗ trợ chất lượng tín nhiệm của nước này, mặc dù tiến trình trên có khả năng diễn ra một cách từ từ.
Các kết luận của Moody’s nằm trong báo cáo về Campuchia và Việt Nam: Chính phủ Campuchia và Việt Nam – sự đa dạng hóa kinh tế của Việt Nam củng cố thêm chất lượng tín nhiệm của quốc gia, mặc dù lượng nợ của Chính phủ Việt Nam cao hơn Campuchia (“Governments of Cambodia and Vietnam – Vietnam's economic diversity supports stronger credit profile, despite higher government debt than Cambodia's”).
Báo cáo này lưu ý rằng nền kinh tế đa dạng hơn và lớn hơn của Việt Nam mang lại khả năng chống chịu mạnh hơn trước các cú sốc, và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng và được xuất đến nhiều thị trường khác nhau. Sự tiếp cận đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn đã được thể hiện ở mức thu nhập cao hơn, qua đó gia tăng năng lực hấp thụ các cú sốc kinh tế của các hộ gia đình.
Ngược lại, việc sản xuất hàng may mặc và một vài hàng hóa có giá trị gia tăng thấp khác đang chiếm ưu thế trong kim ngạch xuất khẩu của Campuchia – điểm đến chủ yếu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) – qua đó khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc vào các lĩnh vực cụ thể và thị trường cụ thể.
Thể chế của Campuchia đối mặt với các thách thức lớn hơn, nhưng họ đang bắt đầu tiến hành cải cách. Hiện tại Campuchia đang tiến hành cải cách để giảm bớt tham nhũng và nâng cao quy tắc của pháp luật và điều này đang tác động tích cực đến nền kinh tế mặc dù vẫn chưa thực sự củng cố thể chế ở nước này. Trong quá khứ, Ngân hàng Trung ương nước này đã cung cấp sự ổn định về kinh tế và tỷ giá, qua đó hỗ trợ cho dòng vốn FDI chảy vào Campuchia, nhưng tình trạng đô la hóa cao tiếp tục làm hạn chế tính hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, thể chế mạnh hơn và chính sách hiệu quả hơn của Việt Nam đã góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi – qua đó tạo một hiệu ứng tích cực đến hồ sơ tín dụng của quốc gia.
Sức mạnh tài khóa tổng thể của cả hai nền kinh tế khá tương tự, mặc dù chúng bao gồm các ràng buộc khác nhau. Thâm hụt tài khóa của Campuchia nhỏ hơn, nợ Chính phủ thấp hơn và khả năng thanh toán nợ cao hơn – phản ánh qua cơ sở tài trợ ưu đãi lớn hơn – là các điểm mạnh tín dụng tương đối so với Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển sang nguồn tài trợ nội địa của Việt Nam (mặc dù tốn kém chi phí hơn) sẽ làm giảm rủi ro thanh khoản của Chính phủ và tăng khả năng chống chịu trước sự mất giá của đồng nội tệ.
Các rủi ro của ngành ngân hàng kìm hãm hồ sơ tín dụng của cả hai quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Lượng nợ xấu lớn và tấm đệm vốn thấp của các ngân hàng Việt Nam đã gia tăng rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng. Các rủi ro này thấp hơn ở Campuchia, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh – vượt trội hơn cả tăng trưởng GDP danh nghĩa – đã tạo ra rủi ro đến sự ổn định tài chính lẫn kinh tế./.
|